Cảo thơm lần giở: Montaigne nghĩ gì?

11-06-2017 11:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở Đông Á, triết lý Khổng giáo từ Cổ đại nặng về trật tự và quan hệ cộng đồng, coi chúng là chân lý tuyệt đối.

Ở Đông Á, triết lý Khổng giáo từ Cổ đại nặng về trật tự và quan hệ cộng đồng, coi chúng là chân lý tuyệt đối. Ở phương Tây, triết lý của nhà văn và triết gia Pháp Montaigne (1533-1592) thời Phục Hưng (thế kỷ 16) nhuốm màu hoài nghi và chủ nghĩa cá nhân, coi trật tự và quan hệ xã hội là tương đối.

Vậy mà hai triết lý ấy dường như có những điểm tương đồng. Phải chăng, vì cả hai đều mang chất nhân văn, nghĩa là đặt trọng tâm vào ứng xử tốt nhất cho con người ở thế gian này, chứ không phải ở kiếp sau như tôn giáo, tránh những cực đoan. Cả hai đều ra đời vào thời điểm xã hội nhiễu nhương, rối loạn.

Phải chăng, vì thế mà trong tình hình xã hội toàn cầu nhiễu nhương, rối loạn hiện nay, người ta hào hứng tìm Montaigne để đọc. Dù sao, Montaigne cũng mở đường cho tư tưởng hiện đại và nay vẫn hiện đại. Theo báo Pháp Nouvel Observateur, đọc Montaigne đã có thời thành một cái mốt (mode). Sách viết về Montaigne bán ở Pháp và Anh hàng chục vạn bản. P.Manent, một chuyên gia về Montaigne giải thích tại sao có phong trào ấy: “Montaigne là hiện thân của con người hiện đại, can đảm nhưng có mức độ, thẳng thắn nhưng bao dung, năng động trong khi ở đô thị nhưng không chạy theo ham muốn, lắng nghe bản thân mình, nhưng cũng để ý nghe người khác”.

Montaigne, triết gia hoài nghi, tìm một hạnh phúc “phải chăng” trên trần thế. “Có được một người như vậy trước tác thì cái vui của cuộc sống quả là tăng lên”. Kể cũng lạ là câu đánh giá Montaigne ấy lại là của Nietzsche (Nít-sơ), triết gia Đức của chủ nghĩa “siêu nhân”.

Nhà văn và triết gia Pháp Montaigne (1533-1592) thời Phục hưng - thế kỷ 16.

Nhà văn và triết gia Pháp Montaigne (1533-1592) thời Phục hưng - thế kỷ 16.

Montaigne là nhà văn và nhà triết học nhân văn chủ nghĩa. Ông xuất thân từ một gia đình buôn rượu vang, làm giàu, tậu đất và leo lên đẳng cấp quý phái bằng con đường hành chính - tư pháp. Ông học luật, làm hành chính tư pháp. Ông kết bạn thân với một nhà văn chính luận mất sớm là La Boétie (La Bô-ê-ti), người đã nêu cho ông gương khắc kỷ chủ nghĩa. Năm 38 tuổi, Montaigne thôi việc, về sống ẩn dật ở ấp của mình, đọc sách và nghiền ngẫm để bắt đầu viết tập luận văn Thử tìm hiểu (Essais). Ông tiếp tục viết tập này cho đến khi chết. Ông bị đau thận nên đi nhiều nơi (Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Ý), vừa để chữa bệnh, vừa để tìm hiểu xã hội. Những năm 1581-1585, do nhà vua thúc ép, ông nhận làm Thị trưởng Bordeaux. Từ năm 1586, ông về ở hẳn ấp của mình. Tập Thử tìm hiểu đã khiến ông bất tử, chính ông đã tạo ra thể loại này. Chữ Essais là một từ khiêm tốn, ý muốn nói: tác giả thử tìm hiểu bản thân mình, đi sâu vào phân tích ý niệm, tư tưởng, tình cảm. Sách có nhiều chương, gồm những suy nghĩ không thành hệ thống, với một văn phong thoải mái như đàm thoại về nhiều vấn đề khác nhau như: văn học, chính trị, tôn giáo, tình bạn, giáo dục, cái chết... Triết lý của Montaigne cũng đổi màu sắc theo từng giai đoạn cuộc đời: mới đầu nhấn mạnh vào chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicisme), sau lại đậm nét “hưởng lạc” (Épicurisme), theo nghĩa triết học và hoài nghi dựa trên lý tính; ông chống lại triết học Kinh viện thời Trung cổ. Ông quan niệm phong tục, tình cảm, tư tưởng con người đều tương đối cả, thay đổi theo thời gian và không gian, do đó, con người không biết được chân lý. Ông đề cao sống theo tự nhiên, chủ nghĩa chiết trung, tình bạn, đọc sách, đàm đạo. Trên thực tế, ông ủng hộ Công giáo và chính sách của vua Henri IV (Ăng-ri đệ tứ) để đảm bảo chính quyền tập trung có lợi cho tư sản chống phong kiến cát cứ. Ông nổi tiếng với câu nói “Mình biết gì?” (Que sai-je?) với nhận định về tính chất “uyển chuyển và đa dạng” của con người. Nhận định này có một ý nghĩa quan trọng đối với sáng tác văn học Pháp.

Kế thừa gia tài tư tưởng triết gia cổ Hy Lạp - La Mã, Montaigne muốn tìm hạnh phúc trong cuộc sống trần thế. Ông không muốn là người anh hùng, làm vị thánh xả kỷ, ông chỉ muốn tìm một nghệ thuật sống nhẹ nhàng, vui vẻ, lý thú, trước khi ra đi vĩnh viễn, vì ai rồi cũng phải chết.

Triết gia phái khắc kỷ luôn nghĩ đến cái chết để tránh bị bất ngờ vì cái chết. Ông cũng theo chủ trương ấy, nhưng rồi ông đặt vấn đề theo kiểu của ông: nghĩ đến cái chết thì cứ nghĩ, nhưng không việc gì mà quá bận tâm, lo sợ vì cái chết, cứ việc theo tự nhiên mà sống. Phần nhiều, người ta lo sợ về cái chết vì những hoàn cảnh chung quanh nó: người ta khóc than... Bản thân Montaigne có nhiều kinh nghiệm chết, vì sau một tai nạn cưỡi ngựa, ông ngất đi hai tiếng mà thấy cái chết cũng bình thường thôi. Cái chết chẳng có gì là ghê gớm cả. Đừng coi cái chết là “mục tiêu” cuộc sống, nó chẳng qua là điểm cuối của cuộc sống mà thôi. Hãy sử dụng tốt nhất khoảng thời gian sống. Cuộc sống “phải là mục tiêu chính của nó”.

Vậy thì sống thế nào? Tuy không nên phụ thuộc vào những nguyên tắc lý luận cứng nhắc, nhưng phải sống theo lý trí. Tư tưởng chỉ đạo là hãy sống theo tự nhiên, theo bản chất con người và muốn như vậy, phải tự phân tích mình để tìm hiểu mình và bản chất con người. Tự phân tích, ông thấy tâm hồn mình không cao cả, nhưng lành mạnh, cứ việc theo khuynh hướng bản năng của mình, với bản chất tốt của mình; trong khi đó, có những nhiệm vụ mình phải làm. Ông không cho cái luân lý tự nhiên của ông là duy nhất, ông chấp nhận có hàng nghìn cách sống khác nhau.

Con người lý tưởng của ông là “Người quân tử Pháp”, có văn hóa rộng nhưng không phải là học giả, có đầu óc suy xét, tài tử chủ nghĩa, cái gì cũng biết một chút, thích đàm đạo, sống với xã hội. Ý kiến của Montaigne về giáo dục đào tạo cũng nhằm hướng ấy.

Có người chê lý tưởng Montaigne “ích kỷ” tầm thường, nhưng phải thấy ông không tìm cái cao cả mà tìm cái hài hòa của con người bình thường tự xét mình không giả dối, làm đủ những nhiệm vụ chính, cũng rất đề cao tình người trong bè bạn.

Ảnh hưởng Montaigne rất lớn trong văn học Pháp. Nhiều nhà văn bắt chước cách viết luận văn của ông nhưng không thành công. Ông cũng để lại cho văn học cổ điển Pháp truyền thống của các nhà văn (moralistes) nghiên cứu phê phán phong tục và tâm lý con người nói chung (như Pascal, La Fontaine, La Rochefoucauld...).

Sau đây là một số tư duy của Montaigne:

Nghề nghiệp của tôi và nghệ thuật của tôi là sống.

Sự sinh ra ta đem lại cho ta sự sinh ra mọi sự vật. Cũng như vậy, cái chết sẽ làm cho mọi sự vật đều chết.

Người ta dạy chúng ta sống khi cuộc đời cũng đã qua.

Học thuộc lòng không phải là học. Đó là giữ lại cái ta gửi trí nhớ.

Nói về hôn nhân, đó là một cái chợ chỉ có vào cửa là tự do.

(Về tình bạn): Nếu bắt tôi phải nói tại sao tôi thích anh ta, tôi cảm thấy chỉ có thể trả lời như sau: “Bởi vì anh ta là anh ta, và tôi là tôi”.

Cái danh mà chúng ta nhận được từ những người sợ ta thì đó không phải là danh.

Không thể gọi là chiến thắng nếu chiến thắng ấy không chấm dứt chiến tranh.

Dường như đối với tôi, sự chần chừ có vẻ như là thói xấu phổ biến và rõ rệt nhất của bản chất chúng ta.

Sự kỳ lạ của bản chất con người khiến cho nhiều khi chính cái xấu lại đẩy chúng ta làm việc tốt. Đánh giá một việc làm tốt hay không phải dựa vào động cơ duy nhất là ý đồ làm việc ấy. Do đó, chỉ một việc làm can đảm không thể kết luận là người ấy dũng cảm.

Thật bất công khi một người cha già gần chết, một mình hưởng thụ bên lò sưởi nhưng của cải đủ để nhiều đứa con được cung cấp và phát triển.

Điều sai lầm là không biết sớm nhận ra, không tự cảm thấy sự bất lực và sự thay đổi cùng cực mà tuổi già tự nhiên mang lại cho thân thể và tâm hồn.

Khi ta nhận xét một việc nào đó, cần phải xét nhiều hoàn cảnh và toàn thể con người làm việc ấy trước khi đánh giá việc ấy.

Tôi không thương người chết mà có phần ước ao được như họ, nhưng tôi rất thương hại những người đang chết.

Những mảnh đất màu mỡ sinh ra những đầu óc khô cằn.

Vì ta không có khả năng lựa chọn, nên ta theo sự lựa chọn của người khác.

Sự thỏa mãn quá đáng gây ra sự chán ngấy.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn