Cảo thơm lần giở: Kant (1724-1804) nghĩ gì?

23-04-2016 12:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời Pháp thuộc, khi tôi học lớp Cao đẳng tiểu học Trường Bưởi, thầy dạy môn luân lý (các môn học đều dùng tiếng Pháp) đã giảng qua loa về khái niệm IMPÉRATIF CATÉGORIQUE...

Thời Pháp thuộc, khi tôi học lớp Cao đẳng tiểu học Trường Bưởi, thầy dạy môn luân lý (các môn học đều dùng tiếng Pháp) đã giảng qua loa về khái niệm IMPÉRATIF CATÉGORIQUE: mệnh lệnh quyết định, bất khả kháng, không chịu bất cứ điều kiện nào chi phối (mệnh lệnh của lương tâm). Sau lớn lên, học ban tú tài Triết học mới biết đó là một luận điểm luân lý học của Kant (Căng). Không ngờ lời dạy của một triết gia Đức xa xôi thế kỷ 18 lại đi tới một cậu bé 15, 16 tuổi của một thuộc địa Pháp.

Gần nửa thế kỷ sau, tôi lại có dịp trở lại với Kant, khi tôi làm chủ biên cuốn Từ điển triết học giản yếu (1997). Năm 2000, anh Lê Thành Khôi ở Paris có nhã ý tặng tôi cuốn Một ý muốn cái đẹp (Un désir de beauté), sách nghệ thuật khổ to, in ảnh rất đẹp. Lý luận về cái đẹp, anh dựa chủ yếu vào nhận định cơ bản của Kant: “Cái đẹp là cái khiến người ta vui thích không dựa vào một khái niệm nào”. Từ thời Pháp thuộc đến nay, Kant không còn xa lạ gì với giới trí thức Việt Nam.

Cao-thom-lan-gio-Kant-nghi-gi

Nhà triết học người Đức Immanuel Kant

Kant là nhà triết học Đức nổi tiếng. Ông sinh và mất tại Konigsberg (Kơ-nig’-xberg), là đại diện tiêu biểu cho Triết học cổ điển Đức. Kant đề ra một nhận thức luận duy tâm chủ quan, đối lập với chủ nghĩa duy vật Pháp - phục hồi chủ nghĩa duy tâm, khôi phục Thượng đế và Tôn giáo (hạn chế lý tính, dành cho Thượng đế một chỗ đứng ở ngoài nhận thức). Kant điều hòa chủ nghĩa duy vật và duy tâm. Ông khẳng định sự tồn tại của thế giới vật chất ở bên ngoài ý thức (thế giới của những vật tự nó). Kant muốn có một số cải cách xã hội, tự do công dân nhưng lại sợ bạo lực cách mạng: phản ánh tư tưởng của tư sản tiến bộ Đức, một giai cấp tư sản nhu nhược.

Sau đây là một số tư duy của Kant:

Người ta không học triết học, người ta tập lập luận về những vấn đề triết học.

Mục đích của triết học là tự bản thân tư duy.

Mình biết được gì đây? Mình phải làm gì đây? Mình được hy vọng gì đây?

Giác quan không có lý trí thì rỗng không, nhưng lý trí không có giác gian thì mù quáng.

Lý trí là khả năng cho chúng ta biết nguyên tắc của tri thức tiên nghiệm. Vì vậy, lý trí thuần túy là lý trí chứa đựng những nguyên tắc để biết điều gì tuyệt đối tiên nghiệm.

Lý trí thuần túy có thể thực tế, có nghĩa là tự bản thân nó quyết định ý chí, không phụ thuộc vào những yếu tố trải nghiệm.

Tòa án mà con người cảm thấy trong bản thân là lương tâm.

Hãy hành động dường như phương châm hành động của ngươi được đề ra bởi ý chí của ngươi trở thành quy luật phổ quát của tự nhiên.

Có hai điều khiến trí óc ta tràn đầy ngưỡng mộ và sợ hãi: bầu trời đầy sao trên đầu ta và quy luật đạo đức trong ta.

Hãy can đảm sử dụng sự hiểu biết của mình.

Vậy thì luân lý thực ra không phải là học thuyết dạy ta cách để có sung sướng mà dạy ta làm thế nào để xứng đáng được hưởng hạnh phúc.

Hạnh phúc lý tưởng là của óc tưởng tượng chứ không phải là của ý chí.

Con người không thể tìm ra một khái niệm chắc chắn về tổng hợp những điều hài lòng mà họ mệnh danh là hạnh phúc.

Trong tối tăm, óc tưởng tượng hoạt động mạnh hơn là trong bóng tối.

Con người muốn có sự hòa hợp, nhưng tự nhiên biết rõ hơn con người điều gì là tốt lành cho loài người: tự nhiên muốn sự bất hòa.

Cái đẹp là biểu tượng của cái thiện.

Nhờ hôn nhân mà phụ nữ trở nên tự do, do hôn nhân mà đàn ông mất tự do.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn