Các nhà Nho tiến bộ đất Việt qua đó cũng làm quen với văn chương triết học Pháp, của những triết gia Pháp mệnh danh là nhóm “Encyclopédiste” (Nhóm bách khoa toàn thư). Trong nhóm này, Montesquieu (Mông-tex’s-ki-ơ, 1689-1755) - phiên âm theo tiếng Trung Quốc là Mệnh Đức Tư Cưu - đề ra rất nhiều ý kiến về quyền của nhân dân, làm nòng cốt cho nhiều cuộc cách mạng hiện đại.
Thời Pháp thuộc, bọn học sinh trung học chúng tôi rất thích thú được học cuốn Thư Ba Tư của Montesquieu - một tác phẩm chính trị với giọng trào phúng. Đó là một tiểu thuyết dưới hình thức thư. Tác phẩm của Montesquieu không nghiên cứu con người chung chung, mà trình bày con người khác nhau tùy từng nước, đả phá cơ sở của chế độ vương quyền chuyên chế. Cốt truyện bịa ra hai người Ba Tư là Usbeck và Rica, đi thăm châu Âu và đặc biệt là Pháp, viết thư về nước kể cảm tưởng du lịch của họ cho người trong nước và bạn bè lại cho họ biết tình hình trong nước. Cách kể chuyện hóm hỉnh, mỉa mai khiến ta nghĩ đến Lý Toét và Xã Xệ (của thời báo Phong hóa ở ta), “nhà quê ra tỉnh”.
Nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị Pháp Montesquieu.
Nam tước Montesquieu (Baron de La Brède et de Montesquieu - Nam tước vùng La Brède và xứ Montesquieu) là một nhà quý tộc tư pháp - hành chính. Được coi là người sáng lập khoa học chính trị, ông nghiên cứu cả khoa học tự nhiên. Tập Thư Ba Tư (Lettres Persannes, 1721) phê phán chế độ chuyên chế ở Pháp. Tác phẩm lớn Tinh thần luật pháp (De l’Esprit des Lois, 1748) đòi hỏi ông hai chục năm lao động. Ông thử vạch ra nguồn gốc của Nhà nước, giải thích tính chất của pháp luật để đề ra kế hoạch cải cách xã hội trên cơ sở “tự nhiên” ấy. Ông tiến bộ ở chỗ khẳng định là lịch sử loài người bị chi phối bởi những quy luật khách quan. Ông phân tích những thể chế, luật pháp để tìm ra quy luật khách quan (nhiều yếu tố quyết định luật pháp: bản chất chính thể, lịch sử, phong tục, kinh tế, tôn giáo, khí hậu), những yếu tố cụ thể đó đẻ ra những quan hệ tất yếu là luật pháp, chúng là tinh thần của luật pháp.
Luật pháp không do Thượng đế quyết định, không chỉ xuất phát từ một nguyên tắc trừu tượng như công lý. Tuy pháp luật do lý tính định ra, nhưng lý tính lại phải dựa vào tinh thần của dân tộc do địa lý quyết định. Ông không thấy rõ tính giai cấp của Nhà nước. Tán thành quân chủ lập hiến, ông nêu lên thuyết phân quyền (lập pháp, hành chính, tư pháp) kiểu Anh.
Sau đây là một số suy nghĩ của Montesquieu:
- Nếu người ta muốn biết tên tôi, thì ngay lúc đó tôi im tiếng. Tôi biết một người phụ nữ đi đứng khá đàng hoàng, nhưng lại đi khập khiễng khi người ta nhìn mình.
- Không được yêu là một nỗi khổ, nhưng không được yêu nữa là một sự xúc phạm.
- Có những chân lý mà chỉ thuyết phục không thì chưa đủ, mà còn cần phải làm cho người ta cảm thấy.
- Quyền lợi của cá nhân nằm trong quyền lợi chung; muốn tách khỏi cái chung là đi lạc lối; ứng xử công bằng đối với mọi người là một điều thiện đối với ta.
- Đối với tôi, dường như bản thân sự vật không trong sạch hay bẩn thỉu. Bùn lầy đối với ta có vẻ bẩn thỉu, vì nó làm bẩn mắt ta hay một giác quan nào của ta; nhưng bản thân nó thì cũng không có gì bẩn hơn vàng hay kim cương.
- Ai đề ra một luận đề mới thì thoạt tiên được mệnh danh là tà đạo.
- Một đế chế thành lập bằng vũ khí thì giữ được bằng vũ khí.
- Khi người dân tộc man rợ ở miền Lousianne (Mỹ) muốn có quả để ăn, họ chặt cây từ gốc để hái quả. Đó là hình ảnh của sự thống trị chuyên chế.
- Khi người ta đuổi bắt trí tuệ thì người ta bắt được sự ngu si.
- Sự học hỏi đối với tôi là phương thuốc hiệu nghiệm nhất chống lại sự chán nản cuộc đời. Tôi chưa hề có một mối sầu nào mà một giờ đọc sách không làm cho tiêu tan.
- Người ta cho là con người là một con vật gắn với xã hội. Về mặt này, tôi thấy dường như người Pháp có tính chất người hơn cả, người Pháp là con người điển hình nhất; vì hình như người Pháp được sinh ra chỉ cho xã hội.
- Sự trịnh trọng mang lại hạnh phúc cho những kẻ ngu độn.
- Tự do là quyền được làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép.
- Tôi mắc bệnh làm sách và xấu hổ sau khi soạn xong.
- Đi xa, tha hồ nói khoác.
- Nên than khóc khi người ta ra đời hơn là khi họ từ giã cuộc đời.