Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Lễ Nô-en - một hiện tượng tiếp biến văn hóa

15-12-2018 16:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ Acculturation (tiếng Anh xuất hiện năm 1880, tiếng Pháp năm 1911) có thể dịch sang tiếng Việt là: “tiếp biến văn hóa”, “tương tác văn hóa”... Có thể định nghĩa thông thường là: quá trình một cộng đồng hay một cá nhân, khi tiếp xúc trực tiếp và liên tục với một cộng đồng hay một cá nhân khác - hấp thụ nhiều hay ít nền văn hóa của cộng đồng hay cá nhân này.

Nô-en là Lễ giáng sinh “Lễ kỷ niệm ngày sinh chúa Jésus” - 25 tháng 12 dương lịch - theo đạo Cơ Đốc.

Nô-en là Lễ giáng sinh “Lễ kỷ niệm ngày sinh chúa Jésus” - 25 tháng 12 dương lịch - theo đạo Cơ Đốc.

Định nghĩa ấy chỉ nói về phía nhân tố hấp thụ, tiếp nhận và biến cải đi, nên dịch là tiếp biến văn hóa thì thích hợp. Theo một định nghĩa khác của UNESCO, đó là: “tình hình tiếp xúc giữa những nền văn hóa khác nhau và những biến đổi văn hóa là kết quả đối với từng nền văn hóa ấy”... Như vậy là tiếp biến văn hóa cho cả 2 phía (phía gây ảnh hưởng và phía hấp thụ), tương tác văn hóa.

Chúng ta hãy thử xét Lễ Nô-en theo cả hai nghĩa, từ khi ra đời đã tiếp biến những yếu tố của các nền văn hóa khác thế nào và ảnh hưởng đến các nền văn hóa khác ra sao.

Từ Pháp - Noel đã được Việt hóa thành Nô-en (theo Từ điển tiếng Việt), đó cũng đã là hiện tượng tiếp biến văn hóa. Nô-en là Lễ giáng sinh “Lễ kỷ niệm ngày sinh chúa Jésus - 25 tháng 12 dương lịch - theo đạo Cơ Đốc”. Từ Noel gốc tiếng Latinh là Natalio dies, có nghĩa: “ngày sinh”. Lễ này được đặt ra từ thế kỷ thứ tư CN thời đế chế La Mã, lấy ngày 25/12 dương lịch, có lẽ gần ngày Chúa mất hoặc gần tiết Đông chí (ngày giữa mùa đông ở Bắc bán cầu, đêm dài nhất trong năm). Trong Kinh Thánh không ghi rõ ngày Chúa sinh.

Tuy là lễ của đạo Cơ Đốc, nhưng Nô-en đã tiếp biến nhiều tục lệ, vui chơi của những lễ hội của các dân tộc khác đương thời, đặc biệt lễ hội La Mã cúng thần nông nghiệp Saturne; trong lễ hội này, có tục cho quà, nới lỏng cho nô lệ, về sau có nơi ăn chơi xả láng.

Về nghi lễ, Nô-en có 4 lễ: lễ buổi tối hôm 24, lễ giữa đêm, lễ lúc bình minh và lễ buổi sáng hôm sau. Đến đêm 24, cả gia đình ăn một bữa cỗ (Réveillon), bao giờ cũng có món đặc biệt tùy địa phương, như ngỗng, gà Tây, cá..., có tính truyền thống như bánh chưng Tết của ta.

Tục lệ dựng lại hang Chúa sinh ra dựa vào chuyện kể trong Kinh Thánh, nó chỉ bắt đầu được phổ biến vào thế kỷ 18, do Thánh Saint François d’Assise. Mỗi nơi lại có Thánh ca bằng tiếng mẹ để ca ngợi ân Chúa.

Tục lệ dựng cây Nô-en treo đồ chơi, bánh kẹo cho trẻ con; đồng thời trang hoàng phòng đốt lửa sưởi ấm cúng, xuất hiện ở vùng Atsace (nay thuộc Pháp) vào thế kỷ 16. Tục lệ này lan ra Bắc Âu vào thế kỷ 19... vào Pháp khoảng 1837.

Theo truyền thuyết, ông già Nô-en, râu tóc trắng như tuyết phát bánh kẹo, đồ chơi cho trẻ con.

Các trẻ em đêm Nô-en truớc khi đi ngủ, ước mơ gì để giày đầu giường hay ở lò sưởi, sáng sau dậy sẽ có. Nguồn gốc ông già Nô-en là thánh Nicôlas được tiếng là người hảo tâm cho quà. Tục truyền xưa có ông bố định để ba con gái đi làm đĩ vì không có của hồi môn không lấy được chồng. Thánh Nicolas vứt qua cửa sổ ba túi vàng làm hồi môn. Người Mỹ gọi ông già Nô-en là Santa Claus (từ chữ Saint Nicolas mà ra).

Có lẽ từ những năm 1930, ngoài dân Công giáo, chỉ có một số tiểu tư sản thành thị Việt Nam đi nhà thờ chơi vào tối Noel, rồi đi dạo phố ăn uống. Thói quen này phát triển nhất từ khi hòa bình lập lại. Một số người thành thị, đặc biệt thanh niên, đã tiếp biến một lễ hội Cơ Đốc, mang tính tôn giáo và gia đình, thành một cuộc du ngoạn ngoài trời, gặp gỡ thoải mái, phô quần áo và ăn nhậu vui vẻ.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn