(Tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, 1766-1820)
Đã khá lâu, tại một buổi tiếp tân ở Sứ quán Pháp, tôi có hỏi mấy vị khách Pháp: “Thường mỗi dân tộc có một nhà văn lớn mang tính đại diện. Anh có Shakespeare, Đức có Goethe, Ý có Dante, Tây Ban Nha có Cervantes... Thế đại diện cho Pháp là ai?”.
Các vị khách có vẻ lúng túng, người thì đề ra Hugo, người khác thì Balzac, hoặc Sartre... Họ không thống nhất với nhau có lẽ vì văn học Pháp có nhiều cây đa cây đề quá, không cây nào vượt lên hẳn chăng?
Có một bà khách quay lại hỏi tôi: “Thế còn nhà văn đại diện nhất cho Việt Nam là ai?”. Tôi rất tự hào, trả lời không ấp úng: “Nguyễn Du, thế kỷ 18”.
Giả sử không có Kiều và Nguyễn Du thì tôi nêu tên ai? Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Nhậm..., ai? Tác phẩm nào? Tất cả các tên tuổi kiệt xuất này đều là niềm tự hào của dân tộc ta, nhưng không có tác phẩm dài hơi và có tính chất nhân văn phổ biến mà rất Việt Nam như Kiều. Theo dịch giả Pháp R.Crayssac, Kiều có thể so sánh mà không thua kém gì các kiệt tác của bất cứ thời đại nào, bất cứ xứ sở nào! Người ta có thể không đồng ý với chính sách bảo hoàng thủ cựu của học giả Phạm Quỳnh, nhưng không thể không đồng ý với nhận định của ông: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn! Nói như vậy có nghĩa công nhận ngôn ngữ là thành tố quan trọng của bản sắc dân tộc. Kiều phản ánh trung thực bản sắc dân tộc Việt. Có những dân tộc rất lâu không có lãnh thổ mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc do giữ được ngôn ngữ, như Do Thái, Phần Lan chẳng hạn.
Về câu nói của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Trung đặt một câu hỏi sâu sắc: “Phải chăng nhận định ấy nêu lên năm 1924, nhân lễ kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du, nằm trong âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, hướng thanh niên và trí thức ta vào con đường văn hóa, ru ngủ bằng Truyện Kiều, do đó xa rời đấu tranh chính trị?”. Cuộc tranh luận Phạm Quỳnh - Ngô Đức Kế cơ bản là chính trị. Cụ nghè Kế đả Kiều là cốt đả âm mưu thực dân do Phạm Quỳnh, có ý thức hoặc vô ý thức, thực hiện?
Trước mặt tôi là một cuốn sách đẹp, lớn, khổ 19x27, dày 2.000 trang giấy Bible, cuốn Hai trăm năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều (2005). Tác giả Lê Xuân Lít, sau nhiều năm công phu sưu tầm, đã cho chúng ta một hồ sơ đồ sộ, tham khảo hơn ngàn tư liệu gốc và tập hợp những công trình nghiên cứu và bình luận Truyện Kiều của 158 tác giả trong 200 năm qua. Những ý kiến sưu tầm được rất đa dạng, khen chê đều trích dẫn khách quan, đúng tính chất một hồ sơ để người nghiên cứu tham khảo, tự mình suy ngẫm. Cấu trúc sách gồm hai phần: 1. Góc độ lịch sử văn hóa (bối cảnh, dòng họ và con người Nguyễn Du). 2. Lĩnh vực nghiên cứu và tiếp cận Truyện Kiều (văn bản, hình thức nghệ thuật và ngôn ngữ, tranh luận, địa vị và ảnh hưởng).
Lướt qua 2.000 trang sách đã thấy ngợp, cảm thấy ảnh hưởng của Kiều đến giới trí thức, tâm thức người Việt Nam sâu đậm đến mức nào, chẳng cần đợi đến “tam bách dư niên hậu”.
Theo Lê Xuân Lít, sở dĩ Truyện Kiều trở thành tác phẩm kỳ lạ của văn học Việt Nam là do không có tác phẩm nào như nó: mỗi trang, mỗi chữ có hàng trăm trang giải thích, tranh luận, suốt 200 năm luôn có mặt (tìm ra cái mới, đọc, bình, lẩy, sinh hoạt dân gian), nhiều hình thức thưởng thức (sinh hoạt văn nhân, ru con, bói Kiều, sân khấu, điện ảnh, truyện tranh...) không ngớt, cả khen lẫn chê, đủ thấy mối quan tâm bền bỉ. Còn nhiều điều cần tiếp tục tranh luận... như Truyện Kiều là sáng tác hay chỉ là một bản sao dịch? Theo quan niệm Phật, Nho, Lão hay luân lý truyền thống dân tộc? Có phản ánh Nguyễn Du (bỏ Lê, phò Nguyễn, xã hội đương thời, giấc mộng không thành)? Các vấn đề ngôn từ, thơ ca bình dân ảnh hưởng gì?
Trở lại một câu hỏi: tại sao Nguyễn Du do Truyện Kiều đã trở thành đại thi hào dân tộc? Qua 2.000 trang sách, rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cổ kim Đông Tây đã trả lời, đặc biệt có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu miền Nam trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, lần đầu tiên được tập hợp rất đầy đủ.
Mục Những tranh luận về Truyện Kiều (trang 1542-1748) đặc biệt lý thú với những vấn đề: Kiều phải chăng chỉ là một bản sao dịch? Nên hiểu Đoạn trường Tân Thanh như thế nào? Nội dung khách quan và chủ quan Truyện Kiều? Đánh giá qua các thời? Đạo đức hay vô luân?...
Có điểm cần nhấn mạnh về văn học so sánh: Kiều là một hiện tượng phi thường trong văn học thế giới, không phải vì giá trị thẩm mỹ (ta hay khiêm tốn), mà về mặt xã hội học. Theo chỗ tôi biết, không một tác phẩm nào trên thế giới được cả người trí thức và người mù chữ thuộc ít nhất một đôi câu, phổ biến đến mức ru con (khó tưởng tượng người Anh ru con bằng Shekespeare, người Pháp ru con bằng thơ Ronsard...).
Cuốn sách của Lê Xuân Lít là một hồ sơ 200 năm Kiều rất quý, nhưng vẫn cần bổ sung. Tiếc là còn thiếu tư liệu về các bản Kiều dịch sang các tiếng Nga, Đức, Tiệp, Anh... và ý kiến của người nước ngoài.
Truyện Kiều đậm màu sắc nhân văn, đề cao những giá trị vĩnh cửu của con người. Giữa thời phong kiến thịnh trị, Nguyễn Du đã mạnh dạn chọn một con đĩ (Thúy Kiều) và một tên tướng cướp (Từ Hải) làm hai nhân vật tích cực, đại diện cho sự đi tìm tự do và công lý. Sự vượt rào đạo lý Khổng học khắt khe thất bại đã chuyển sang sự tìm siêu thoát trong Phật giáo.
Mời đón đọc kỳ 2: Nàng Kiều dưới con mắt một người phương Tây