Cảo thơm lần giở: La Rochefoucauld nghĩ gì?

23-03-2019 21:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Duc de La Rochefoucauld (Công tước La Ro-sơ-phu-cô, 1613-1680) là nhà văn cổ điển Pháp thế kỷ 17.

Thất vọng về chính trị, ông tìm danh vọng trong văn chương và nổi tiếng về tập Cách ngôn (Maximes, 1655). Triết lý của ông bi quan và yếm thế, chịu ảnh hưởng của giáo phái Janséniste. Ông nhìn con người đầy tội lỗi, ông không tin cái tốt của con người, cho tính ích kỷ và lợi ích cá nhân là động cơ tất cả hành động của con người.

Công tước La Rochefoucauld (thế kỷ 17).

Công tước La Rochefoucauld (thế kỷ 17).

Sau đây là một số suy nghĩ của Rochefoucauld:

Nhiều khi chúng ta sẽ xấu hổ về những hành động tốt đẹp nhất của chúng ta nếu người ta thấy rõ những động cơ của chúng.

Trong những cơn khốn đốn của bạn bè thân nhất, ta thấy có điều gì đó không phải là không thú vị.

Tự ái là tên nịnh nọt giỏi nhất.

Những người chỉ chăm chút đến những việc nhỏ nhặt thường sẽ không làm được việc lớn.

Trong mọi cuộc đời, ta nhận thấy một thời điểm mà số phận rẽ ngang, dẫn đến hoặc là một tai họa hoặc sự thành công.

Sự đứng đắn của phụ nữ nhiều khi chỉ vì họ thiết tha giữ danh giá và để tránh sự phiền toái.

Sự từ chối lời khen chẳng qua chỉ là muốn được khen hai lần.

Có những cuộc hôn nhân tốt, nhưng không có cuộc nào tuyệt vời.

Những đầu óc kém cỏi thường phê phán những gì quá tầm của mình.

Làm sao ta có thể trách kẻ khác không giữ được chuyện bí mật của ta trong khi chính bản thân ta cũng không giữ được.

Sự thích thú cao độ về bản thân mình khiến ta e ngại là không để cái thú đó cho người nghe ta.

Sự trả thù bao giờ cũng xuất phát từ sự yếu đuối của một tâm hồn không có khả năng chấp nhận những lời xỉ vả.

Đức hạnh sẽ không đi xa được nếu không có sự khoe khoang đồng hành.

Người ta thích tự nói điều xấu về mình còn hơn là chẳng nói gì cả.

Người ta nói ít trừ khi muốn khoe khoang.

Người ta chê trách tội lỗi và ca ngợi đạo đức chẳng qua chỉ vì quyền lợi.

Lợi quyền là hồn của tự ái, cũng như thân thể mà mất hồn thì không còn sống được nữa, không còn thính giác nữa, không còn tri thức nữa, không còn tình cảm nữa và không còn cử động được nữa. Cũng như vậy, tự ái mà mất lợi quyền thì không còn nghe thấy, không còn cảm thấy và không động đậy được nữa.

Lợi quyền nói đủ các thứ ngôn ngữ và đóng vai đủ các nhân vật.

Người ta phê phán cái xấu và khen ngợi cái tốt chỉ vì xuất phát từ quyền lợi.

*

*          *

Phụ lục

Con người sinh ra tốt hay xấu?

Nhân nói đến La Rochefoucauld, xin bàn rộng ra một vấn đề xưa nay các triết gia, các nhà tâm lý học, các nhà văn thường bàn tới: “Con người ta sinh ra tốt hay xấu?”.

Thực dân Pháp bỏ thi chữ Nho vào năm 1918. Nhưng vào đầu những năm 1920, những gia đình đôi chút nề nếp ở Hà thành vẫn cho con khai tâm “bằng chữ Nho”, chữ của thánh hiền. Và vì vậy, năm tôi 6-7 tuổi, bố tôi cho tôi đi học một thầy đồ dạy trên một căn gác ọp ẹp ở phố Hàng Quạt, Hà Nội. Đúng là “thầy đồ thầy đạc”..., dăm quyển sách rách nát, vài thằng trẻ ranh và một cái roi mây”. Chưa được một năm, theo phong trào học chữ Tây, bố tôi cho tôi đi học chữ Quốc ngữ. Thế là vốn liếng chữ Nho của tôi chỉ còn lởn vởn mấy câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện...” mà đôi lúc vừa ê a đọc vừa ngủ gật, khiến anh chị tôi giễu: “Nhân chi sơ, sờ vú mẹ”, “Tính bản thiện, miệng muốn ăn... quà”.

Khốn nạn, ở cái tuổi đánh bi đánh đáo, hiểu làm sao được “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Khi mới sinh ra, con người ta tính vốn lành?). Một luận đề triết học - tâm lý học mà đến nay, bạc đầu tôi vẫn còn đang tìm hiểu.

Thời Xuân Thu, nhiều học thuyết nở rộ ở Trung Quốc. Mạnh Tử (thế kỷ 3 tr.CN) bênh vực Khổng học bằng thuyết Nhân chi sơ. Ông cho là “dân vi quý”, đề ra “Vương đạo” (gần như Platon trong tác phẩm Republica: người trị dân phải vì dân và là người hiền cai trị bằng đạo đức, dân có quyền lật đổ bạo chúa). Có thể cai trị bằng đạo đức vì người ta sinh ra đều tốt. Ai cũng có bản năng tốt, tuổi ấu thơ đã biết tình thương, khiêm nhường. Trị dân là làm nở mầm mống thiện có sẵn trong con người. Quan hệ giữa các cá nhân và giữa vua chúa và dân phải dựa vào nhân nghĩa. Mạnh Tử chống thuyết Kiêm ái của Mặc Tử - đòi hỏi bình đẳng hoàn toàn và cho là thực hiện đạo đức thì có lợi hơn (còn Mạnh Tử cho thực hành đạo đức là thể hiện bản chất con người chứ không phải vị lợi).

Dưới một góc độ khác, đạo Phật cho là sinh vật nào cũng có Phật tính (không nói là thiện tính), nên cấm sát sinh, ai tu luyện cũng thành Phật được. Trong đạo Kitô, tu sĩ người Ailen là Pelagius (thế kỷ 5) cho là không có tội tổ tông và Ân chúa.

Thuyết con người sinh ra ác chứ không thiện cũng có nhiều luận điểm và tương phản. Đạo Kitô cho là tội tổ tông (Ađam và Êva trái lời Thượng đế, nên con người sinh ra suốt đời ăn năn). Có giáo phái Kitô còn quan niệm là nếu ai không có Ân chúa thì làm điều thiện suốt đời cũng không được lên Thiên đường. Riêng giáo phái Quaker cho là sinh ra ai cũng có Thánh Thần (Holy Spirit), y như có Phật tính; vì vậy tín đồ chống bất cứ cuộc chiến tranh nào, vì giết một người là giết Thánh Thần.

Triết gia Tuân Tử (thế kỷ 3 tr.CN) quan niệm con người sinh ra ác, ngược với Mạnh Tử. Bản năng con người là dục vọng sinh vật, do đó sinh ra cướp bóc... Vì vậy, cần có lễ nghĩa, hình phạt để ngăn ngừa cái xấu có sẵn trong người. Tuân Tử mở đường cho phái Pháp gia của Hàn Phi Tử. Theo Hàn Phi Tử, trước kia người nguyên thủy tốt, không phải do bẩm sinh (thuyết Mạnh Tử) mà do người ít, sau người đông, của cải ít thành ra chém giết nhau, phải dùng luật pháp ngăn chặn tính vị lợi cố hữu.

Chủ nghĩa vị lợi có nhiều đại diện ở phương Tây, xuất phát từ tính vị kỷ của con người. Triết gia La Rochefoucauld (thế kỷ 17) cho đạo đức là giả dối, để che đậy lợi ích riêng của từng người. Triết gia Đức Schopenhauer (thế kỷ 19), chịu ảnh hưởng đạo Phật, quan niệm bản chất con người là ham sống, do đó dục vọng và đau khổ nên cần diệt dục để giải thoát. Nhà văn Pháp Sade (thế kỷ 18) viết tiểu thuyết ác dâm (Sadisme) ca tụng cái độc ác được coi là bản chất con người.

Vậy thì kết luận “Nhân chi sơ” thiện hay ác? Chẳng cần có óc vĩ đại của các triết gia, con người bình thường ai cũng có thể thấy trẻ em từ khi sinh ra, lớn lên đều có cái tốt cái xấu bẩm sinh, nhiều ít tùy cá tính, thay đổi nhiều ít tùy giáo dục. Freud với môn phân tâm học có thể giải thích một cách khoa học bằng nghiên cứu vô thức (vô thức hoạt động nhằm thỏa mãn yêu cầu của bản năng). Thiện ác là do hoạt động của hai xung năng. Trong vô thức: xung năng sống và xung năng chết, tức là hung tính dẫn đến hành vi đả phá kẻ khác và tự hủy.

Về sự phát triển của nhân loại qua năm nghìn năm văn minh, GS. D. Julia nhận định về thời hiện đại như sau: tiến bộ vật chất nhảy vọt do khoa học kỹ thuật phát triển. Về sự tiến bộ của bản chất con người, phải xét về hai phương diện: 1) Cá nhân thì không có và sẽ không bao giờ có tiến bộ, vì ai sau khi sinh ra cũng lại phải học cách kiềm chế dục vọng và theo lý trí. Do đó sẽ vẫn có kẻ thiện người ác khác nhau, do bản năng khác nhau. 2) Về phương diện lịch sử, có sự cố gắng của các dân tộc nhích lại gần nhau, cố gắng giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Cố gắng thôi! Vì sau Thế chiến 2, hòa bình thế giới hoàn hảo vẫn chỉ còn là giấc mơ với chiến tranh lạnh, cạnh tranh kinh tế ác liệt dẫn đến phá hủy môi trường, phong trào khủng bố, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Có lẽ còn loài người thì còn có thiện ác và cổng chùa Việt Nam vẫn cần có ông Thiện ông Ác.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn