Cảo thơm lần giở: Marcus Aurelius (121-180) nghĩ gì?

22-10-2015 10:22 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Cách đây hơn 80 năm, thời Pháp thuộc, tôi học lớp Nhì Trường tiểu học phố Hàng Than Hà Nội. Tôi còn nhớ cuối niên học 1930...

Cách đây hơn 80 năm, thời Pháp thuộc, tôi học lớp Nhì Trường tiểu học phố Hàng Than Hà Nội. Tôi còn nhớ cuối niên học 1930, trong mấy quyển sách mỏng được thưởng, có cuốn Cách ngôn của Mac Aurèle (phiên âm Pháp của tiếng La Tinh: Marcus Aurelius). Không hiểu người ta nghĩ thế nào mà lại cho một đứa trẻ 11-12 tuổi một quyển sách triết lý của một vị hoàng đế La Mã sống thời Thượng cổ ở tít phương Tây. Ấy thế mà thằng bé cũng chịu khó đọc, rồi cũng hiểu lơ mơ. Vì nó mồ côi mẹ, ngại chơi với các bạn khỏe hơn và nghịch ngợm hơn, nên cảm thấy cô đơn, cái gì cũng đọc. Thời thanh niên, nhất là từ khi học ban tú tài triết học trường Bưởi, lâu lâu lại giở ra đọc lại Mac Aurèle, để học cách tăng cường nghị lực, làm chủ bản thân và tìm được thanh thản cho tâm hồn.

Marcus Aurelius là hoàng đế và nhà triết học cổ đại La Mã. Ông cải cách xã hội, tư pháp, lập những tổ chức từ thiện. Tuy thích hòa bình, ông buộc phải dự nhiều cuộc chiến (dẹp những bộ lạc Giéc-manh ở Đông Âu). Ông rất nhân đạo nhưng cũng ngược đãi tín đồ đạo Ki tô do quan niệm lúc đó cho là đạo này sẽ đi ngược lại quyền lợi của đế quốc La Mã. Cuối đời, ông viết tập Suy tư trình bày triết học bi quan của phái Khắc kỷ. Tác phẩm ghi lại những suy nghĩ của tác giả cho bản thân, chứ không có ý định xuất bản. Sách trình bày triết lý Khắc kỷ Hy Lạp, nhất là của Epiktetos: con người phải sống theo trật tự đã có của vũ trụ, phải làm chủ được được bản thân để lúc nào cũng thanh thản.

Đọc Marcus Aurelius ta không thể không nghĩ đến một số vị vua nhà Trần như Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông cũng ứng xử như vị hoàng đế La Mã: có hiểu biết, có tâm, làm hết nhiệm vụ trị dân nhưng không coi ngai vàng là vinh quang và hưởng thụ cá nhân.

Dưới đây xin trích một số suy nghĩ của Marcus Aurelius:

- Vào bất cứ lúc nào ngươi muốn, ngươi có thể dứt bỏ hết thảy để trở về với bản thân mình. Không có nơi ở ẩn yên tĩnh và ít bị quấy rầy hơn đối với con người là chính tâm hồn mình.

- Bao giờ cũng hãy đi con đường ngắn nhất. Con đường ngắn nhất là con đường của tự nhiên. Vì vậy cần hành động và nói năng trong bất cứ trường hợp nào một cách tự nhiên nhất.

- Trong lúc này ta sử dụng tâm hồn ta làm gì? Bất cứ trong trường hợp nào mình phải tự đặt cho mình câu hỏi ấy và tự hỏi: “Vào thời điểm này có gì trong ta gọi là nguyên tắc chỉ đạo và trong lúc này linh hồn ta thuộc về ai?  Phải chăng là của một đứa trẻ, của một thanh niên, của một kẻ tính đàn bà, của một bạo chúa, của đầu óc một con vật hay của một con thú dữ”.

- Thế nào là một đầu óc có học, có văn hóa? Đó là đầu óc biết rõ nguyên tắc, mục tiêu và nguyên nhân xảy ra trong bản chất và trong vô tận, tổ chức cái toàn thể, tùy theo những thời kỳ nhất định.

- Con người sung sướng là con người tự ban cho mình một số phận tốt, tức là những hướng đi tốt của tâm hồn, những khuynh hướng tốt, những hành động tốt.

- Hãy chỉ tìm sự vui thích và những cái đạt được ở một điều: đi từ một hành động này có ích cho cộng đồng sang một hành động khác có ích cho cộng đồng trong khi luôn nghĩ đến Thượng đế.

- Nếu một sự việc gì đối với mình là khó thì đừng nghĩ cái đó con người không thể làm được. Nhưng nếu một sự việc đối với người có thể làm được và theo lẽ tự nhiên thì hãy nghĩ là cái đó cũng ở trong tầm tay ngươi.

- Nếu có ai đó thuyết phục tôi và chứng minh cho tôi là tôi suy nghĩ và hành động sai lầm, tôi sẽ rất vui mừng để tự sửa mình. Vì tôi đi tìm chân lý, chân lý không hề làm hại ai bao giờ. Còn kẻ nào chìm đắm trong sai lầm và ngu dốt thì sẽ tự hại mình.

- Hãy chấp nhận cái gì mà số phận đem đến cho ngươi và những con người mà số phận đưa đến để cùng sống với ngươi, ngươi hãy yêu mến họ từ tận đáy lòng. 

  Hữu Ngọc

 

 


Ý kiến của bạn