Nhà văn Pháp Martin du Gard (1881-1958).
Trong không khí tinh thần đó, bọn sinh viên chúng tôi bế tắc đã tìm được mối đồng cảm trong bộ tiểu thuyết 9 tập Gia đình Ti Bô của nhà văn Pháp Martin du Gard, giải thưởng Nobel 1937 (Mac-tanh Đuy Gar’, 1881-1958). Ông thuộc tầng lớp nhà văn nổi danh giữa 2 cuộc đại chiến thế giới do sáng tác những bộ tiểu thuyết trường thiên, miêu tả số phận của một cá nhân hay một cộng đồng.
Gia đình Ti Bô đưa ra một tài liệu xã hội học về cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất: cuộc đấu tranh giữa những người Thiên chúa giáo và đạo Tin lành, bảo thủ và cách mạng, cuộc xung đột giữa hai thế hệ hiện thân trong mâu thuẫn giữa ông bố và 2 con trai, hai người này đại diện cho những tư tưởng mới, cố gắng bằng hai con đường khác nhau, mang lại một ý nghĩa cho cuộc đời họ. Sự thất bại của họ nói lên nỗi buồn của tác giả, nhân chứng của một thời kỳ hỗn loạn, không tin vào sự cứu vớt con người. Câu chuyện như sau: ông bố Oscar, là một nhà tư sản công nghiệp, cứng rắn, kiêu ngạo, có thành kiến giai cấp, chính kiến cực hữu, bảo thủ, độc đoán trong gia đình. Antoine, con trai cả là một người có đầu óc khoa học, sống theo lý trí, theo nghề y để làm dịu phần nào những đau khổ một cách thực tế. Jacques, em anh, có những hoài bão rộng lớn hơn vì tính tình sôi nổi đấu tranh chống chiến tranh và cách mạng xã hội. Khi Jacques còn là thiếu niên, anh chơi thân với Daniel thuộc gia đình Tin lành. Ông bố cắt đứt tình bạn ấy bằng cách tống Jacques vào nhà trừng giới do ông tài trợ. Ra khỏi đó, Jacques yêu say đắm em gái Daniel và tiếp tục đương đầu với bố. Antoine thoát ly cách độc đoán của bố bằng cách khác: anh lao vào nghề y với tất cả tâm hồn. Anh tận tâm chăm sóc bố trước khi ông chết. Jacques cắt tất cả mối quan hệ cổ truyền, trốn sang Thụy Sĩ hoạt động cách mạng. Khi chiến tranh 1914 bùng nổ, anh lái máy bay rải truyền đơn xuống trận tuyến hai bên để kêu gọi hòa bình; anh chết vì máy bay bị bắn rơi. Antoine cũng chết một cách ngao ngán, bị chiến tranh làm xói mòn cuộc đời.
Tác giả Roger Martin du Gard xuất thân từ một gia đình luật sư giàu có. Ông học sử, tham gia Chiến tranh Thế giới 1914-1918. Từ 1920, ông sống ẩn dật để sáng tác, không tham gia các phong trào văn học. Ông là một nhà văn hiện thực phê phán với quan điểm nhân đạo. Hai tác phẩm chính của ông là: 1) Jean Barois (1913), tiểu thuyết dùng hình thức đối thoại về những day dứt giữa tôn giáo và hoài nghi khoa học của thế hệ thanh niên trí thức nhân vụ án sĩ quan Do Thái Dreyfus bị xử oan. 2) Les Thibanlt. Ông còn viết một số kịch.
Sau đây là một số suy nghĩ của Martin du Gard:
Đối với đạo Thiên chúa chỉ có một cơ hội cứu vớt: tiến hóa, khiến cho những công thức của mình có thể được các lương tri hiện đại chấp nhận.
Khi sự thật được tự do và sai lầm cũng được tự do, thì không phải sợ sai lầm thắng được đâu.
Những kẻ đắc thắng hứng ngay lập tức những tật xấu của kẻ thất bại.
Con người không thể khai thác những bài học của lý trí trong nhiều thế hệ liên tiếp.
Đồng ý là có thể tự do hoàn toàn với điều kiện là có một cái nhìn sáng suốt.
Nói cho cùng, chỉ có cái chết là tồn tại: chắc chắn là nó bác bỏ tất cả mọi thứ, nó vượt qua tất cả mọi thứ.
Có hai loại người cách mạng: những “tông đồ” và những “nhà kỹ thuật”.
Trong mỗi người Pháp có một kẻ hoài nghi luôn luôn chỉ ngủ có một mắt.
Tất cả mọi chính thể xã hội nhất định buộc phải phản ánh cái xấu không thể tránh khỏi trong bản chất con người.