Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Nhân 200 năm Truyện Kiều của Nguyễn Du

08-07-2019 08:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kỳ 2: Nàng Kiều dưới con mắt một người phương Tây

Nhà Việt Nam học G. Boudarel (Pháp), người gắn bó với dân tộc Việt Nam từ thời kháng chiến chống Pháp đến hơi thở cuối cùng, đã để lại trước khi chết một bản thảo dở dang mà chúng tôi đã xuất bản thành một số đặc san của tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (tiếng Anh, Pháp số 1/2001). Trong số các bài của tập bản thảo, có bài Nàng Kiều - những nỗi gian truân của đức hạnh ở Việt Nam đã xuất bản trước (số 3-1999). Một tác giả phương Tây nhận định, đánh giá nàng Kiều hẳn phải khác ta!

Về giá trị văn chương, các cụ ta từ xưa đã thống nhất: Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt vời, nhưng về việc đánh giá đạo đức nàng Kiều thì vẫn có nhiều đánh giá khác nhau.

Về giá trị văn chương, các cụ ta từ xưa đã thống nhất: Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt vời, nhưng về việc đánh giá đạo đức nàng Kiều thì vẫn có nhiều đánh giá khác nhau.

Về giá trị văn chương, các cụ ta từ xưa đã thống nhất: Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt vời, nhưng khác nhau về việc đánh giá đạo đức nàng Kiều. Các nhà nho chính thống lên án Thúy Kiều vì nàng dám sang nhà Kim Trọng thề thốt trước khi nói với cha mẹ, lại đi làm đĩ mấy lần, lấy chồng mấy lần, ăn cắp cả đồ thờ Phật khi trốn đi, gây ra cái chết của Từ Hải... Vì vậy, “đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”, Truyện Kiều là dâm thư, tả cả cảnh động phòng, nơi thanh lâu, Kiều tắm. Trong Việt Nam văn học sử yếu, nhà nho hiện đại Dương Quảng Hàm đã thanh minh cho nàng Kiều và Nguyễn Du: theo quan niệm mới về tự do hôn nhân, việc Kiều hứa hôn không đáng trách vì vẫn dành quyền quyết định cho cha mẹ: Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. Kiều không dâm vì không để cho Kim Trọng lả lơi. Khi buộc phải kết hôn thì xin chàng Kim đổi tình gối chăn thành tình bạn bè để lấy chữ trinh tâm hồn thay chữ trinh thể xác đã mất. Còn các đoạn bị coi là tục tĩu thì lại được khen Văn thanh nhã biết chừng nào! Kiều đã vừa hiếu (bán mình chuộc cha) lại vừa trung (muốn cứu sinh linh, khuyên Từ Hải hàng), Kiều có cả nghĩa lẫn nhân.

Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây (với sự tham gia của cái Tôi), từ những năm 1920-1930, các thế hệ mới ít chú ý hơn đến đánh giá đạo đức Kiều, mà đồng cảm với nàng về sự khao khát tình yêu, cách sống quá theo ước lệ, giải phóng cá nhân.

Đánh giá nàng Kiều theo chuẩn mực phương Tây, Boudarel chú ý đến tính cách hơn là đức hạnh. Ông so Kiều với một vài nhân vật nữ điển hình trong văn học Pháp. Trước hết, ông gọi Kiều là “Justine của Việt Nam”. Xin nói rõ thêm Justine là ai? Đó là nhân vật chính cuốn tiểu thuyết Justine - những nỗi gian truân của đức hạnh (của tác giả De Sade, 1740-1814). Nàng Justine, 16 tuổi, con một chủ ngân hàng, bị lôi cuốn vào bão táp cách mạng 1789. Bị ném từ trường bà sơ vào xã hội toàn lưu manh, nhưng vẫn giữ đức hạnh cho đến cùng. Một linh mục tìm cách quyến rũ cô. Một tên lái buôn định lợi dụng cô. Cô bị lừa vào nhà chứa và vào tù. Ở đó, một nữ tù gây cháy, rủ cô trốn đi và nhập vào băng cướp. Cô thoát thân với một tên lái buôn và bị tên này hiếp. Tỉnh dậy, cô gặp một thanh niên dâm ô, nhờ cô giúp y giết mẹ y. Cô chạy đến ở với một thầy thuốc phẫu thuật, suýt bị y mổ sống. Một tên quý tộc đưa cô về lâu đài hắn, hắn thường làm cho phụ nữ có thai, giết các trẻ sinh ra sau 18 tháng. Cô chạy thoát, lại rơi vào một tu viện tổ quỷ dâm ô, lại bị tù. Cô đến ở với một tổng giám mục chuyên giết người bằng máy chém riêng. Cô rơi vào lâu đài của một thẩm phán sống cùng người da đen ăn thịt người. Cô suýt bị thiêu sống, may trốn được, gặp một phu nhân phú quý. Đó chính là chị ruột của cô, là Juliete. Cô chị khác hẳn cô em: Juliete suốt đời đề cao tội ác, phản bội, dâm dục, do đó cuộc đời sung sướng. Juliete cùng đồng bọn quyết định trừng phạt em về tội “quá đức hạnh”: trong cơn bão, họ đẩy Justine ra khỏi nhà, Justine bị sét đánh chết. Như vậy, thiên nhiên cũng đồng tình với triết lý sống của Juliete...

Cuộc đời của Justine và Kiều giống nhau ở chỗ cả hai đều đau khổ (tuy Kiều cuối cùng tìm được sự thanh thản của Thiền). Nhưng tại sao hai tâm hồn trong trắng ấy, đề cao đức hạnh, mà lại đau khổ?

Câu trả lời của 2 tác giả, tuy sống gần như cùng một thời mà ở 2 nền văn hóa khác nhau, dĩ nhiên cách giải quyết vấn đề khác nhau. Nguyễn Du, do ảnh hưởng của Khổng - Phật, trả lời bằng thuyết tài mệnh tương đối, luật thừa trừ, chữ nghiệp. Với triết lý duy vật, vô thần, Sade cho là con người sinh ra để tìm vui thú, chỉ có cái ác, cái dâm mới mang lại hạnh phúc tối cao, nên Justine phải chết vì đi ngược lại quy luật. Không cần gì đến luân lý đạo đức: Sade đã bị ở tù nhiều lần vì những tác phẩm vô luân và bệnh hoạn. Tên ông đã được dùng để đặt tên cho hiện tượng ác dâm (sadisme) - tìm thích thú trong bạo dâm. Sang thế kỷ 20, giới nghiên cứu cho là Sade đã cung cấp nhiều tư liệu cho môn tâm lý trị liệu và đã đi trước Nietzsche (vượt qua luân lý), Freud (vô thức) và chủ nghĩa hiện sinh.

Boudarel cũng so sánh Kiều với 2 nhân vật nữa: Manon Lescaut và công nương De Clèves. Manon Lescaut trong cuốn tiểu thuyết cùng tên (1731) của linh mục Prévost là một cô gái luôn pha trộn đạo đức và tội lỗi, yêu một thanh niên quý tộc nhưng vẫn có nhân tình khác, vì thích xa hoa, lôi cuốn người yêu vào con đường tội lỗi. Công nương De Clèves là một mẫu mực về tiết hạnh. Tuy không yêu nhưng tôn trọng chồng, nàng cương quyết chống lại mối tình chớm nở trong lòng với một người khác. Theo Boudarel, Kiều có tính cách vừa Manon Lescaut, vừa công nương De Clèves: đinh ninh mình là De Clèves mà lại hành động như Manon Lescaut.

Tính cách của Kiều hơi “mập mờ” (Boudarel dùng chữ ambigu), đôi lúc có sự “nhập nhằng” giữa tiết hạnh và cảm xúc. Nàng không dứt khoát được như Ngọc Hoa hay nhiều nhân vật khác của truyện Nôm (dứt khoát chỉ yêu một lần, chết vì một người tình). Kiều có đức hạnh (hiếu), chung thủy trong tâm hồn với Kim Trọng, nhưng chịu hàng trước roi vọt, buông trôi theo tình cảm, nên có dịp thì vẫn yêu thêm (mến Thúc Sinh, say Từ Hải). Boudarel đặt câu hỏi: nếu Kiều đã chịu gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến thì nàng có tự tử nữa không, nếu hắn săn đón nàng hơn và không gả nàng cho thổ quan? Ranh giới giữa đức hạnh và tình cảm buông thả trong Kiều mờ nhạt, dường như Kiều có 2 bộ mặt, như trong tiểu thuyết của nhà văn Anh H.G. Wells: Người tàng hình (Bác sĩ Jekill và ông Hyde).

Chính cái yếu đuối của Kiều, cái nhập nhằng đức hạnh - tình cảm, khiến cho nhân vật Kiều thật hơn, hiện đại hơn, có bề sâu tâm lý hơn các nhân vật thiện ác, trung nịnh rõ ràng trong văn học dân gian.

Mời đón đọc kỳ tiếp theo: Cô hồn Mỹ ở đất Việt và “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du, trên số 111


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn