Cảo thơm lần giở: Molière (1622-1673) nghĩ gì?

31-12-2015 18:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Molière (Mô-li-e-rơ) là nhà hài kịch lớn nhất của Pháp và là một đỉnh cao của sân khấu thế giới. Vốn mê sân khấu từ nhỏ, nên năm 21 tuổi ông lập một đoàn kịch, bản thân cũng làm diễn viên nhưng thất bại

Molière (Mô-li-e-rơ) là nhà hài kịch lớn nhất của Pháp và là một đỉnh cao của sân khấu thế giới. Vốn mê sân khấu từ nhỏ, nên năm 21 tuổi ông lập một đoàn kịch, bản thân cũng làm diễn viên nhưng thất bại; ông ra nhập vào một đoàn kịch lưu động và bắt đầu nổi tiếng. Sau đó về Paris, ông làm chủ một đoàn kịch kiêm đạo diễn và diễn viên, được hoan nghênh và ông được nhà vua che chở. Kịch gây nhiều kẻ thù và kẻ đố kỵ, Molière phải luôn luôn đấu tranh. Ông qua đời ở tuổi 51, sau khi diễn vở Người bệnh tưởng.

Tác phẩm của ông phản ánh tư tưởng tiến bộ của giai cấp tư sản đang lên và nói lên được cả nguyện vọng của nhân dân. Ông đả kích bọn phong kiến lạc hậu, nhà thờ ngu dân, chính sách độc đoán, chế độ gia trưởng nông nô, bọn tư sản kệch cỡm. Tiếp tục truyền thống thời Phục hưng, Molière chủ trương một nền đạo lý “theo tự nhiên”, lẽ phải nhân đạo. Molière đã nâng “kịch hề dân gian” lên thành kịch phong tục và kịch tính cách. Molière gây cười bằng những kỹ thuật đơn giản (đánh, tát, chơi chữ), nhưng cũng biết gây cười từ tính cách (thói hư tật xấu) và hoàn cảnh nhân vật, xuất phát từ mâu thuẫn xã hội nên trong cái cười thâm thúy ấy có ẩn cái bi đát. Ngôn ngữ gần gũi quần chúng, sát tâm tư và sự việc. Do các đặc điểm ấy, kịch của Molière sẽ sống mãi vì nó thể hiện mối “thất tình” vĩnh viễn của con người.

Những tác phẩm chính của ông là: Những bà kiểu cách dởm, chế giễu những quý tộc lố bịch; Trường học làm chồng; Trường học làm vợ, chủ trương giáo dục phụ nữ sống theo tự nhiên, bênh vực phụ nữ được quyền yêu và quyền được hạnh phúc, chống lại sự ích kỷ của nam giới; Tartuffe, vạch mặt bọn tu hành lợi dụng tôn giáo, phá hoại hạnh phúc gia đình một người mê đạo; Don Juan, miêu tả một tên “sở khanh quý tộc”, chứa đựng yếu tố chống tôn giáo và chống bọn quý tộc vô luân; Người ghét đời, đả kích xã hội thượng lưu đương thời (giả dối, rỗng tuếch); Người hà tiện, phân tích tác hại đồng tiền làm mất nhân cách; Trưởng giả học làm quý tộc, đả kích bọn thị dân giàu có, muốn trở thành quý tộc; Những bà thông thái, nêu lên tác hại của kiến thức xa rời thực tế; Người bệnh tưởng, đả kích bọn lang băm và thói ích kỷ của giai cấp tư sản thị dân.

Sau đây xin trích một số câu của Molière phản ánh con người xã hội Pháp thế kỷ 17, mà cũng là nét chung của con người muôn thủa ở khắp nơi nơi:

*Trời ơi, nhiều khi cái bề ngoài đánh lừa ta: không nên luôn luôn phán xét dựa vào cái ta thấy.

*Kẻ nào muốn dìm chết chó của mình thì lu loa nó là chó dại.

*Thế đấy! Tiếng là mộ đạo, tôi vẫn chỉ là con người.

*Tôi sống bằng súp ngon chứ không bằng lời hoa mỹ.

*Đối với nhà hiền triết thì không có cái gì gọi là thất bại kinh khủng.

*Hôn nhân dù thế nào vẫn hơn là cái chết. Lấy chồng: dù chỉ có cái may là để có người chào hỏi mình. Để có một vị Thượng đế giúp mình khi mình hắt hơi (vì theo phong tục khi hắt hơi người ta thường nói: cầu trời phù hộ).

*Nếu đức vua cho tôi Paris

Thành phố lớn của người

Mà bắt tôi dứt bỏ mối tình của người yêu

Tôi sẽ tâu với hoàng thượng Henri:

“Xin hoàng thượng hãy giữ lấy Paris của người

Ồ, tôi yêu người yêu của tôi hơn!

Tôi yêu người yêu của tôi hơn chứ!”

*Tất cả những lời lẽ của người hạ cấp thì chỉ bị coi là những lời ngớ ngẩn;

Nếu lại là từ mồm một vị quý tộc thốt ra thì lại được coi là tuyệt vời.

*Kịch hay hay dở:

Tôi muốn biết có phải nguyên tắc lớn nhất của nguyên tắc là làm hài lòng khán giả không? Phải chăng một vở kịch đã được mục đích ấy là đã đi đúng đường lối.

*Khi ta muốn bắt chước một người nào đó, thì ta phải bắt chước cái hay của người ấy.

*Tôi chấp nhận là đàn bà có thể hiểu biết mọi thứ nhưng tôi không thích họ có lòng ham muốn lố bịch tự cho mình là thông thái, trước khi thực sự thông thái.

*Con người đều như nhau, không phải là sinh ra đã hơn kém nhau. Chỉ có đạo đức mới khiến cho họ khác nhau, khiến cho con người có thể xếp ngang hàng những vị á thần.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn