Cảo thơm lần giở Lincoln (1809-1865) nghĩ gì?

17-04-2016 12:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tên tuổi Lincoln (Lin-cơn) hẳn không xa lạ gì đối với các nhà nho yêu nước Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 (thời Pháp thuộc) đã tìm hiểu tình hình thế giới qua những Tân văn Trung Quốc.

A.Lincoln được coi là một trong những Tổng thống Mỹ lớn, một nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử thế giới, một chính khách vĩ đại đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Năm 1861, ông được bầu là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ông là tác giả Bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ (1863) trước khi bị ám sát vào tuổi 56.

Trong số các Tổng thống Mỹ, có hai vị cho đến nay được người dân Mỹ luyến tiếc nhất vì bị ám sát trong khi cuộc đời ông còn nhiều ước mơ và hoài bão chưa được thực hiện. Đó là Lincoln và J.R.Kenedy (Kenơđy). Lịch sử dành cho họ nhiều chữ “nếu!”, “nếu mà họ không bị ám sát”, “nếu họ chưa chết” cũng như đối với Quang Trung.

Đài kỷ niệm Lincohn (1922) xây dựng ở gần tòa Bạch ốc. Với dáng dấp một ngôi đền cổ Hy Lạp có 36 cột lớn, tất cả trắng toát, với bức tượng Lincohn cao 6 mét, ngồi vẻ đăm chiêu. Pho tượng dưới ánh bình minh còn đẹp hơn cả khi được chiếu ánh sáng ban đêm. Du khách đến vùng núi Black Hills ở bang South Dakota sẽ thấy tượng chân dung Lincohn cao 18 mét tạc trên đỉnh núi, bên cạnh chân dung 3 vị Tổng thống khác (Washington, Jefferson, Th.Roosevelt).

A.Lincoln

Abraham Lincoln là một trong ba vị Tổng thống Hoa Kỳ là hiện thân huyền thoại về một công dân rất bình thường mà leo lên đến chức vị cao nhất nước. Sinh ra trong một chiếc lều bằng gỗ củi, ông suốt đời tự học. Ông làm nhiều việc linh tinh: bán hàng xén, nhân viên bưu điện, dần dần ông thi cử, làm luật sư rồi đi vào con đường chính trị từ năm 25 tuổi.

Năm 49 tuổi, sau khi đã tiến đến lập trường chống chế độ nô lệ, ông ứng cử Thượng nghị sĩ, phải đương đầu với một ứng cử viên nổi tiếng là Stephen Douglas (Xtivơn Đuglơx) chủ trương “chủ quyền nhân dân”, nghĩa là để cho từng bang tự quyết định xem giữ hay bỏ chế độ nô lệ, chứ không để quyền quyết định ấy cho Chính phủ Liên bang. Lincoln bị thất bại nhưng qua một cuộc tranh luận, được coi là mẫu mực về hùng biện ở Mỹ, ông rất nổi tiếng. Ông đã tuyên bố:  “Người trong một nhà tự phân chia chống lại mình thì không thể tồn tại được. Tôi cho là chính phủ này không thể mãi mãi chịu tình trạng nửa nô lệ, nửa tự do. Tôi không chờ đợi Liên hiệp các bang đến giải tán, tôi chỉ mong Ngôi nhà sụp đổ, tôi chỉ mong nó thôi chia rẽ, phải là toàn bộ thứ này hay thứ kia”.

Như vậy Lincoln xuất phát từ lập trường bảo vệ sự thống nhất các bang trong khối Liên hiệp là chủ yếu. Tuy trong thâm tâm, ông là người thẳng thắn, thành thực muốn giải phóng nô lệ, trong sách lược mà có người trách là quá ư ôn hòa, ông vẫn coi trọng sự thống nhất hơn: “Nếu tôi có thể cứu Liên hiệp mà không giải phóng một người nô lệ nào, tôi sẽ làm thế, nếu tôi có thể cứu Liên hiệp bằng cách thả tất cả những nô lệ, tôi sẽ làm thế; nếu tôi có thể cứu Liên hiệp bằng cách giải phóng một số nô lệ còn lại thì tôi sẽ làm điều đó” - ông tuyên bố như vậy năm 1862, hai năm sau nội chiến bắt đầu (ông được bầu làm Tổng thống năm 1860).

Mãi tháng giêng năm 1863, Lincoln mới cương quyết tuyên bố chính thức xóa bỏ chế độ nô lệ, nhưng ông vẫn nhấn mạnh nguyện vọng hòa bình, bảo vệ thống nhất và giúp đỡ miền Nam (muốn giữ chủ nghĩa nô lệ) tái thiết. Lời tuyên bố này về mặt đối nội không mang lại thay đổi gì cụ thể, nhưng về phương diện quốc tế, có tiếng vang và tranh thủ được cảm tình của những phần tử và dư luận tiến bộ trên thế giới. Dù sao, đó là một bước ngoặt trong động cơ chiến tranh: chiến tranh từ đó mang tính chất Thập tự chinh chống chế độ nô lệ.

Cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm. Miền Bắc nhiều tiềm lực nhưng mới đầu thất bại mãi. Lincoln là một tổng chỉ huy cương quyết nhưng nhân đạo. Câu chuyện Tổng thống ân xá tội chết cho binh nhì William Scott (Uyliơm Xcot) đã trở thành truyền thuyết. Người lính trẻ này bị bắt quả tang ngủ say trong phiên gác nên bị xử tử sau 24 tiếng. Các bạn đồng ngũ cầu cứu một quan chức thủ đô, ông này đưa họ vào gặp Tổng thống. Về sau L.E.Chittenden (Chitơnđơn) kể lại:

“Tổng thống là người nói đầu tiên: “Có chuyện gì đấy, mấy chú. Một chuyến phục kích để bắt ai ư? Hay xin ai lên chức Thiếu tướng? Hay xin nghỉ về nhà bỏ phiếu? Không được đâu, các ngài ạ. Số Thiếu tướng đông hơn số người đánh trống ở trung đoàn, còn nếu bản thân tôi có xin nghỉ thì hẳn là Bộ Chiến tranh cũng không cho đâu”.

Với giọng Tổng thống như vậy, chúng tôi cảm thấy có hy vọng. Tôi đi thẳng vào vấn đề: “Thưa Tổng thống, những người này không xin gì cho họ. Họ là những thanh niên của Trung đoàn thứ 3 Bang Vermont (Vơmont), đến đây phục vụ chừng nào ngài cần lính đánh giỏi. Họ không muốn được đề bạt khi chưa xứng đáng. Nhưng họ muốn một điều mà chỉ Tổng thống mới cho được, đó là đời sống của một chiến hữu” - Đại úy trong đoàn kể sự việc rồi nói - “Scott không phải là đồ hèn. Vùng núi của chúng tôi không nuôi dưỡng những kẻ hèn. Đó là quê hương của 3 vạn cử tri đã bỏ phiếu cho Abraham Lincoln. Họ không nhẫn tâm thấy đặc ân đối với Scott là bắn hắn như một tên phản bội rồi đem chôn như một con chó. Thưa Tổng thống Lincoln, ngài có thể ân xá được không?”.

Tổng thống thốt ra: “Không! Điều đó thì không!” (nét mặt Lincoln tỏ vẻ đau khổ, ông chần chừ). “Trong một thoáng, có một sự thay đổi hẳn. Ông mỉm cười, cuối cùng cười phá lên và hỏi tôi: “Này, những chàng trai vùng núi Biếc của anh có thực sự can trường như họ nói không? Này Đại úy, người lính của anh sẽ không bị bắn đâu. Gần đây, tôi có ý định đến thăm doanh trại. Để hôm nay tôi đi...”.

Mấy ngày sau khi chiến tranh kết thúc, trong khi Lincoln xem diễn kịch ở rạp hát Ford tại Washington, ông bị J.W.Booth (Buth), một diễn viên có cảm tình với miền Nam mà lại điên điên tàng tàng bắn. Sáng hôm sau, ông tạ thế. E.M.Stanton (Xtantơn), Bộ trưởng Chiến tranh của ông, đã nói bên giường ông hấp hối một câu tiên tri bất hủ: “Giờ thì ông thuộc về vĩnh cửu”. Cuộc sống riêng tư của Lincohn không hạnh phúc vì ông lấy phải một người vợ đáo để. Nhưng ông để lại tiếng thơm của một chính khách hết sức công tâm, sống có tình người. Ngay sau khi hòa bình, ông chủ trương một chính sách hòa hợp quốc gia thực sự, không làm nhục địch thủ mà chân thành giúp đỡ miền Nam vực dậy, đoàn kết các quốc gia trong Liên bang. Có nhiều người Mỹ nghĩ rằng nếu Lincohn còn sống để thực hiện chủ trương của mình, rất có thể lịch sử Hoa Kỳ đỡ được nhiều sự kiện không hay về nạn phân biệt Bắc Nam và chủng tộc. Nhưng chính vì sự nghiệp ông dở dang nên Lincohn được hưởng một vầng hào quang đặc biệt. Hậu thế bỏ qua những yếu kém, khuyết điểm cá nhân của Lincohn, tôn ông làm “Vị chúa cứu thế của Mỹ”.

Rạp hát Ford ở Washington đã được xếp hạng di tích lịch sử và được phục hồi đúng tình trạng khi Lincoln bị ám sát tối hôm 14/4/1865. Từ năm 1968, rạp lại dùng làm nơi diễn kịch, có một “lô” dành cho các vị Tổng thống. Dưới hầm có một Viện bảo tàng về đời sống Lincoln.

Sau đây là một số tư duy của Lincoln:

Sách cho chúng ta cơ hội để phát hiện ra rằng những ý tưởng của ta coi là độc đáo thực ra lại không phải như vậy.

Sự mất đi một kẻ thù không bù lại được sự mất đi một người bạn.

Khi ta đưa tự do đến cho những người nô lệ thì ta đảm bảo cho tự do của những người tự do.

Một phiếu bầu có giá trị mạnh hơn một viên đạn.

Người ta không thể giúp đỡ người nghèo bằng cách làm người giàu khuynh gia bại sản.

Tôi không muốn là một kẻ nô lệ thì tôi cũng không muốn làm ông chủ của nô lệ. Đó là quan niệm của tôi về dân chủ.

Hầu hết mọi người đều có thể đối đầu với sự bất hạnh nhưng nếu muốn thử thách khả năng của một người thì hãy cho người ấy quyền lực.

Người ta có thể lừa đảo một vài người mãi mãi. Người ta có thể lừa đảo mọi người nhưng người ta không thể lừa đảo mọi người mãi mãi.

Một quy tắc áp dụng cho một người phải chăng cũng có thể áp dụng cho mọi người khác.

Điều đầu tiên tôi muốn biết về anh không phải là xem anh đã có thất bại hay không mà là muốn xem anh có biết chấp nhận thất bại của anh không.

Không ai có trí nhớ tốt đến mức thành công trong sự dối trá.

Đừng thay ngựa khi qua giữa dòng nước.

Nếu người ta cho tôi sáu tiếng đồng hồ để chặt một cái cây, tôi để ra bốn tiếng để chuẩn bị cái rìu.

Nếu ta tìm cái ác ở mọi người thì ta sẽ thấy. Nếu ta tìm cái thiện thì ta cũng sẽ thấy.

Tôi chẳng biết ông là ai. Tôi chú ý đến hơn là biết xem cháu ông sẽ trở thành người thế nào.

Biến kẻ thù thành bạn là cách tốt nhất để tiêu diệt kẻ thù.

Người ta có thể phần nào thay đổi hành động của con người nhưng không thể thay đổi được bản chất con người.

Tất cả cái tôi học được là ở trong các sách.

Khi tôi làm điều tốt tôi cảm thấy khoan khoái. Khi tôi làm điều xấu tôi cảm thấy khổ sở. Đó là tôn giáo của tôi.

Tôi sẽ chuẩn bị hết thảy và rồi một ngày kia cái may sẽ tới.

Cách tốt nhất để tiên đoán tương lai là tự tạo ra nó.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn