Thuở nhỏ, tôi say mê đọc bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết Nghìn một đêm lẻ. Lớn lên, tôi rất thích bản nhạc Phiên chợ Ba Tư với những hình ảnh của một phương Đông huyền ảo.
Nhà thơ và nhà bác học thời Trung Cổ Omar Khayam (1050-1123)
Không ngờ lại có ngày đặt chân đến Ba Tư. Hoàn cảnh đi cũng khá đặc biệt. Năm 1978, sau mấy năm hồ hởi thời hậu chiến là những năm kinh tế của ta hết sức khó khăn. Chế độ tem phiếu gay go, ta bị cô lập do các vấn đề Campuchia và biên giới Trung Quốc. Nhưng cũng là thời kỳ mở rộng ngoại giao nhân dân, đặc biệt qua con đường UNESCO. Tết 1978, tôi được chỉ định là đại diện Việt Nam đi họp ở Philippines về Văn hóa Mã Lai, nhưng vì sứ quán họ đòi phải đợi 3 tháng mới có thị thực, nên tôi được chuyển sang đi Iran họp về một bộ Tự điển các tiêu đề văn hóa (Thesaurus) cho châu Á, vì nước ta quá nghèo sau 30 năm chinh chiến.
Chuẩn bị đi là một trò cười: đi đi lại lại mãi mới mượn được của Bộ Tài chính một bộ com-lê vải đen thô và một đôi giày rộng thùng thình cùng 5 đô-la để tiêu “đi sứ”, mỗi ngày được phép tiêu 0,25 đô-la (nơi nào đi tiểu mất tiền đành chịu vì quá tiêu chuẩn). Đô-la hồi ấy là quốc cấm, cầm 1 đô-la không có giấy phép có khi bị bắt. Bay từ Bắc Kinh đến Tê-hê-ran, Thủ đô Iran, lo nơm nớp vì sợ đến nơi không có ai ra đón, tiền vẻn vẹn 5 đô-la trong túi, ngủ đêm thì mất đến 20 đô-la. Iran thời đó lại là thời vua (Shah) độc đoán, phát-xít và thân Mỹ, chống Cộng. Máy bay chỉ đỗ quá cảnh ở Tê-hê-ran cho tôi và hai người Nhật xuống. Họ có người ra đón, mình tôi cứ ra lại vào ga sân bay; vừa lạc va-li, vừa không ai ra đón, ngóng quá ngóng người yêu lỡ hẹn. Điện thoại để bắt liên lạc, không nơi nào trả lời. Toát mồ hôi. Thất vọng, đành vào tìm va-li thì bỗng thấy bước ra khỏi hàng người đứng chờ khách một người cao lênh khênh, da trắng, trông như Đông-ki-sốt. Ông ta tiến đến gặp tôi, chìa mảnh giấy rách có ghi Ng.Huu Ngoz, hỏi tôi có nói được tiếng Pháp không. Đó là tiến sĩ Moa-zame, được cử ra đón tôi, ông tự giới thiệu đã học ở Sorbonne, nhưng quả tiếng Pháp của ông lủng củng quá.
Ông đưa tôi về khách sạn Marmor (Cẩm Thạch) ở đại lộ Sepahbod Zahedi Ave, trung tâm thành phố. Vì say xe, tôi vừa đến đúng cửa khách sạn lịch sự ấy thì nôn ra một bãi.
Nhưng rồi 10 ngày ở đất Iran cũng ổn. Tôi không nói đến cuộc họp UNESCO có sự hiện diện của 19 nước (châu Á và cả Liên Xô, Úc, Pháp, Cô-lôm-bi-a). Đại diện Bộ Văn hóa nước chủ nhà Iran làm Chủ tịch Hội nghị, bầu 3 Phó Chủ tịch Hội nghị là Việt Nam, Sri Lanka và Afghanistan.
Hồi đó, Iran còn là nước quân chủ (ít lâu sau Cách mạng lật đổ Nhà vua lập nước Cộng hòa). Bộ Văn hóa mở tiệc tiếp khách, một bữa tiệc linh đình nhưng tuyệt đối không có rượu vì các nước Hồi giáo theo Kinh Koran cấm uống rượu.
Đến đây xin trở lại Omar Khayam.
Ông là nhà thơ Ba Tư nổi tiếng nhất nhờ những bài tứ tuyệt. Ông là nhà bác học lớn, tinh thông tất cả những môn học đương thời: toán, triết, thiên văn, luật, lịch sử...
Những bài thơ được coi là chính thức của ông biểu hiện một nhân sinh quan hưởng lạc, một khuynh hướng bi quan về số phận con người và ý nghĩa của vũ trụ. Ông là đồ đệ của Avicenne, triết gia và y sư gốc Ba Tư. Ông soạn một cuốn sách nổi tiếng về số học bằng tiếng Ả rập (Algebre). Ông cải cách lịch sử Ba Tư như một nhà thiên văn học. Thơ của ông nổi tiếng muộn trên thế giới (giữa thế kỷ 19), mang tính hoài nghi, phi tôn giáo chỉ được phổ biến một cách kín đáo.
Có thể có hàng mấy trăm đến nghìn bài thể tứ tuyệt, lời văn hay và sâu sắc. Bắt đầu từ thế kỷ 14 mới được truyền bá nhiều.
Omar khuyên nên hưởng lạc:
“Bạn có muốn cuộc sống của bạn đặt trên một nền tảng vững chắc không?
Bạn có muốn sống ít lâu với lòng loại khỏi buồn đau không?
Thì không phút giây nào ngừng uống rượu
Và thế thì, cứ mỗi hơi thở bạn sẽ lại tìm được một nét hấp dẫn mới trong cuộc đời bạn”.
Nhưng Khayam thần bí lại nêu ý kiến: Ở đền thờ, chúng ta “kinh sợ âm ty địa ngục và mong mỏi được lên Thiên đường, nhưng hạt giống của nỗi băn khoăn lo sợ ấy chưa từng nảy mầm trong tấm lòng kẻ nào đã từng hiểu thấu điều thần bí của Thượng đế”.
Và Triết gia Khayam lại nói thêm: “Hãy giao du với những người trung thực và thông minh. Hãy tránh xa hàng nghìn dặm những kẻ ngu dốt”.
Khayam ca ngợi cuộc sống ngắn ngủi của con người, cuộc sống “ngắn ngủi như một hơi thở”, sự bí mật của phận người, cái đẹp có một không hai của tạo vật và nhất là những thể hiện sôi nổi của tình yêu.
Một số nhà bình luận cho tình yêu ở đây là tình yêu huyền bí.
Một số lượng lớn thơ tứ tuyệt của ông ca ngợi rượu. Điều lạ lùng là nhà thơ ca tụng rượu lại ở một nước Hồi giáo cấm rượu.
Có thể theo Khayam, uống rượu không phải để say sưa chè chén mà để nâng tầm suy nghĩ lên, cảm thông với những giá trị cao siêu bằng cách quên bỏ những rào cản của giáo dục, những quy luật của luân lý thường tình, để cảm thông với siêu nhiên.
Người ta kể là Khayam thường ngồi trên sân thượng uống rượu với bạn bè. Có làn gió mạnh làm vỡ vò rượu. Ông ngẫu hứng làm bài thơ:
“Hỡi Thượng đế, Người đã đập vỡ vò rượu của con
Đã đóng cửa niềm vui của con, Thượng đế hỡi!
Thế là con uống mà Người lại say
Chao ơi! Người có say chăng khi mồm con đầy đất?”.