Cảo thơm lần giở: Kafka nghĩ gì?

20-10-2016 21:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nước Tiệp Khắc (cũ) nhỏ bé đã sinh ra một nhà văn viết tiếng Đức, sinh thời ít ai biết đến tác phẩm nhưng lại nổi tiếng khắp thế giới sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai khi ông mất được 20 năm cùng Joyce...

Nước Tiệp Khắc (cũ) nhỏ bé đã sinh ra một nhà văn viết tiếng Đức, sinh thời ít ai biết đến tác phẩm nhưng lại nổi tiếng khắp thế giới sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai khi ông mất được 20 năm cùng Joyce, Proust, hai nhà văn cùng với Kafka được coi là những người mở đường cho văn học hiện đại, báo hiệu những luồng tư duy độc đáo.

Kafka (1883 -1924).

Đó là Kafka (Kaph-ka) (1883-1924). Ông xuất thân trong một gia đình tiểu thương Do Thái. Cha bán tạp hóa, là người độc đoán, tự mãn, rất có tác động đến tính tình, cuộc đời và sáng tác của Kafka. Vốn yếu đuối, luôn luôn bị nhức đầu và mất ngủ, Kafka bị xâu xé suốt cuộc đời ngắn ngủi (chết năm 41 tuổi vì bị lao) bởi một cuộc xung đột nội tâm: một mặt, muốn được cha thông cảm và coi trọng mình, một mặt lại muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng người cha mà Kafka khinh thường vì chỉ biết chạy theo vật chất, lợi lộc, chấp nhận một trật tự xã hội quan liêu. Do đó có một sự đoạn tuyệt giữa thế giới nội tâm với thế giới bên ngoài và tất cả mọi người. Kafka luôn luôn có “mặc cảm tội lỗi”. Ông không dám lấy vợ. Sau khi học luật, ông làm nhân viên cho một công ty bảo hiểm. Kafka định gửi gắm tất cả tâm tư vào văn chương. Sau khi Kafka chết, bạn ông là Max Brod đã làm ngược lại chúc thư của Kafka, không hủy mà xuất bản các tác phẩm ông để lại. Mãi sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, tác phẩm của Kafka mới nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn đến sân khấu và văn học hiện đại, trào lưu “tiểu thuyết mới”. Với một văn phong trong sáng và giản dị, Kafka viết truyện và tiểu thuyết ý nghĩa khó hiểu vì sử dụng yếu tố “kỳ quái”, mộng ảo, biểu tượng, tượng trưng. Tác phẩm của Kafka phản ánh con người bị tha hóa và sợ cuộc sống cô đơn trong chế độ tư bản lâm vào tình trạng khủng hoảng, con người không có lối thoát, day dứt vì cuộc sống vô lý, trống rỗng, bị trói chặt vào một thế giới xa lạ mà lại có thật, cấu trúc rất có vẻ hợp lý, phát triển theo quy luật tất yếu. Chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hiện sinh,... sử dụng luận điểm thần bí của Kafka về số phận con người bị trói buộc vào hoàn cảnh bất di bất dịch. Tác phẩm điển hình nhất của Kafka là cuốn tiểu thuyết Vụ xét xử (Der Prozess 1925): Một người đại lý ngân hàng tên là Joseph’K một hôm được báo tin là anh sẽ bị đem ra tòa án xét xử. Anh ta không có tội gì, không biết bị xử tội gì, càng tìm cách thanh minh càng bị các người xung quanh nghi ngờ và sau cùng bị đâm chết. Tác phẩm khác Hóa thân (Die Verwand-lung, 1916), chuyện một người chào hàng thức giấc thấy mình bị biến thành một con sâu khổng lồ, kinh tởm, Nhà trừng giới (In der Strafkolonie, 1919), truyện Thầy thuốc nông thôn (Ein Landarzt, 1919), Nghệ sĩ chết đói (Ein Hungerkunstler, 1924), truyện Lâu đài (Das Schlos, 1926), tiểu thuyết về một người đạc điền muốn ở và làm việc ở một làng nhưng rồi đến chết vẫn chưa làm được gì vì không ai công nhận anh ta làm việc ấy, Mỹ (Amerika, 1927), tiểu thuyết trào phúng.

Sau đây là một số suy nghĩ của Kafka:

Suốt cuộc đời tôi phải chống lại và chấm dứt sự thèm muốn.

Tôi viết khác tôi nói, tôi nói khác tôi nghĩ, tôi nghĩ khác điều tôi không phải nghĩ và cứ như vậy đến tận cùng tối tăm.

Tuổi trẻ vĩnh viễn là điều không thể có được. Ngay cả khi không có gì cản trở, sự tự mình quan sát mình làm cho việc ấy không thể có được.

Tình yêu là người tình đối với ta như con dao để ta lục soát trong ta.

Ta có thể rút ra từ cuộc đời biết bao nhiêu cuốn sách thế mà rút ra quá ít từ những cuốn sách.

Người ta chụp những vật để chúng khỏi ám ảnh trí óc ta.

Cái “chân” (thật) thực sự là không tưởng.

Chúng ta hãy thể hiện sự thất vọng của con người đối mặt với sự vô lý của cuộc sống.

Viết thư là cởi hết quần áo trước những con ma đang khao khát chờ khoảnh khắc ấy. Những cái hôn viết trên giấy không bao giờ tới đúng địa chỉ. Trên đường đi, những con ma đã ném mất chúng.

Chẳng có ai có thể hiểu được toàn thể của con người của tôi. Có một người nào đó có thể làm được điều đó, thí dụ một phụ nữ, thì có nghĩa là có quyền lực ở khắp nơi, khắp chốn, là Thượng đế.

Tin tưởng vào tiến bộ không có nghĩa cho là đã có một sự tiến bộ trước đây.

Có một mục tiêu nhưng không có con đường đi tới. Cái mà chúng ta gọi là con đường là sự lưỡng lự.

Một khi ta đã đón chào cái Ác vào nhà thì cái Ác không cần hỏi xem ta có tin nó không.

Con đường chính đạo là một cái dây căng không phải trên không trung mà là mặt đất. Dường như nó nhằm làm cho người ta vấp ngã hơn là để đi đến hết dây.

Chừng nào ta tiếp tục đi lên thì các bậc thang cứ tiếp tục mãi.

Những câu hỏi không tự bản thân cho giải đáp khi xuất hiện thì sẽ không bao giờ có giải đáp.

Những bố mẹ chờ đợi con cái biết ơn thì giống như những kẻ cho vay nặng lãi bỏ vốn để hòng lấy lãi.

Nhàn rỗi là khởi đầu của tất cả các tội lỗi mà cũng là sự kết tinh của các đức tốt.

Cuộc đời là một cuộc giải trí không ngừng dĩ chí không để cho ta có thì giờ ý thức được nó giải trí cho ta cái gì.

Con vật  đầu tiên của Adam sau khi bị đuổi khỏi thiên đường là con rắn.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn