Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Nguyễn Trãi nghĩ gì?

01-07-2018 11:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - (Hiệu Ức Trai, 1380-1442)

Kỳ I

Từ Bình Ngô Đại Cáo (1428) đến Tuyên ngôn Độc lập (1945)

Ông Vũ Đình Đỉnh - Thạc sĩ khoa học về y tế cộng đồng và học vị tiến sĩ. Đề tài luận án tiến sĩ của ông: Các bệnh dị ứng đường hô hấp và liên hệ của chúng với tác nhân dị ứng trong không khí ở cộng đồng Hawaii. Ông sinh ra (1934) và lớn lên ở Việt Nam (quê gốc Đáp Cầu, Bắc Ninh). Sau khi đỗ Tú tài và vượt qua kỳ thi tuyển chọn, ông học đại học năm thứ nhất ở Hà Nội và giành được học bổng để du học ở Hoa Kỳ năm 1956. Ông đã học ở các trường Đại học North Caroline ở Chapel Hill, Đại học Chicago và Đại học Hawaii để đạt các học vị kể trên.

Nguyễn Trãi (Hiệu Ức Trai, 1380-1442).

Nguyễn Trãi (Hiệu Ức Trai, 1380-1442).

Vì tình yêu văn hóa Việt Nam, ông đã dùng thời gian nghỉ hưu của mình để viết một số công trình tiếng Anh về văn hóa Việt Nam, vừa để các thế hệ Việt kiều hiểu sâu về quê hương đất nước. Ông đã cho xuất bản những công trình: Tìm kiếm những quy tắc ứng xử truyền thống; Nam Kỳ; Đánh giá lại địa danh gốc và địa danh đã phương Tây hóa; Tuyển tập Thơ Việt Nam (Song ngữ). Ông cũng có một vài tác phẩm viết bằng tiếng Việt về Xuân Diệu, Tản Đà, Nguyễn Bính và Tam nguyên Yên Đổ. Công trình cuối cùng và đáng kể nhất là bản Bình Ngô đại cáo ông dịch ra 3 thứ tiếng Việt, Anh, Hán và Pin Yin (bộ ký tự ngôn ngữ Latinh dùng để học chữ Hán) rất tiện cho việc nghiên cứu.

Từ San Antonio thuộc bang Texas, Hoa Kỳ, ông Vũ Đình Đỉnh vừa gửi cho tôi cuốn sách Bình Ngô đại cáo với bản dịch sang tiếng Anh Proclamation of Victory. Trong bức thư kèm theo, ông giãi bày: có lẽ Proclamation of Victory  là công trình dịch thuật và biên khảo cuối cùng trong đời tôi vì sức khỏe đã yếu, không còn tập trung suy nghĩ được như trước nữa. Tôi rất mừng và không phải muốn khoe, rất hãnh diện cho ra được cuốn sách này vì nó là cuốn sách duy nhất bằng tiếng Anh viết về Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bài dịch Bình Ngô đại cáo một cách nghiêm túc. Hơn nữa, với sự cộng tác của một giáo sư, tôi là người đầu tiên cho in bản Bình Ngô đại cáo cổ nhất cùng với bản phiên âm. Sách dày 80 trang. Ở bên này, một số người Việt không đồng ý khi tôi đưa bản Tuyên ngôn Độc lập của Cụ Hồ vào trong sách. Tôi chỉ nêu lên hai sự kiện lịch sử không ai có thể phủ nhận.

Sở dĩ có sự phản đối vì ở đầu sách ông Đỉnh đã viết: Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, một ông già dáng người mảnh khảnh, gương mặt khắc khổ, đại diện cho Chính phủ Lâm thời Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, trước thời điểm của bản Tuyên ngôn lịch sử này, ít người Việt Nam tin rằng một tuyên ngôn chính trị táo bạo như vậy lại có thể thực hiện được. Thậm chí cũng ít ai ý thức được là hơn 500 năm trước đó, một tuyên ngôn đặc sắc nếu không nói là hùng hồn hơn, đã được vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi: 1385-1433) công bố sau chiến thắng chống quân xâm lược nhà Minh năm 1428.

Đứng về phương diện sử học, ông Đỉnh nêu bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là khách quan, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc bản đó đứng ngoài ý thức hệ các đảng phái. Học giả yêu nước Hoàng Xuân Hãn đã so sánh hai thời điểm Hồ Chí Minh và Lê Lợi, hoàn cảnh lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Bình Ngô đại cáo 1428: “...có độc lập, có thống nhất thì cái công của cụ Hồ Chí Minh to lắm. Dẫu là người ta dùng một chế độ gì, cộng sản hay quốc gia thì với người viết sử, người ta coi không khác gì công đời Lê Lợi. Thời ấy, đời Lê Lợi cũng có nhiều nhóm người yêu nước: nhóm Đông Triều, nhóm Tuyên Quang, nhóm con cháu nhà Trần cùng ganh nhau. Nhưng họ bị quên lãng bởi chỉ nhờ nhóm Lam Sơn mà đất nước được giải phóng (ông Đỉnh trả lời phỏng vấn).

Ông Vũ Đình Đỉnh dịch Bình Ngô đại cáo để giới thiệu với đông đảo bạn đọc Anh ngữ trên thế giới một văn bản cổ xưa và để các thế hệ Việt kiều biết tự hào về dĩ vãng oanh liệt của tổ tiên.

Bản dịch Bình Ngô đại cáo là công trình tâm huyết của Vũ Đình Đỉnh. Đại cáo là bài văn có ý nghĩa lớn để nhà vua tuyên bố những điều quan trọng. Dịch nguyên văn ra tiếng Anh là Proclamation of Victory over the Ngo, ông Đỉnh đổi ra là Tuyên cáo Đại thắng (Proclamation of Victory) có lẽ thích hợp với hoàn cảnh chính trị năm 1428, khi cần tranh thủ nhà Minh để họ chấp nhận Lê Lợi làm vua nước Việt.

Vũ Đình Đỉnh ý thức được sự khó khăn của mình khi ngày nay còn rất ít chuyên gia Hán Việt. Ông được sự hỗ trợ của bạn bè và các học giả, cộng với sự kiên trì cố gắng vượt bậc của bản thân, cuốn sách đã hoàn thành.

Trong lời bình chú, ông nhấn mạnh hai điểm:

Bình Ngô đại cáo ra đời năm 1428 chứ không phải 1427 (năm 1427, Lê Lợi còn ở Bồ Đề, đang vây Vương Thông ở Đông Quan, bản thảo Bình Ngô đại cáo cũng mang niên hiệu 1428, Nguyễn Trãi dùng quốc hiệu Đại Việt thay cho Đại Ngu, An Nam trước đó).

Vũ Đình Đỉnh nhắc nhở công lao Lê Lợi song song với đề cao Nguyễn Trãi và bản Bình Ngô đại cáo.

Một người Việt xa quê hương mà vẫn trăn trở về di sản văn hóa đất Tổ như Vũ Đình Đỉnh thật đáng trân trọng! Không ngờ một văn bản lịch sử từ thế kỷ 15 lại có âm hưởng đến ngày hôm nay, ở nơi “chân trời góc biển”.

(Mời đọc tiếp kỳ II trên SK&ĐS số 108)


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn