Chuyện cũ Ba Tư
Hồi nhỏ, tôi mê đọc Nhất thiên nhất dạ thoại, nay ta dịch là Nghìn một đêm lẻ, đọc đi đọc lại truyện Ali Baba và bọn cướp, anh chàng thủy thủ Simbát... Ba Tư nằm trong vùng cổ tích ấy.
Khi lớn, học Trường Bưởi, văn học Pháp lại mang đến cho tôi hình ảnh người Ba Tư, một hình ảnh ước lệ theo truyền thống văn học Pháp thế kỷ 17, 18. Thời đó, phương Đông bắt đầu được chú ý với những mảnh văn hóa Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Xiêm... Trong chương trình văn học Pháp có Những bức thư Ba Tư (1721) của nhà văn Montesquieu, người đề ra nhiều ý kiến dân chủ có ảnh hưởng đến Cách mạng Pháp 1789. Tác phẩm của ông là một tiểu thuyết dưới hình thức thư trao đổi giữa hai người bạn Ba Tư, một đang đi thăm Pháp, một ở Thổ Nhĩ Kỳ. Câu chuyện tác giả sáng tạo ra để nhìn lại và phê phán chính trị, xã hội Pháp với con mắt người nước ngoài (Ba Tư).
Năm 1976, con gái tôi tốt nghiệp ở Liên Xô mang về đĩa hát ghi bản nhạc Phiên chợ Ba Tư, của hiếm thời đó. Các buổi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần nghe, trí tưởng tượng bay theo những hình ảnh của một phương Đông huyền ảo.
Rồi tri thức sách vở về văn hóa Ba Tư. Thí dụ đọc thơ của nhà thơ Ba Tư thế kỷ 12 Omar Khayara, người ca ngợi rượu, tình yêu, thú vui trần thế, triết lý hưởng lạc có gì hơi giống như Tản Đà của ta, quan niệm về số phận con người và ý nghĩa vũ trụ ngược với giáo lý đạo Hồi.
Năm 1978, tôi có dịp đặt chân lên đất nước Ba Tư với tên mới là Iran (từ 1935). Đó là những năm kinh tế ở Việt Nam cực kỳ khó khăn, thế hệ trẻ ngày nay khó tưởng tượng nổi. Nhưng đây cũng là thời kỳ mở rộng ngoại giao nhân dân, đặc biệt qua con đường UNESCO. Tôi được chỉ định đại diện cho Việt Nam đi Iran họp về dự án làm một bộ Từ điển các tiêu đề văn hóa (Thesaurus) cho châu Á. Chuẩn bị chuyến đi là cả một “hài kịch”. Trước hết, cán bộ nghèo xác xơ, làm gì có vali và bộ complet để đi ra nước ngoài, phải đi đi lại lại mãi mới mượn được của Bộ Tài chính một chiếc vali đen giả da, long khoá và một bộ complet dạ đen rộng thùng thình (vì tôi nặng có 39kg), đôi giày lại chật bó lấy chân và được ứng cho... 5 đô-la. Đô-la hồi ấy là quốc cấm, cầm đô-la không có giấy phép là bị bắt ngay. Đến sân bay Bắc Kinh, lên chiếc máy bay Bắc Kinh - Tirana chở công nhân Trung Quốc sang làm ở Anbani, chỉ có tôi và 4 khách nước ngoài khác. Trong không khí Trung - Việt căng thẳng, trước khi lên máy bay tôi làm quen với ba vị người Rumani nói tiếng Pháp để đỡ bị cô lập. Nhưng khi lên máy bay, tôi lại bị xếp vào giữa những hành khách người Trung Quốc. Một mình tôi xuống Têhêran.
Xuống sân bay mà lo nơm nớp, vì nếu không có ai ở Ban tổ chức ra đón, 5 đô-la trong túi không đủ ngủ đêm ở khách sạn, tối thiểu phải 20 đô-la/đêm. Iran 1978 là thời quân chủ, có vua (Shah) độc đoán.
Ở sân bay, tôi vừa thất lạc vali, vừa không thấy ai đón, đi đi lại lại bụng như lửa đốt. Điện thoại liên lạc không ai trả lời... Bỗng từ hàng người ra đón khách, có một ông chừng ngoài tuổi 40, da trắng, cao lênh khênh như Đôngkisôt chạy đến chỗ tôi, chìa mảnh giấy rách có ghi Mr. N.HUU GNOC (viết sai - tên tôi bị phát âm là Ngốc nghe thật mừng!). Đó là Tiến sĩ Moazamê được cử ra đón tôi. Ông đưa tôi về khách sạn Marmor ở một đại lộ. Vì say xe, tôi vừa bước đến cửa khách sạn thì nôn, thật xấu hổ!
Nhưng rồi 10 ngày trên đất Iran cũng ổn. Xin miễn kể cuộc họp có tính chất chuyên môn, gồm đại diện 19 nước châu Á và cả Liên Xô, Úc, Pháp, Côlômbia. Nước chủ nhà làm Chủ tịch Hội nghị, bầu 3 phó chủ tịch là Việt Nam, SriLanka và Afghanixtan.
Cách đây 2.500 năm (thời Đông Sơn ở ta), Đế chế Ba Tư đầu tiên đã xuất hiện - một thời oanh liệt. Đến thế kỷ thứ 4 (tư) trước Công nguyên, Đại đế Hy Lạp Alexandre chinh phục Ba Tư. Từ đó đến thế kỷ thứ 19, Ba Tư khi là Đế chế, khi là vương quốc độc lập, khi thì lệ thuộc nước ngoài. Arập xâm chiếm vào thế kỷ thứ 7 có ảnh hưởng mạnh nhất do áp đặt được đạo Hồi thay quốc giáo Ba Tư (Zoroastre). Giáo phái Hồi giáo ở Ba Tư là Shiah.
Từ cuối thể kỷ 19 đến 1925, vương quyền suy thoái, Nga và Anh tranh nhau gây ảnh hưởng vì vấn đề dầu lửa. Năm 1919, Anh ủng hộ tướng Ba Tư Riza để ngăn ảnh hưởng Nga. Ông này liền xưng vương, lập triều đình Pahlavi thân Mỹ (1925). Cuộc Cách mạng Trắng của Vua dựa vào đàn áp không thành. Tôi đến Iran, thấy quanh Hoàng thành, cách mấy chục thước lại có lính gác. Sau khi tôi về nước, đầu năm 1979, nhà vua phải lưu vong do phong trào nhân dân nổi dậy. Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập.
Năm 1978, tôi sang, đã thấy Thủ đô Têhêran rất hiện đại, tự xưng là Paris của Tây Á. Tôi đặc biệt chú ý đến quảng trường và đại lộ mang tên Ferdousi, tên nhà thơ thế kỷ 11, tiêu biểu của Ba Tư. Du khách được xem đền đài, cung điện, là thảm, đồ dệt, đồ thủ công. Dầu lửa và thảm là hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Iran...