Cảo thơm lần giở: Những lời nói làm nên lịch sử Napoléon nghĩ gì?

23-09-2019 09:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Napoléon (Napôlêông) là một nhân vật lịch sử Pháp, một vị hoàng đế nổi tiếng khắp Đông Tây kim cổ, đến mức rượu và sôcôla mang nhãn hiệu Napôlêông cũng được tiếng vang trong các khách sạn. Ông có thiên tài quân sự nên đã đi vào huyền thoại, được coi là một vị tướng vô địch.

Tôi còn nhớ thời Pháp thuộc, năm 15 tuổi khi học Trường Bưởi, phim câm Napôlêông của đạo diễn Abel Gance chiếu tại rạp Pathé, gần đền Bà Kiệu, bờ hồ Hoàn Kiếm, để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc; tờ áp-phích ở cửa rạp chụp cảnh Napôlêông- sĩ quan trẻ tuổi vượt bão tố trên một con thuyền nhỏ căng lá cờ tam tài làm buồm.

Napôlêông I (1769-1821) sinh trong một gia đình quý tộc nhỏ ở đảo Corse, ông tốt nghiệp Trung úy pháo binh ở Paris. Ông tham gia cách mạng năm 1789, dùng binh giỏi nên 27 tuổi đã được phong tướng, trở thành vị cứu tinh của nền Cộng hòa Pháp bị liên quân của các nước vương quyền tấn công. Ông thắng quân Áo ở Ý, đánh thắng quân Anh ở Ai Cập, thuộc địa và hậu phương của Anh. Ông bỏ về Pháp nắm chính quyền vào năm 1802, xưng đế năm 1804. Ông tác chiến khắp nơi, chiếm nhiều đất đai trong 15 năm. Sau khi thua Anh ở một trận thủy chiến, ông đành bỏ ý tưởng đổ bộ sang Anh. Nhân dân Tây Ban Nha được Anh giúp đỡ, khởi nghĩa chống lại ông, các dân tộc khác bị đô hộ cũng theo gương. Viễn chinh ở Nga, ông bị thua, rút lui và sau đó bị liên quân các nước đánh bại. Ông thoái vị năm 1814, bị đày ra đảo Elba ở Ý. 10 tháng sau, ông vượt biển về nước, trị vì được 100 ngày thì thua trận Waterloo ở Bỉ, bị đày ở một hòn đảo giữa Đại Tây Dương. Ông chết ở đó năm 52 tuổi.

Napôlêông đã tự tạo cho mình một vài truyền thuyết để tuyên truyền. Ngay từ chiến dịch ở Ý, tờ báo của đạo quân Ý đã tô vẽ một Napôlêông bách chiến bách thắng. Khi làm Hoàng đế, ông đi vào sự mến mộ của quần chúng với hình ảnh một người ăn mặc giản dị, thân mật với lính tráng, làm việc 18 giờ một ngày, làm một lúc nhiều việc, giỏi mọi lĩnh vực, muốn ngủ lúc nào cũng được. Các bản tin đủ các thứ tiếng đề cao ông ở mọi nơi. Các bộ môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, văn học,... lấy ông làm đề tài trọng tâm.

Một truyền thuyết xấu về Napôlêông cũng đồng thời phát sinh. Napôlêông bị coi là “con yêu tinh” trong các thôn xóm Pháp từ năm 1812, khi ông bắt đầu bại trận liên tiếp trong các cuộc viễn chinh. Dân khổ sở, số người bị bắt đi lính ngày càng đông, thương vong càng nhiều. Hào quang chiến thắng lu mờ, Hoàng đế phải rút quân khỏi Nga, Đức, thoái vị sau khi lãnh thổ Pháp bị chiếm đóng. Liên quân châu Âu không ngừng lên án ông là kẻ xâm lăng. Suốt thế kỷ 19, các nhà văn bảo Hoàng tử Chateau Briand đến Léon Daudet miêu tả ông là một chính khách ham quyền lực, độc đoán và tàn ác.

Thời kỳ vương quyền lập lại (1817) sau khi Napôlêông bị phế lại rất đen tối ở Pháp: kinh tế khó khăn, uy tín đất nước không còn. Hoàn cảnh ấy khiến người dân thường luyến tiếc thời Napôlêông có bánh mì rẻ, khắp châu Âu run sợ trước hoàng đế Pháp. Thế là trí tưởng tượng của dân gian lại tạo ra một loạt truyền thuyết mới về Napôlêông gần dân, thương lính... thể hiện trong tranh dân gian và các bài ca của Béranger.

Có điều lạ là Napôlêông đi bóp chết tự do các dân tộc ở mọi nơi, lại thực tế đi gieo rắc khắp nơi hạt giống tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp 1789 mà ông tham gia từ đầu. Năm 1969, ngay cả Đảng Cộng sản Pháp cũng dự lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Napôlêông do đồng tình với nhận định này.

Lại có một truyền thuyết về Napôlêông trong chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Những thế hệ ra đời sau khi Napôlêông bị phế, sống vào thời kỳ thực dụng, buồn tẻ của các vương triều Phục hưng. Họ luyến tiếc thời huy hoàng vang dội những chiến công của Hoàng đế. Cái chết cô đơn của ông cùng những cuộc chiến oai hùng của ông thành những đề tài của văn học lãng mạn trong nhiều thế hệ nhà văn (Hugo, Sendhal, Balzac...). Suy nghĩ về sự tôn sùng Napôlêông, triết gia Đức Nietzsche dựng lên học thuyết “siêu nhân”. Văn nghệ thế kỷ tiếp tục khai thác huyền thoại Napôlêông, nhất là văn học và điện ảnh ở Pháp, Mỹ, Nga.

Năm 1968, sinh viên Pháp nổi dậy chống nền học theo khuôn mẫu Napôlêông. Một dịp cho giới doanh nghiệp dùng hình ảnh Napôlêông làm nhãn hiệu sản xuất rượu, phomát, etxăng... Tại sao hình tượng Napôlêông lại tồn tại? Đủ các ngành quân sự, triết học, giáo dục, luật học, chính trị... vẫn tiếp tục nghiên cứu vị tướng huyền thoại này.

Napôlêông còn nổi tiếng về tài hùng biện. Trước khi ra trận, ông thường động viên quân sĩ bằng những lời động viên làm nức lòng binh sĩ.

Thí dụ, năm 1796, khi còn là Tổng tư lệnh quân đội cách mạng, trước chiến dịch Ý, Napôlêông đã có lời thiết tha kêu gọi binh sĩ:

“Hỡi các binh sĩ, các ngươi thiếu quần áo, đói khát. Chính phủ nợ các ngươi rất nhiều, Chính phủ chẳng có gì để cho các ngươi. Ý chí kiên trì của các ngươi, sự dũng cảm của các ngươi trong vùng núi non này, thật đáng khâm phục, nơi đây chẳng mang lại cho các ngươi chút vinh quang nào, không chút ít hào quang nào rọi tới các ngươi. Ta muốn dẫn các ngươi đến những cánh đồng trù phú nhất thế giới. Những tỉnh giàu có, những thành phố lớn sẽ dưới quyền các ngươi, các ngươi sẽ tìm thấy ở đó danh dự, vinh quang và của cải.

Hỡi binh sĩ chiến dịch Ý, lẽ nào các ngươi lại thiếu dũng cảm và kiên trì ư?”.

Năm 1815, vị trí của ông chấm dứt với sự bại trận ở Waterloo. Năm 1814, kết thúc chiến cuộc ở mặt trận Đức và thua trận ở Leipzig, nước Pháp bị xâm chiếm. Napôlêông I buộc phải thoái vị hoàng đế và bị đưa đi đày ở đảo Elbe theo Hiệp định Fontainebleau (11 tháng 4). Ông tìm cách uống thuốc độc tự tử nhưng không thành. Ngày 20 tháng 4, khi vua Louis XVIII được đồng minh châu Âu gọi về Pháp để lên ngôi, thì ông nói lời từ biệt với đội quân ngự lâm.

Sau đây là lời từ biệt của Napôlêông với đội quân ngự lâm (Vieille Garde):

“Hỡi đội quân ngự lâm của ta, ta phải xa cách các ngươi, ta có đôi lời từ biệt các ngươi. Ta đã từng luôn luôn thấy các ngươi trên con đường vinh quang. Các ngươi chưa hề bao giờ rời bỏ con đường danh dự. Ta hài lòng về các ngươi. Ta đã chinh chiến vì nước Pháp trong hai mươi năm, vì hạnh phúc của Tổ quốc mến yêu ấy, nhưng tất cả các cuờng quốc châu Âu đã vũ trang chống lại ta: một bộ phận của quân đội đã phản lại nhiệm vụ. Chính bản thân nuớc pháp cũng muốn có những số phận mới; với các ngươi và với những người gan dạ còn trung thành với ta, ta rất có thể thực hiện một cuộc nội chiến trong ba năm trên đất Pháp, nhưng nó sẽ đau khổ và trái với mục tiêu ta đã theo đuổi.

Các ngươi hãy trung thành với quân vương mà nước Pháp đã chọn. Các ngươi đừng bỏ mặc Tổ quốc ấy đau khổ trong một thời gian dài.

Các ngươi đừng than phiền cho số phận của ta, ta sẽ luôn luôn sung sướng nếu ta biết là các ngươi được sung sướng. Ta có thể chọn cái chết, không có gì dễ hơn đối với ta, nhưng ta sẽ luôn luôn theo con đường danh dự.

Ta sẽ ghi lại những gì chúng ta đã làm. Ta không thể ôm hôn tất cả mọi người, nhưng ta sẽ ôm hôn vị tướng của các ngươi!

Hỡi tướng quân, nhân danh mọi người hãy lại đây với ta! (Napoléon ôm hôn vị tướng). Hãy đưa lại đây cho ta lá cờ (l’Aigle)! (ông cũng ôm hôn lá cờ và nói:) mong rằng những cái hôn này vang lên trong trái tim của các người anh dũng”.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn