Cảo thơm lần giở: Lamartine nghĩ gì?

17-06-2019 06:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hồ ơi năm đã hầu tàn, Chắc rằng ta lại với nàng tìm chơi…

Đến nay, tôi vẫn còn nhớ câu dịch bài thơ Hồ (Le Lac) của Lamartine (La-mac-ti-nơ, 1790-1869). Rất nhiều bản dịch thơ Lamartine xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20, của thế hệ đàn anh trên chúng tôi.

Tại sao thanh niên Việt Nam những năm đó lại rung cảm với thơ Lamartine đến thế? Trong bài luận văn nhập đề cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã phân tích cuộc gặp gỡ của ta với phương Tây về mọi phương diện, coi đó là sự kiện lớn nhất từ hàng nghìn năm trước. Cái vui cái buồn cũng chuyển hóa khác trước. Các cụ ưa đỏ choét, thế hệ mới ưa xanh nhạt; trước kia nhìn thiếu nữ là có tội, ái tình chỉ có thể là hôn nhân. “Thơ mới” ở Việt Nam nói lên khát vọng được sống “thành thực” với bản thân, một “trái tim mới”.

Nhà thơ Lamartine (1790-1869).

Nhà thơ Lamartine (1790-1869).

Trong một bài nói chuyện ở Pháp, Xuân Diệu giải thích nhu cầu thanh niên hồi đó muốn chuyển cái “ta” của xã hội phong kiến Khổng giáo sang cái “tôi”, đòi hỏi tự do cá nhân.

Đất nước mất tự do, không phải thanh niên nào cũng đủ giác ngộ chính trị đi làm cách mạng giải phóng đất nước. Cho nên, trong thanh niên trí thức tiểu tư sản, mặt “phản phong” sôi nổi hơn mặt “phản đế” trầm trầm. Mà trong “phản phong”, khuynh hướng thiết thực đụng đến mọi người là giải thoát cá nhân về vấn đề hôn nhân: cá nhân được kết hôn theo tình cảm thật, không bị coi là vật hy sinh cho đại gia đình. Chính vì vậy mà thơ tình lãng mạn của Lamartine vào Việt Nam đúng lúc.

Lamartine có cái may là ở Pháp, thơ của ông cũng đáp ứng một tâm trạng của thanh niên những năm 20 của thế kỷ 19. Hồ là một bài trong tập Thơ trầm tư (Les Meditations Poétique) xuất bản năm 1820; tác phẩm mang lại cho ông vinh quang và đặt ông vào vị trí tiên phong trong trào lưu lãng mạn Pháp. Tác phẩm được nhiệt liệt hoan nghênh vì tả đúng sự buồn chán, khuynh hướng mơ mộng của một thế hệ hoang mang và thất vọng trước thời cuộc: thời huy hoàng chinh chiến của Napoléon I đã chấm dứt, đời sống trong nước buồn tẻ, bị khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo. Tập Thơ trầm tư thể hiện một sự đổi mới thi ca, do cảm hứng chân thật và âm điệu du dương; nó khác thi ca cổ điển đi vào sáo ngữ, công thức (điểm này có thể so với hoàn cảnh xuất hiện “thơ mới” ở Việt Nam). Trong bài Hồ, nhà thơ tả chuyến trở lại hồ xưa là nơi tình tự, ông đau xót vì thời gian trôi đi quá nhanh, vạn vật không thay đổi, mà vắng bóng người yêu.

“Trường phái lãng mạn” của Lamartine (thế kỷ 19) đối lập với trường phái cổ điển (thế kỷ 17, 18) và chủ nghĩa hiện thực. Nó đề cao tình cảm, tôn sùng cái “tôi”, tìm thoát ly trong mộng ảo, những miền xa lạ, cái đẹp hoang dại, dĩ vãng (trở về Trung cổ, huyền thoại dân tộc, truyền thống dân gian). Trong văn học châu Âu, trào lưu lãng mạn xuất hiện cuối thế kỷ 18 ở Anh, Đức; những thập kỷ đầu của thế kỷ 19, trào lưu thịnh hành cả ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nga... Có hai khuynh hướng lãng mạn. Khuynh hướng tiêu cực thể hiện sự phản ứng của giới quý tộc chống lại cách mạng tư sản 1789; rồi sau, tư tưởng này chuyển sang cả một bộ phận tư sản và nhân dân bị thất vọng trước sự biến diễn của cách mạng tư sản; chủ nghĩa tư bản chạy theo tiền, phá hoại phong tục, áp bức cá nhân (những lý tưởng của cánh mạng tư sản tiêu tan). Khuynh hướng tích cực xuất hiện do mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội ấy, chủ nghĩa lãng mạn chống lại xã hội phi lý tính, trở về thiên nhiên. Đề cao truyền thống dân tộc, chủ nghĩa lãng mạn cũng thúc đẩy tinh thần dân tộc đấu tranh giải phóng.

Alphonse Marie Louis de Prat de Lamartine nổi tiếng về thơ, xuất thân quý tộc, hoạt động ngoại giao và chính trị, ông có cảm tình với cách mạng tư sản Pháp 1789. Ông theo chính kiến của phái Girondins, đại diện cho giới đại tư sản kinh doanh, chủ trương tự do tư sản, cải cách không đổ máu. Trong cách mạng 1848, ông chống lại các lực lượng dân chủ.

Sau đây là một số suy nghĩ của Lamartine:

- Con người là Thượng đế qua tư duy.

- Những thơ ngụ ngôn của La Fontaine chỉ thể hiện triết lý cứng nhắc, lạnh lùng và ích kỷ của một ông già hơn là triết lý thân thương, hào hiệp, ngây thơ và tử tế của trẻ em. Đó là mật đắng.

- Mặt trời của người sống không sưởi ấm cho người đã khuất.

- Chỉ một người vắng bóng mà tất cả dường như cô quạnh.

- Tôi còn ở lại trên mặt đất đầy ải này làm gì? Giữa đất và tôi đâu còn gắn bó.

- Tội lỗi của chúng ta là làm người và muốn hiểu biết. Quy luật của con người là không biết gì và phụng sự.

- Ở nơi nào tôi cũng đã gặp Thượng đế, nhưng chẳng bao giờ thấu hiểu người.

- Trong đêm tối tôi đi lầm đường, không biết mình từ đâu đến, không biết chắc là mình sẽ đi đâu?

- Tôi yêu, vì vậy tôi phải hy vọng.

- Trái tim ta, chán hết thẩy, ngay cả ước mong sẽ không quấy rầy số phận bằng những mong ước.

- Tình yêu chỉ còn lại như một hình ảnh bao la, đọng lại sau một giấc mơ đã bị xóa nhòa.

- Cho đến khi nào thần chết dang đôi cánh rộng và chôn vùi nỗi đau vĩnh viễn trong sự im lặng vĩnh viễn.

- Tôi không muốn có một thế giới mà ở nơi đó tất cả thay đổi, tất cả trôi qua.

- Các bạn hỡi, chết không phải là hết mà là thay đổi.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn