Cảo thơm lần giở: Mô-sê nghĩ gì?

23-06-2018 07:37 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhà thơ quý tộc Pháp Alfred de Vigny (thế kỷ 19-CN) coi khinh cái tầm thường của xã hội đương thời và đau mối sầu thiên cổ của kiếp người, nên ẩn mình ở “tháp ngà”.

Ông khắc kỉ, kiêu kỳ và coi “thi sĩ” và các thiên tài, siêu nhân có sứ mệnh cao cả phải hướng dẫn nhân loại tiến lên, do đó phải chịu số phận cô đơn, khác người bình thường. Ông giãi bày tâm sự của mình trong bài thơ nổi tiếng “MOISE”. Cô đơn là cái giá phải trả cho bậc vinh quang: “Vậy ta sẽ phải sống đầy uy quyền và cô đơn hay sao?” Mô-sê mệt mỏi, mong được “về với đất yên giấc ngàn thu”. Cuối cùng thì Mô-sê cũng được Thượng đế cho chấm dứt sứ mệnh được giao cho ông.

Moses, tranh của José de Ribera (vẽ năm 1638).

Moses, tranh của José de Ribera (vẽ năm 1638).

Đó là Mô-sê của nhà thơ yếm thế Vigny. Còn Mô-sê thật thì sao?

Mô-sê (phiên âm Pháp: Moise, tiếng Anh: Moses) là một nhân vật bán huyền thoại, là nhà tiên tri sáng lập tôn giáo và quốc gia Do Thái/Israel. Lúc đó, dân Do Thái bị sống kiếp nô lệ ở Ai Cập. Được Thượng đế giao cho sứ mệnh, ông đã lãnh đạo dân tộc mình đang bị tiêu diệt rời bỏ Ai Cập, qua sa mạc trong nhiều năm để đi tìm tự do ở đất mới. Đến khi nhìn thấy xa xa “Đất hứa” thì ông tắt thở.

Theo truyền thuyết, Chúa trời đã giao cho Mô-sê “Điều luật Tổng quát” hay “Mười điều răn” gồm các quy tắc ứng xử mà Chúa trời quy định cho con người. Các điều luật này được ghi lại trong cuốn “Xuất hành” của Cựu Ước, được các tôn giáo Do Thái giáo và sau này Kitô giáo và Hồi giáo thừa nhận. Năm điều đầu tiên quy định nghĩa vụ của con người với Chúa trời và năm điều sau là nghĩa vụ với đồng loại. Sau này kinh Kitô giáo của Giê su và kinh Cô ran của Hồi giáo cũng có nhắc đến 10 điều răn này.

Mặt khác, Luật Tổng quát của Mô-sê cũng có thể coi là một tuyên ngôn của đạo một thần. Trong quá trình phát triển tín ngưỡng, con người chuyển từ đạo nhiều thần sang đạo một thần do một số điều kiện: chế độ tư hữu xuất hiện, phân chia giai cấp, Nhà nước ra đời. Nhà nước có một vua phản ánh trong tôn giáo bằng một thần.

Hàng nghìn năm sau, chúa Giê su phát triển “Mười điều răn” của Mô-sê thành “Bài thuyết giảng trên núi” (xem Giê su), cơ sở lý luận và thực hành của Kitô giáo, hợp tố quan trọng của văn minh phương Tây.

“Mười điều răn” có ảnh hưởng lâu dài và đa dạng đến văn hóa phương Tây.

Sau đây xin trích một số câu trong Kinh Thánh (trích từ nguyên văn Kinh Thánh - Cựu Ước bản tiếng Việt - NXB Tôn giáo - 2004):

Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây:

1. “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.

2. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta.

3. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tuông.

4. Đối với những kẻ ghét ta, ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến ta và giữ các mệnh lệnh của ta, thì ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

5. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

6. Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh.

7. Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

8. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.

Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa.

Họ nói với ông Mô-sê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!”.

Ông Mô-sê bảo dân: “Đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đến là để thử thách anh em và làm cho anh em luôn luôn kính sợ Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội”.

Dân đứng xa xa, còn ông Mô-sê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn