Herbert Marcuse (Mar-kiu-dơ, 1898-1979) là nhà triết học Mỹ gốc Đức. Xuất phát từ chủ nghĩa Freud và chủ nghĩa Mark, ông phê phán nền văn minh công nghiệp kỹ trị phá hoại tính nhân văn và bản chất con người. Vào thập kỷ 60 thế kỷ trước, ông rất có ảnh hưởng đến sinh viên và trí thức phe tả mới phương Tây. Cũng vào thời gian ấy, tầng lớp này ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam vì độc lập và thống nhất. Trong số này ở Pháp khá đông, tôi có quen khá thân ông L. Puiseux, tự nhận là đồ đệ hoàn toàn tán thành quan điểm của Marcuse. Ông là một kỹ sư điện đã từng nổi tiếng vì chống lại chính sách sử dụng nhà máy điện nguyên tử của Chính phủ Pháp. Ông cũng là nhà văn có tài, bút danh là Antoine Tavernier, đã viết hai cuốn tiểu thuyết có giá trị: Choáng và Đêm Inca. Trong chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, ông và nhiều đại trí thức Pháp nhiệt tình ủng hộ cuộc vận động của Việt kiều yêu nước do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện lãnh đạo. Do đó, vào đầu những năm 80, ông cùng vợ đã rất hào hứng sang thăm đất nước Việt Nam hồi sinh sau chiến tranh. Tôi có dịp gặp gỡ thân mật và thảo luận với ông về một số luận điểm của H. Marcuse. Tư tưởng chủ yếu của H. Marcuse là chống kỹ trị, phát triển khoa học và kỹ thuật để phục vụ con người, chứ không phải để phá hủy con người, vì vậy, ta phải làm chủ được sự phát triển ấy, biết ngừng lại khi lợi bất cập hại. Ông lấy thí dụ hai sự phát minh mới lúc đầu phục vụ tình người để rồi sau lại phá hoại tình người. Thí dụ như điện thoại và xe hơi.
Nhà triết học Herbert Marcuse.
Điện thoại mới khi đầu khiến con người gần gũi nhau hơn. Nhưng khi nó phát triển quá mức thì có thể bất lợi. Puiseux lấy thí dụ bà bạn chung của chúng tôi F.Correze gần như bị tâm thần vì suốt ngày bị gọi điện thoại. Tai hại nữa là khi sử dụng điện thoại vào các việc man trá tày đình, hoặc ỷ lại điện thoại nên ít gặp gỡ nhau.
Xe hơi lúc đầu rất tiện lợi để đi lại, gặp gỡ nhau. Giờ đây, số xe hơi phát triển đến mức đi giữa Paris có khi chậm hơn đi bộ... Vì vậy cần kiểm tra phát triển kỹ thuật đến đâu thì vừa.
Xin trở lại Marcuse. Ông rời nước Đức sang định cư tại Mỹ để tránh chủ nghĩa quốc xã. Nhưng chính ở Mỹ, ông lại phê phán nền văn minh Mỹ thiếu nhân bản. Marcuse dựa vào Freud và Mark để phân tích sự phát triển của các xã hội công nghiệp chỉ cố gắng tìm kiếm hiệu quả và tiện nghi xã hội công nghiệp, thừa mứa sản phẩm tiêu thụ. Một xã hội như vậy kìm hãm sự phát triển tính cách cá nhân, các lực lượng cách mạng và những sự thể hiện của vô thức. Ngược lại với Freud, Marcuse tin tưởng là xã hội tương lai sẽ bớt đi tính cách áp bức.
Sau đây là một số tư duy của Marcuse:
Những trại tập trung, những vụ diệt chủng, những cuộc chiến tranh thế giới và những trái bom nguyên tử không phải là những sự tái diễn của thời man dã, mà là những kết quả cuồng loạn của những thành tựu hiện đại của kỹ thuật và sự ngự trị của nó.
Tiến trình đi tới cái chết là một sự trốn chạy vô thức để thoát khỏi đau khổ và thiếu thốn.
Tự do tìm sự thỏa mãn những nhu cầu bản năng của con người không phù hợp với xã hội văn minh.
Không phải tất cả các vấn đề của một cá nhân trong quan hệ với người tình không nhất thiết dễ dàng trong hoàn cảnh phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản.
Tân chủ nghĩa theo thời (néoconformisme) là cách ứng xử xã hội bị ảnh hưởng bởi tính chất hợp lý (rationalité) kỹ trị.