Nói chung, tư tưởng của ông hướng về dân chủ, hòa bình, thiết thực; có nhiều điểm tiến bộ. Tư tưởng của Mặc Tử có ảnh hưởng lớn đến các nước thời Chiến Quốc, nhưng suy yếu vào thời nhà Tần khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, và cuối cùng, đến thời nhà Hán thì bị Khổng học là tư tưởng chính thống gạt bỏ. Tư tưởng phái Mặc gia (trong Bách gia chi tử) có nhiều điểm đối lập với Khổng học và Lão học. Thí dụ, Mặc Tử không đồng ý với nhận định của Khổng Tử về luận điểm: “tiểu nhân” phải phục tùng “quân tử”; ông cho là mọi người sinh ra đều bình đẳng, phải giúp đỡ nhau. Ông vốn xuất thân từ một gia đình làm nghề thủ công, nên tự xưng mình là người hà tiện (tiện nhân). Mặc Tử không chấp nhận thuyết “thiên mệnh” (mệnh trời) của Khổng Tử: ông cho là lý trí có thể khiến nhân dục - việc gì cũng tìm ra lẽ mà suy nghĩ (để làm gì, làm thế nào?); còn Khổng Tử lấy trực giác theo thiên lý. Mặc Tử hạn chế thế lực tự nhiên, còn Khổng Tử theo tiến hóa tự nhiên.
Mặc Tử ( 468-376 trước CN).
Bộ sách Mặc Tử do đệ tử của ông ghi chép lại tư tưởng chính trị của ông, gồm 71 thiên, nay còn 53 thiên, trong đó có 10 thiên được coi là cơ bản. Một số ý chủ đạo trong 10 thiên ấy là: coi trọng người tài, coi trọng sự thống nhất, tiết kiệm chi dụng, tiết kiệm ma chay, tôn kính trời, thờ phụng quỷ thần, yêu khắp mọi người, phản đối chiến tranh. Thờ phụng quỷ thần có nghĩa là tôn thờ những lực lượng siêu nhiên có tác dụng khuyến thiện, trừng ác. Phản đối âm nhạc vì ông cho là âm nhạc chỉ xa phí, không có ích gì cho đời sống.
Ba cương lĩnh quan trọng nhất là: “kiêm ái”, “tiết dụng”, “phi công”. Ông chủ trương thuyết “kiêm ái” vì ông cho là giai cấp thống trị, do áp bức bóc lột dân, xa xỉ, lãng phí nên tàn ác. “Kiêm ái” có nghĩa là yêu thương lẫn nhau, yêu người như yêu mình, xem nhà người như nhà mình, xem nước người như nước mình. Một biện pháp để thực hiện “kiêm ái” là “tiết dụng”: tiết kiệm trong chi dùng. Một biện pháp mạnh hơn nữa là “phi công”: ngăn ngừa các tập đoàn thống trị không sát phạt nhau. Ông phản đối chiến tranh phi nghĩa.
Sau đây là một số suy nghĩ của Mặc Tử (dịch theo bản tiếng Pháp):
Người hiền làm nghiệp đế cần phải biết rõ nguyên nhân của sự hỗn loạn thì mới có thể bình trị được. Nếu không biết rõ nguyên nhân thì không thể trị quốc được.
Tôi cảm thấy là người ta hướng về sự yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau (kiêm ái) y như ngọn lửa thì bùng lên cao còn nước thì chảy xuống thấp. Điều này không thể khác được.
Nếu muốn phê phán người khác thì phải đề ra được điều cần thay đổi thì y như dùng nước lũ để trị lụt và định lấy lửa để dập tắt cháy. Đó là điều vô ích thôi.
Nếu trị quốc, muốn nước được giàu có và không muốn giang sơn nghèo khó, muốn đất nước bình trị và không hỗn loạn thì phải thể hiện kiêm ái. Đó là cách trị quốc của vua hiền và cách trị thiên hạ, không thể lơ là được.