Cảo thơm lần giở: Khổng Tử nghĩ gì?

28-07-2018 09:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cách đây hơn hai nghìn năm, Khổng Tử (Kongfuzi hay Kongzi, 551 - 479 trước Công nguyên) đã đề ra một học thuyết tuy không là tôn giáo, mà đã trở thành một thứ “bán tôn giáo” ở Đông Á.

Khổng giáo (Nho giáo) được tôn sùng hoặc bị bài bác đến cao độ, tùy theo đối tượng và thời gian lịch sử. Nói chung, được tôn sùng vì tính nhân văn và bị bài bác vì tính nệ cổ, bảo thủ. Dù sao thì Khổng giáo đã có và hiện vẫn còn có ảnh hưởng sâu sắc và bền bỉ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Nam - Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Tại sao như vậy? Có lần ở Paris, khi chuyện trò với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, triết gia hiện sinh Pháp Camus ca ngợi Khổng học và cho là có thể áp dụng nó để tạo một thế giới hòa bình. Ông Viện nói: “Nho giáo là một bộ phận cấu thành của một xã hội nhất định. Có thật ông nghĩ rằng có thể tách nó ra khỏi bối cảnh lịch sử và xã hội để phục vụ lại thời đại chúng ta chăng?”. Camus giơ hai tay lên trời đáp: “Biết sao được, tôi chỉ biết Nho giáo qua sách vở”.

Khổng phu tử hoặc Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu tự Trọng Ni. Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông  (551 - 479 trước CN).

Khổng phu tử hoặc Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu tự Trọng Ni. Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông  (551 - 479 trước CN).

Theo ý ông Viện, Camus coi Khổng giáo như mọi học thuyết lớn khác, có thể tìm thấy ở đây một căn cứ để mở tầm nhìn rộng lớn với con người và vũ trụ. Chỉ thế thôi! “Còn đối với người Việt Nam, Nho giáo còn hơn là một thứ học thuyết ghi chép trong sách của thánh hiền; đó là một di sản của lịch sử, một di sản cơ bản để tiếp thu, để chống lại, để vượt qua quá trình chuyển biến lịch sử mà đất nước đang phải trải qua trong thời đại hiện nay”.

Tôi nghĩ vấn đề đặt ra cũng tương tự như ở các nước khác ở Đông Nam Á: giữ hay bỏ toàn bộ, hoặc giữ cái gì, bỏ cái gì ở Khổng giáo - trong quá trình phát triển hiện đại mang dấu ấn toàn cầu hóa văn minh công nghiệp kỹ trị, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân (*).

Khổng Tử là một triết gia, nhà giáo dục cổ đại. Thời trẻ, ông đi nhiều nước chư hầu nhưng không được trọng dụng, sau ông quay về nước Lỗ chuyên dạy học và viết sách. Ông là người đầu tiên ở Trung Quốc mở trường tư không phân biệt sang hèn. Ông thu thập tất cả những thành tựu văn hóa trước ông, sắp xếp thành một hệ thống tư tưởng, đề cập đến tất cả các vấn đề tri thức (Tứ thư, Ngũ kinh). Tư tưởng chủ đạo của ông là tu dưỡng cá nhân để thích ứng với yêu cầu xã hội, trước hết là để thành người cai trị, hướng dẫn người khác (quân tử). Khổng giáo nhằm vào các vấn đề thực tế, không viển vông trừu tượng. Có lẽ nhờ vậy, trong xã hội mà nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, cá thể lạc hậu, lại ngưng trệ hàng nghìn năm như Trung Quốc trước đây và một số nước tương tự, học thuyết đã có tác dụng ngự trị và Khổng Tử được tôn sùng làm “thánh”.

Sau Khổng Tử, các thời phong kiến tập quyền lớn mạnh, thì các nhà nho đã hệ thống hóa học thuyết Khổng Tử thành cương lĩnh nghiêm ngặt và áp đặt lên xã hội, đặc biệt lên nhân dân lao động, nữ giới, bảo đảm quyền lợi triều đình phong kiến và chế độ gia trưởng phụ quyền. Nhưng khi xã hội bắt đầu vượt khỏi tính chất nông nghiệp và những yêu cầu dân chủ nảy nở mạnh, thì Khổng học bắt đầu bị phê phán. Nhưng mặt khác, ngày nay Khổng học vẫn tồn tại được do cốt lõi nhân văn của nó kết tinh trong bộ Luận ngữ và những truyền thống tốt đẹp của dân gian và trí thức cổ đại trong Tứ thư, Ngũ kinh.

Luận ngữ (ý kiến luận bàn và lời nói) tiêu biểu cho Khổng học do đồ đệ Khổng Tử chép lại sau những cuộc hội thoại với thầy. Có thể nói, toàn bộ thuyết Khổng Tử được thu gọn trong Luận ngữ. Người Nhật coi Luận ngữ là cuốn sách đã góp phần khai hóa nên văn minh Nhật Bản.

Đọc lại sách Luận ngữ, ta thấy hầu hết những tư tưởng của ông đều xoay quanh chữ “nhân”. Theo ý kiến Nguyễn Khắc Viện, nếu cần định nghĩa chữ “nhân” của Khổng Tử thì có thể nêu lên bốn điểm:

- Rộng lượng với mọi người (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân);

- Hiểu biết để có một thái độ đúng trong mọi hoàn cảnh;

- Dũng cảm nhận trách nhiệm;

- Giữ mình đúng lễ. Nói tóm lại có tính người, có tình người.

Sau đây là một số câu do Trần Văn Quý và Nguyễn Khắc Viện trích dịch từ Luận ngữ:

Quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người.

Quân tử thư thái mà không kiêu căng, tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái.

Quân tử hòa với mọi người mà không hùa về ai, tiểu nhân thì hùa với mọi người mà không hòa với ai.

Quân tử bao giờ trong bụng cũng phẳng lồng lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng lo ngay ngáy.

Quân tử cố mình giữ lúc khốn cùng, tiểu nhân gặp lúc khốn cùng thì làm bậy.

Quân tử không biết được cái nhỏ mà có thể chịu được cái lớn, tiểu nhân không thể chịu được cái lớn mà có thể biết được cái nhỏ vậy.

Quân tử làm điều hay cho người khác, không gây thành cái ác cho người khác.

Quân tử nghiêm trang mà không tranh với ai, hợp quần với mọi người mà không bè đảng.

Phú quý thì ai cũng muốn, nhưng không do đạo mà được thì không nhận; bần tiện thì ai cũng ghét, nhưng không lấy đạo mà làm cho khỏi thì không bỏ.

Mình tự trách mình nhiều mà trách người ít, thì xa được điều oán giận.

Ăn gạo xấu, uống nước lã, gấp cánh tay mà gối đầu, tuy thế cũng có cái vui ở trong đó; làm điều bất nghĩa mà giàu sang thì ta coi như đám mây nổi.

Lấy điều ngay thẳng mà bảo, khéo tìm cách mà khuyên răn, không nghe thì thôi, nói lắm cũng vô ích, mà lại làm cho người ta khinh nhờn mình.

Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người.

Chưa thờ được người, thờ thế nào được quỷ thần.

Hỏi chết là thế nào, Khổng Tử nói: “Chưa biết được việc sống, biết thế nào được việc chết”.

Đức Khổng Tử (thọ 73 tuổi) nói: hồi mười lăm tuổi, ta đã để hết tâm trí vào sự học; đến ba mươi tuổi, ta vững chí mà tiến trên đường đạo đức; được bốn mươi tuổi, tâm trí ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, đoạt được sự lý, chẳng còn nghi hoặc; qua năm mươi tuổi, ta biết Mệnh Trời; đến sáu mươi tuổi, lời gì, tiếng gì lọt vào tai ta thì ta hiểu ngay, chẳng còn suy nghĩ lâu dài; được bảy mươi tuổi, trong tâm ta dầu có muốn điều gì thì cũng chẳng hề sai phép.

Những lời dèm pha của kẻ độc hiểm thấm thía về lâu, những lời vu cáo của kẻ hung ác làm cho đau đớn như banh da xẻ thịt; trước những lời ấy, mình đừng dao động mà nghe theo, đó gọi là người có trí minh bạch, sáng suốt.

Người chuyên làm điều nhân, hễ gặp điều nhân thì vui lòng làm ngay, chẳng nhường thầy mình.

Ông Diệp Công hỏi về cách cai trị, Khổng Tử đáp: “Phải được lòng dân, khiến kẻ ở gần, tức người trong địa phương thấy vui và người ở xa, tức người địa phương khác, vì mộ danh mà kéo nhau đến với mình”.

Khổng Tử nói: “Trầm mặc suy nghĩ đạo lý để ghi nhớ trong lòng, học đạo mà không biết buồn chán, dạy người mà không biết mệt mỏi, ba cái đức ấy có nơi ta chăng?”.

Khổng Tử nói: “Những kẻ sinh sau mình là hạng đáng sợ. Biết đâu sau này họ sẽ hơn mình bây giờ. Nhưng đến chừng bốn mươi, năm mươi mà chẳng nghe danh tiếng của họ, thì chẳng còn sợ họ nữa”.

Tăng Tử nói: “Hằng ngày ta phải xét mình về ba điều: làm việc gì cho ai có hết lòng không? Kết giao với bạn bè ta có giữ được tín không? Đạo lý thầy dạy ta có học tập không?”

Khổng Tử nói: “Người quân tử học văn để mở rộng kiến thức; nhưng để tự kiềm chế mình thì phải học lễ”.

Khổng Tử nói: “Ta chưa từng thấy ai háo đức bằng háo sắc (mê gái)”.

Người trí chẳng để thiệt thòi một đời người, cũng chẳng để phí mất lời nói.

(*) Xem thêm Học “lễ” và học “văn” SK&ĐS số 112; Chữ “Nghĩa” số 116


Nhà văn hóa HỮU NGỌC
Ý kiến của bạn