Vào những năm đầu thiên niên kỷ 21, một vở kịch của J. Sartre (Sác-trờ) (1905-1980) đã được đem công diễn lần đầu tiên trong không khí chính trị xã hội sôi sục ở một nước Nam Mỹ: Pêru, cách xa nước Pháp cả một đại dương. Nguyên là sau năm 2000, từ khi Tổng thống Pêru gốc Nhật Furimori đào nhiệm, trốn sang cư trú chính trị ở Nhật, nhân dân căm phẫn đòi truy tố, xét xử, giới văn nghệ lên án bằng một loạt tác phẩm: luận văn, tiểu thuyết, sân khấu, múa... Tất cả nhằm vạch rõ tội lỗi 10 năm cai trị của Tổng thống Furimori là 10 năm bạo lực chuyên quyền độc đoán, đàn áp nông dân, tham nhũng... (1990-2000).
Vở kịch Tay bẩn (1948) của J.Sartre viết cách đây nửa thế kỷ đã đáp ứng vấn đề chính trị đặt ra ở Pêru năm 2000 và nêu lên một vấn đề muôn thuở của xã hội loài người: quan hệ giữa quyền lực và đạo đức. J.Sartre đề cập đến sự mâu thuẫn giữa lý tưởng tốt đẹp và thực tế vô lý, có khi bất công, bẩn thỉu của người làm chính trị trong xã hội tư bản. Đạo diễn Sergio Lluera và Monica Sanchez thủ hai vai chính trong vở kịch đã tham gia phong trào huy động quần chúng lật đổ Tổng thống Furimori. Vị tổng thống này lấy cớ là để chặn lạm phát quá nhanh và dẹp yên các lực lượng du kích chống đối, đã tạo ra một chế độ tham nhũng tràn lan; người thân tín của y là Montesino đã vơ vét được hàng trăm triệu đô-la và đã bị cầm tù.
Tuy J.Sartre viết Tay bẩn ám chỉ chế độ Pétain tham nhũng khi nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng. Câu chuyện đặt trong bối cảnh một nước Trung Âu trong Thế chiến II, đồng minh với Quốc xã Đức đang sắp thua. Một đảng cực đoan chủ trương chiến thuật bí mật liên minh chiến thuật với chính quyền thân Đức để cùng chống Đức. Hành động của hai nhân vật chính chứng tỏ chính khách khó có bàn tay sạch. Đạo diễn ở Pêru đã sử dụng biểu tượng, gợi ý, nhạc dân gian hiện đại để gắn đề tài của J.Sartre với hiện thực Pêru. Không ngờ J.Sartre vẫn còn tác động đến cuộc sống hôm nay.
Jean Paul Sartre là nhà văn hào Pháp, thuộc phe tả, đã từng đứng về phía nhân dân Việt Nam trong chống chiến tranh xâm lược của Pháp và Mỹ.
Sartre mất năm 1980. Từ khi ông qua đời, không có một nhà tư tưởng hay một nhà văn Pháp nào thay thế được ông ở vị trí một bậc “sư phụ” được công nhận; ông được ví như Voltaire (Von-te-rơ) của thế kỷ XVIII, Hugo (Uy-gô) của thế kỷ XIX, ông được coi là người bảo vệ các thứ tự do, về mặt lý luận và thực tế; ông có uy tín trong giới trí thức Pháp, Mỹ và cả thế giới thứ ba.
Cuộc đời và sáng tác của Sartre minh họa cho chủ nghĩa hiện sinh mà ông chủ trương. Xuất thân từ một gia đình đại tư sản, ông đỗ đầu kỳ thi thạc sĩ triết học. Ông dạy ở tỉnh nhỏ trước khi đổi về Paris. Năm 1941, ông tham gia kháng chiến chống Đức. Từ 1945, ông viết văn và làm báo. Ông sáng lập ra tạp chí Thời mới (Les temps modernes) năm 1945. Triết học hiện sinh của ông ghép hiện tượng học Đức Heidegger (Hai-đê-gơ) và của Husserl (Hu-xơc) với chủ nghĩa Marx. Ngoài những tác phẩm triết học thuần túy, ông trình bày triết học của mình bằng sáng tác văn học. Trong những cuốn tiểu thuyết Nôn mửa (La nausée, 1938), Những con đường của tự do (Les chemins de la liberté, 1945-1949) và tập truyện Bức tường (Le mur, 1939), ông nêu lên nhân sinh quan của mình: Cá nhân con người đụng phải sự vô lý của luận triết học trong hữu thể và hư vô (L’être et le néant, 1943): “Hiện sinh có trước bản chất”, có nghĩa là bản chất của một người không có tính chất định mệnh, cuộc sống của mỗi người là một chuỗi quyết định “tự do” không do lý tính quyết định. Ông muốn cho triết học của mình một đạo lý nhân bản: con người phải “nhập cuộc” và “nhận trách nhiệm”. Khác với Camus (Ca-muy), Sartre tán thành quan điểm duy vật lịch sử nhưng lại nhấn mạnh là tuy phát triển “trong lịch sử”, cá nhân con người vẫn có tự do quyết định và tầm vóc con người có thể ở ngoài lịch sử. Về chính trị, ông đứng về phe tả, nhưng không theo cộng sản; ông đi với tất cả các lực lượng tiến bộ, kể cả cộng sản trong một số vấn đề: kháng chiến chống Đức, hòa bình thế giới,... Sartre cũng nổi tiếng về kịch: Xử kín (Huit clos, 1945) về số phận cô đơn của con người, Tay bẩn về xung đột giữa thực tế và lý tưởng trong chính trị, Con đĩ có lễ độ (La putaine respectueuse, 1946) về chính sách phân biệt chủng tộc Mỹ. Sartre còn viết cả phê bình văn học. Từ (Les mots, 1964) là tự truyện thời thơ ấu của ông. Năm 1964, Sartre từ chối không nhận giải thưởng Nobel.
Sau đây là một số suy nghĩ của Sartre:
Khi bọn nhà giàu gây chiến đánh nhau thì chỉ bọn nhà nghèo chết.
Thượng đế đã chết. Nhưng không phải vì thế mà con người trở nên vô thần. Sự vắng lặng ấy của cái siêu việt hòa với nhu cầu tôn giáo vĩnh viễn của con người hiện đại, đó là chuyện lớn của ngày nay cũng như ngày xưa.
Thượng đế đã chết. Nhưng chớ hiểu là Thượng đế không tồn tại, ngay cả là Thượng đế không tồn tại nữa. Thượng đế đã từng là tiếng nói, Thượng đế giờ im tiếng.
Bạo lực, dù thể hiện dưới hình thức nào cũng là một sự thất bại.
Tôn giáo là lối thoát cho những người vì quá ư hèn nhát nên không dám nhận trách nhiệm đối với vận mệnh của bản thân.
Làm người là có khuynh hướng làm Thượng đế, hay nói cách khác, người cơ bản mong muốn thoát Thượng đế.
Địa ngục là những người khác quanh ta.
Môn siêu hình học không phải sự thảo luận vô bổ về những khái niệm trừu tượng mà kinh nghiệm không nắm được mà đó là một cố gắng kinh động để thấu hiểu được từ nội tâm toàn vẹn phận người.
Nỗi đau thầm kín của các thần linh và các vua chúa là con người có tự do.
Một khi mà tự do đã bùng nổ trong tâm hồn một người thì các vị thần linh không thể làm gì được người ấy.
Một khi hiện sinh đi trước bản thể thì con người chịu trách nhiệm về mình.
Cuộc đời tôi là bài học duy nhất của tôi.
Giáo dục đúng ra là rút ra được cái gì tốt nhất của bản thân mình. Có quyển sách nào tốt hơn là quyển sách của nhân loại.