Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Kennedy nghĩ gì?

11-08-2018 07:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu Tổng thống John Fitzgerald Kennedy (Ken-nơ-đy, 1917-1963) không bị ám sát vào năm 46 tuổi, chưa chắc uy tín của ông đã cao đến vậy.

Cũng như Tổng thống Lincoln, ông được hưởng hào quang của một “vị thánh tử vì đạo”, để lại ấn tượng mạnh mẽ và sự luyến tiếc của nhân dân Mĩ về một sự nghiệp dở dang, mà trên thực tế chưa chắc đã thực hiện nổi. Cái chết của ông năm 1963 “khiến cho không thể biết được ông có là một vị Tổng thống vĩ đại hay không”.

John Fitzgerald Kennedy, Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, tại nhiệm từ năm 1961 đến năm 1963.

John Fitzgerald Kennedy, Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, tại nhiệm từ năm 1961 đến năm 1963.

Trong những năm 60, không khí quốc tế rất căng thẳng do “chiến tranh lạnh” giữa khối tư bản và khối cộng sản âm ỉ từ khi kết thúc Đại chiến Thế giới II đã tiến tới nút bùng nổ, sau khi thế giới đã chuyển từ lâu sang “chiến tranh nóng” có tính bộ phận. Mặc dù chính sách của Tổng thống Eisenhower với sự tham mưu của Dulles không phải là “hiền lành”, dư luận vẫn trách ông là “bảo thủ”, tĩnh quá. Hoa Kỳ đã tự gán cho mình nhiệm vụ lãnh đạo thế giới tự do từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1945. Truman đã công khai tuyên bố: Hoa Kỳ phải giúp các nước đang chống Cộng sản (1947). Chủ nghĩa Eisenhower vẫn mở rộng viện trợ Mĩ cho các nước Trung Đông đang chống cộng (1957). Nhưng trong thực tế, chính sách đối ngoại của Eisenhower vẫn bị đánh giá là thận trọng đến mức dè dặt và luẩn quẩn trong chiến lược.

Cuộc vận động bầu cử Tổng thống năm 1960 diễn ra trong bối cảnh xung đột Đông - Tây hết sức căng thẳng. Hy vọng đôi bên đàm phán hòa bình rất mong manh do chiếc máy bay trinh sát U2 của Mĩ bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô. Những sự kiện Công gô và Cuba là những thử thách lớn.

Hai ứng cử viên Tổng thống phong cách khác hẳn nhau. Đương kim Phó Tổng thống đảng Cộng hòa R.Nixon là một chính khách nguồn gốc xã hội tầm thường nhưng đầy kinh nghiệm, gắn với cuộc Thập tự chinh chống Cộng từ những năm 50. Kennedy, đảng Dân chủ, 43 tuổi, tuy ít kinh nghiệm nhưng là “Công tử” con nhà quyền thế, tràn đầy sức sống, trẻ trung, có nghị lực, hấp dẫn. Kennedy gốc Ailơn, có người ông là một chủ tiệm rượu và một chính khách quèn, bố đã “phất” vào những năm 20 (tư bản điện ảnh, buôn bán bất động sản, ngân hàng) và trở thành Đại sứ Mĩ của Roosevelt ở Anh năm 1937. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, Kennedy chiến đấu dũng cảm trong Hải quân (Thế chiến II), năm 29 tuổi đã được bầu vào Quốc hội. Với nụ cười lôi cuốn, có cô vợ duyên dáng, nhất là biết sử dụng vũ khí mới của vô tuyến và thăm dò dư luận, Kennedy đã thắng (34.227.000 phiếu) sát nút Nixon (34.108.000), hơn có 0,2%.

Trong bài diễn văn bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng giêng 1961, vị Tổng thống trẻ nhất Hoa Kỳ đã nhấn mạnh ông đại diện cho một thế hệ mới của Mĩ. Ông đã kêu gọi: “Xin đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho mình, hãy tự mình hỏi xem mình có thể làm gì cho đất nước!”. Tuy gốc gác Ailơn và lại là người Công giáo (ông là vị Tổng thống Công giáo đầu tiên) dễ bị thành kiến, ông đã vượt được hai cản trở ấy. Ông hứa với nhân dân sẽ đưa họ đi thám hiểm một biên cương mới (A new frontier).

Trên thực tế, “biên cương” ấy cũng không xa gì, ít nhất là về mặt đối nội. Sinh thời, chính sách đối nội của ông dậm chân tại chỗ ở Quốc hội. Chương trình đối nội đề ra mấy mục tiêu: tiền lương tối thiểu cao hơn, chăm sóc y tế cho người có tuổi, luật pháp bảo vệ quyền công dân, Chính phủ Liên bang đầu tư vào giáo dục. Tất cả những mục tiêu đề ra đều chưa thực hiện được khi sinh thời Kennedy, về sau, Tổng thống Johnson đưa một số vào chương trình “xã hội vĩ đại” của mình.

Hoạt động của Kennedy nổi bật về đối ngoại. Mọi cố gắng của ông nhằm cự lại phe Cộng sản ở các vùng địa lý - chính trị. Ở Đông Nam Á, Kennedy tăng cố vấn Mĩ cho Ngô Đình Diệm từ vài trăm lên vài chục nghìn. Ở châu Âu, sự đương đầu với một Khrushchev ngả nghiêng đã khiến cho phe Cộng sản dựng bức tường Berlin (1961). Ở ngay gần đất Hoa Kỳ, đụng độ với Cuba, Kennedy đã đỡ đầu cho cuộc đổ bộ ở Vịnh Con Heo, bị các lực lượng của Fidel Castro đánh tơi bời. Mùa thu 1962, Kennedy nhận được ảnh kết luận là Liên Xô đặt căn cứ tên lửa tấn công trên đất Cuba bằng không quân. Kennedy không theo ý kiến ấy mà thiết lập phong tỏa, không cho tàu Liên Xô chở trang bị quân sự vào Cuba và dọa sẽ phản ứng toàn bộ nếu Liên Xô tìm cách phá vỡ vòng vây phong tỏa. Trong 6 ngày thế giới nín thở xem Khrushchev đáp lại thách thức của Mĩ thế nào. Ngày 28/8, ông ra lệnh cho đoàn tàu Liên Xô quay về và đồng ý cho tháo gỡ những căn cứ tên lửa ở Cuba.

Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy

Kennedy còn đưa ra một số biện pháp chống Cộng sản khác: “Chương trình viện trợ Liên minh vì Tiến bộ” để tranh thủ nhân dân Mĩ Latinh, Hiệp nghị 1963 với Liên Xô về cấm thử vũ khí nguyên tử, “Lực lượng hòa bình” để giúp đỡ nước ngoài chống cộng.

Ngày 22/11/1963, trong khi đi kinh lý miền Nam bằng xe hơi qua thành phố Dallas, thuộc bang Texas thì Kennedy bị bắn chết. Thủ phạm là Lee.H.Oswald. Nhưng hai ngày sau, chính y bị một tên chủ hiệu ăn ở Dallas bắn chết trong khi chuyển nhà tù, vụ bắn này diễn ra ngay trước mắt cảnh sát và hàng triệu khán giả truyền hình. Đến nay vẫn chưa biết rõ động cơ và thủ phạm thật vụ giết Kennedy.

Kennedy mất đi, có người trách ông thiếu sức tấn công trong phong trào bảo vệ quyền công dân, “bồ bịch” (womanizing). Những diễn văn của ông khiến cho Hoa Kỳ và phương Tây mê. Sự thật thì có nhiều vấn đề ông nhìn chưa tinh và có nhiều biện pháp để lại hậu quả không lường được. Cũng như các tổng thống trước, ông không công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, không nhìn thấy những vết rạn đầu tiên giữa Liên Xô và Trung Quốc. Cũng như Eisenhower, ông tin vào thuyết “đôminô”, cho là nếu miền Nam Việt Nam vào tay Cộng sản thì lần lượt các nước khác ở Đông Nam Á cũng đổ theo, ông quá tin vào các báo cáo của CIA và các nhà quân sự. Mùa xuân năm 1961, chỉ có 685 cố vấn Mĩ ở Nam Việt Nam; tháng 6/1962, đã có 5.576 lính Mĩ, tháng 10/1963 có 16.732; đã có 489 người chết. Chiến tranh Việt Nam đi vào guồng. Kennedy phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

(Mời xem tiếp kỳ II trên SK&ĐS số 132)


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn