Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Nguyễn Trãi (Hiệu Ức Trai, 1380-1442)

07-07-2018 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vạn xuân: Tâm sự của một nữ nhà văn Pháp sống lại thời “Ức Trai”

Kỳ II (Tiếp theo số 104)

Vào những năm 90 thế kỷ trước, tôi gặp bà Yveline Féray ở Nice, thành phố du lịch và nghỉ mát nổi tiếng của Bờ biển xanh Địa Trung Hải. Hai vợ chồng bà mời tôi ăn cơm, ở tiệm ăn Việt Nam Đông Hải, sau buổi tôi nói chuyện ở trường đại học tỉnh đó.

Ông P.R. Féray, Tiến sĩ văn học, Giám đốc CERAC (Trung tâm Nghiên cứu Đông Á hiện đại). Hồi đó bà Yveline Féray, nhà sử học và nhà báo đã có tiểu thuyết được giải thưởng văn học địa phương miền Tây. Bà người thon, mắt sâu, trang điểm rất “mốt”, trông hệt như diễn viên điện ảnh.

Một phụ nữ phương Tây cách xa ta trên vạn dặm mà dám bỏ ra 7 năm trời nghiên cứu, nhập vai, nhập cảnh để viết pho tiểu thuyết Vạn Xuân (Dix mille printemps) dài hơn 800 trang về Việt Nam cách đây hơn 600 năm. Đó là quá bất ngờ đối với tôi. Có điều chắc chắn là tác giả thiết tha với Việt Nam lắm. Tác giả được giới phê bình Pháp hoan nghênh và được tổ chức các nhà văn viết tiếng Pháp tặng Giải thưởng châu Á năm 1989.

Có thể độc giả nhận xét là có những chi tiết lịch sử thời Nguyễn chuyển sang chứ chưa chắc thuộc Trần - Hồ, có thể có điều nọ điều kia, tính chất Trung Quốc nhiều hơn tính chất Việt Nam, miêu tả tình cảm nhất là tình dục hơi “Tây” quá chăng...?

Đối với bất cứ cuốn tiểu thuyết lịch sử nào, người ta cũng có thể nêu hàng loạt câu hỏi tương tự. Quyền hư cấu của tác giả đối với sự thật lịch sử đến đâu, đó là vấn đề bàn cãi còn chưa kết luận trong giới phê bình của ta.

Đền thờ Nguyễn Trãi.

Đền thờ Nguyễn Trãi.

Riêng về Vạn Xuân của Yveline Féray, độc giả Việt Nam không có định kiến hẳn đánh giá là một thành công về nhiều mặt. Khung cảnh lịch sử được trình bày rất nghiêm túc và đậm đà màu sắc địa phương để định hướng cho độc giả phương Tây. Tác giả cố tạo ra bầu không khí tâm lý, tư duy và tình cảm về nước Đại Việt thế kỷ 15, làm cho người đọc “đồng hóa vào một nền văn hóa khác của một thời điểm khác”, nhìn sự việc không phải với tính chất là “một quan sát viên phương Tây chỗ nào cũng có mặt” (Observateur occidental omniprésent) mà “ở bên trong hay từ bên trong” (au-dedans ou du dedans). Bà Yveline Féray đã đạt được ý đồ của mình: không phải chỉ đơn thuần viết tiểu sử “tiểu thuyết hóa” của Nguyễn Trãi, mà viết “tiểu thuyết về một biểu tượng, đồng thời là thiên anh hùng ca của một dân tộc trong cuộc bảo vệ bản sắc và tự do của mình”. Tuy là chuyện cũ, nhưng tác phẩm cũng làm cho độc giả nắm được nhiều vấn đề hiện đại của Việt Nam hoặc chung cho con người: mối quan hệ lịch sử phức tạp Việt Nam - Trung Quốc, tính chất quyền lực chính trị, quan hệ quyền lực - trí thức, tài và phận, tình yêu và xã hội...

Cảm ơn bà Yveline đã xây thêm một nhịp cầu cảm thông văn hóa. Để độc giả hiểu bà và tác phẩm của bà hơn, tôi xin được dịch bức thư bà gửi cho tôi.

Thân gửi Hữu Ngọc

(...) Từ ngày xuất bản vào tháng tư năm 1989, Vạn Xuân đã gợi nhiều thiện chí, các nhà phê bình đã nói về “một sự đánh cuộc”, “một sự đánh đố khó tin”, “một tham vọng rồ dại”,“một bức bích họa”(...). Tôi rất hiểu là độc giả Việt Nam có thể ngạc nhiên đến mức không tin... Làm thế nào mà một phụ nữ Pháp không biết nói và đọc tiếng Việt, không biết chữ Nôm, chữ Hán, lại dám lao vào một công việc liều lĩnh này: dám viết “một trước tác cổ điển về thế kỷ 15” (Việt Nam), một thứ “Thủy hử” của sông Hồng, một pho tiểu thuyết rộng lớn cố thuyết phục độc giả Pháp, mà nhất là được độc giả Việt Nam công nhận? Phải chăng đó là điên rồ, không có ý thức hay ngây thơ. Hai điều đó chứng tỏ “một tâm hồn trẻ trung - tuổi trẻ của một vạn mùa xuân”, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư khích lệ tôi? Tôi xin thú thực là mãi đến bây giờ, chỉ bây giờ, sau khi mọi người bảo tôi và nhắc đi nhắc lại là tôi có thể bị vỡ mặt về chuyện này thì tôi mới đánh giá hết được cái điên rồ và ngây thơ của tôi. Tôi sẽ trở lại vấn đề này. Giờ đây chỉ xin nói là trong cuộc phiêu lưu này, trong cuốn tiểu thuyết về các thử thách, đã có một sợi dây oan nghiệt, một món nợ tiền kiếp phải trả, một cuộc gặp gỡ tiền định.

Nước Việt Nam ư? Nghĩ lại từ xa xưa hình như tôi đã biết đất nước này từ thuở nào ấy. Nhưng để chính xác hơn, tôi xin nói: từ ngày tôi gặp gỡ anh Pierre-Richard Féray  ở trường đại học, nơi chúng tôi cùng theo học nhà sử gia lớn về thời Trung cổ Goerges Duby. Rồi tôi lấy anh, quê mẹ anh là xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định, còn anh đã làm đề án tiến sĩ về sự hình thành của cách mạng Việt Nam. Sau khi đi Hà Nội tham gia cuộc hội thảo quốc tế về Nguyễn Trãi, chính anh đã kể cho tôi nghe về câu chuyện đẹp mà bi thảm, anh khuyến khích tôi viết. Nhưng tôi phải cần hai năm trời suy nghĩ. Tôi nhìn Nguyễn Trãi mặc áo đại triều, đội mũ cánh chuồn, ở trong áp phích của Ban tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm với sự khâm phục và sợ hãi thiêng liêng đối với vĩ nhân. Nếu lúc ấy tôi chỉ cần tưởng tượng được một phần nghìn những khó khăn sẽ gặp thì cũng đủ để tôi ngần ngừ. Tôi có với tới những nhân vật xuất chúng này không, với thời đại bản lề của lịch sử Đại Việt ấy chăng? Áp dụng những nguyên tắc giáo dục của mẹ tôi - tôi tặng sách này cho mẹ tôi - tôi sẵn sàng làm việc không mệt mỏi, nhưng như vậy đủ chưa? Mà trước tiên tôi phải đến Việt Nam, theo gót chân Nguyễn Trãi. Khi nhà xuất bản Jullard giúp tôi phương tiện tài chính để đi nghiên cứu tại chỗ, tôi không còn ngần ngừ nữa: “Sông có khúc, người có lúc”, như tục ngữ Việt Nam đã nói. Sau khi chép vào một cuốn vở to niên biểu Nguyễn Trãi do Laul Schaneider dịch từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư đợi hàng bao năm trên giá tủ sách, tôi bay đi Hà Nội và Côn Sơn vào năm 1982.

Trên đường từ sân bay về khách sạn Thắng Lợi, tôi còn nhớ là cái hào hứng của tôi tăng dần trong khi xe chạy trên đường, hình như cuốn tiểu thuyết của tôi hình thành, tươi xanh trong “hương xanh” của rơm rạ bị xe đè nát. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn ngạc nhiên về sự hào hiệp và kiên nhẫn của các nhà sử học và địa lý học, ngôn ngữ học, nhà văn, nhà nghiên cứu của các bạn đã mở tung cánh cửa dĩ vãng của họ cho một phụ nữ Pháp đang vấp phải từng từ tiếng Việt. Tôi biết chút ít về châu Á vì những năm đầu dạy học của tôi là ở Cao Miên. Còn về nước Việt Nam của anh, tôi phải khám phá cái mới và khám phá lại cái đã biết. Tôi muốn học, tìm hiểu, thấy tất cả. Buổi tối tôi ghi nhật ký ở khách sạn. Từ cuộc gặp một học giả điệu bộ sống sượng đi đâu cũng vác theo lủng lẳng chiếc điếu cày trong cái bị cói cũ, tôi đã nẩy ra ý định phác họa nhân vật Từ Chi. Từ một bức tranh dân gian ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật - tranh vẽ một người đàn bà khua kéo định cắt cái gì khác, từ những câu đùa về “sư tử Hà Đông”, tôi đã quyết định nhất thiết phải có một nhân vật sư tử Hà Đông trong tiểu thuyết. Những nét hiền dịu và thái độ mẫu tử của bà ngoại Nguyễn Trãi được gợi cho tôi bởi bà Trần Thị Hạnh, anh hùng dân tộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre. Luôn có mặt trong tác phẩm của tôi là tất cả những phụ nữ khom lưng xuống gánh trong ruộng lúa, những người phụ nữ uốn mình trước gió đồng hay mệt nhọc vì công việc nặng nề không ngớt. Những hình ảnh của họ đã làm xuất hiện trước mắt tôi những hình bóng Trần Thị Thái, Séo May, Thị Lộ... Tôi cảm thấy cái hồi hộp của con ong trước cánh đồng hoa, muốn kéo mật từ mỗi bông hoa... Như một nhà điện ảnh, tôi nhận xét các màu sắc, ánh sáng, cành tre rung rung, sẩm tối, quạ bay trên Văn Miếu, sương mù hồ Tây vào buổi sớm, tiếng suối Côn Sơn róc rách, tiếng nước tươi mát mà Nguyễn Trãi đã nghe cách đây 600 năm, ruộng lúa mênh mông gợn sóng... Nói tóm lại, tôi biến đất nước xa xôi của anh thành quê hương tôi.

Về Pháp với những cuốn sổ tay đầy chữ và ký họa, tôi lao vào một công việc bảy năm đằng đẵng... Nhập cuộc, Truyền kỳ mạn lục đã cho tôi cung điệu. Theo lời khuyên của giáo sư cổ sử trẻ tuổi trông như một thi sĩ có linh cảm, tôi viết truyện thần thoại con rắn làm nhập đề, y như sân khấu gõ ba cái khai mạc. Trái với những nhà viết tiểu thuyết lịch sử thu thập tài liệu rồi mới viết, việc đi tìm lịch sử, văn học, dân tộc học của tôi được tiến hành song song với sáng tác văn học, chính sử được nuôi dưỡng bằng ngoại sử. Bởi tranh dân gian - rất quan trọng - và ngược lại. Tôi khai thác rất nhiều tư liệu, tôi xem nhiều luận án, nhất là của người Việt Nam. Tôi đọc sử biên niên, tôi tìm nguồn văn học phong phú của nước anh (những bản dịch của anh rất quý đối với tôi). Tôi luôn đến trường Viễn Đông Bác cổ Pháp ở Paris, tôi trao đổi thư từ... Bản thảo của tôi có ghi lại tất. Tôi nhanh chóng nhận thức được viết về đời Nguyễn Trãi có nghĩa là viết về nước Đại Việt. Cuộc chiến tranh chống nhà Minh là điển hình, biểu tượng những cuộc chiến tranh giải phóng trong dĩ vãng là hiện tại của Việt Nam để giữ gìn bản sắc và tự do dân tộc. Điều tôi muốn là viết được về một giai đoạn bảy mươi năm lịch sử Việt Nam với giọng Việt Nam (hay của một nhà nho thế kỷ 15).

Công việc vấp phải vô vàn khó khăn, phải vượt qua ba thử thách: lựa chọn thời kỳ, cách xử lý đề tài, gạt bỏ mọi quan sát viên phương Tây trong tôi khiến cho công việc quá ư tiện lợi - và nhất là cách đề cập vấn đề của một nhà nho, một nhà chiến lược, một nhà ngoại giao, một nhà thơ thiên tài, một ngôi sao sáng. Vừa sợ, vừa bị quyến rũ bởi Nguyễn Trãi, tôi quyết định bắt đầu cuốn sách bằng mối tình lén lút của bố mẹ Nguyễn Trãi, được sử biên niên của triều đình ghi chép - đây là điều hiếm có. Tôi thầm mong là làm như vậy thì câu chuyện ấy về sau sẽ không còn ám ảnh tôi nữa. Vả lại, tôi rất khuyến khích chuyện ấy; theo tôi có cái gì đó của Mathide de la Mole của tiểu thuyết Đỏ và Đen trong nhân cách Quận chúa Trần Thị Thái gan dạ, cũng có cái hăng hái dữ dội của một tiểu thư quý tộc. Tôi thích thú miêu tả những rung động xích gần của đôi bạn tình như những cành anh đào ra hoa, khiến họ vượt qua những cấm kỵ cho đến khi Nguyễn Trãi ra đời, thời thơ ấu giữa những ngọn đồi Côn Sơn trùng điệp.

Bạn Hữu Ngọc thân mến, hãy tha thứ cho sự thiếu khiêm tốn của tôi. Chính trong khi kể lại thời thơ ấu ấy, tôi đã phản ánh hạnh phúc thời thơ ấu của bản thân tôi. Tôi đã đưa vào ánh sáng Côn Sơn và Trần Nguyên Đán là tôi đặc biệt trìu mến. Thời thơ ấu của tôi ở xứ Bretagne bên cạnh một người bà đã dạy dỗ tôi nhiều hơn sách vở. Cảm thông trong tình yêu thiên nhiên với “Bài ca Côn Sơn” và “Quốc âm thi tập”, tôi đã tạo Côn Sơn thành nơi ẩn cư của những ẩn cư, thời hoàng kim của Nguyễn Trãi, nơi quê hương êm dịu là chỗ dựa cho các niềm vui sau này, lòng yêu nước tha thiết, thơ thấm nhuần Thiền tông. Tôi hết sức cảm động khi nói đến những mối quan hệ của tôi với Nguyễn Trãi, vừa thân mật - hình như qua hàng bao thế kỷ, tôi đã nói với ông: “Cháu đây! Bác hãy sử dụng cháu đi, bác hãy đem lại cho cháu hứng sáng tạo! Trong những nỗi thăng trầm của sáng tạo tiểu thuyết và cả cuộc sống, tôi luôn cầu khẩn bác, cõi dương động đến cõi âm, nếu lúc nào bác cũng phù hộ cho tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy gần bác mà cũng cảm thấy bất lực bằng đồi Côn Sơn, khi bị bi kịch “Lệ Chi Viên” sắp kết thúc số phận của bác, và lúc đó, bác cũng lại giúp tôi. Bạn hãy tin tôi, giữa đất nước Việt Nam và quê hương Bretagne của tôi, của tộc Celte (Xen-tơ), có rất nhiều tương ứng trong việc giao cảm của chúng tôi với người chết, việc thờ cúng tổ tiên của chúng ta giống nhau.

(...) Khi tôi hoàn thành Vạn Xuân, tôi khóc vì vui, vì kiệt sức, vì cô đơn. Các bạn nói là ở Việt Nam, người ta sinh ra ở đời ai cũng có món nợ phải trả. Thế là tôi đã trả xong món nợ đời tôi, và tôi bỗng cảm thấy rỗng không. Từ ngày đó, hai năm đã qua. Tôi đã không cụ thể hóa được bất cứ dự án sáng tác nào khác ở trong đầu. Lý do kể cũng đơn giản: chắc chắn là tôi chưa rút ra khỏi Nguyễn Trãi và đất nước Đại Việt thế kỷ 15 được. Người ta không chia tay một mối tình lớn một cách nhanh chóng như vậy. Thân mến!


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn