James Joyce (Gioi-xơ, 1882-1941) là nhà thơ và nhà viết tiểu thuyết Anh, người Ai-len. Joyce cùng Proust, Koffka và Faulkner được coi là những người mở đường cho tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ công giáo, sau mất lòng tin. Ông học y, dạy tiếng Anh ở Ý, Pháp, Thụy Sĩ. Sau khi viết một số truyện ngắn tự nhiên chủ nghĩa, say sưa phân tâm học, ông đi sâu vào miêu tả tiềm thức. Ông viết tự truyện Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ (Portrait of the Artist as a Young Man, 1916). Trước đó, năm 1914, ông đã viết Người Đa-b’lin’ (The Dubliners), tập truyện hiện thực mà tính chất khách quan lại do nhận xét tỉ mỉ thế giới nội tâm mang lại. Tác phẩm chính của ông là Iu-li-xi-dơ (Ulysses, 1922): thơ văn xuôi dài 800 trang, pha đủ các thể loại (truyền thuyết, hùng ca, sử, luận văn, phóng sự, kịch, khoa học, nhạc kịch, tiểu thuyết…), đủ loại văn phong (rời rạc, trùng văn, thô kệch, thơ mộng, kiêu kỳ, tượng trưng, liên tưởng…), nhiều ngôn ngữ (tiếng lóng, từ khoa học, cổ, kim…). Cơ sở thống nhất của tác phẩm là “độc thoại nội tâm”, những khám phá trong tiềm thức kiểu “siêu thực”; truyện nhại lại sự tích cổ Hy Lạp Odysseus của Homêrôs: hai bố con Ulysses (tức Odysseus) lang thang một ngày ở thành phố Dublin. Tác phẩm khó hiểu vì nó tổng hợp tất cả văn hóa phương Tây, đòi hỏi hiểu biết rộng và trình bày quan niệm phức tạp về con người. Tác phẩm phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết cổ điển.
James Joyce (1882-1941)
Sau đâu là một số suy nghĩ của Joyce:
Chớ có ra tòa nếu chưa được biết bản kết án ra sao.
Thượng đế có những thức ăn của mình, còn con quỷ thì thêm gia vị của nó.
Lịch sử là một ác mộng mà tôi tìm cách thức tỉnh.
Người vợ nhiều khi là điểm yếu của ông chồng.
Bản năng, có thể ví với một con chim sắp chết khát mà đã uống được nước trong một cái bình bằng cách ném các viên cuội vào trong.
Người đa cảm là người muốn có lợi mà lại không muốn trả món nợ nặng nề của sự biết ơn.
Đàn ông và đàn bà, tình yêu là cái gì? Đó là cái nút và cái chai.
Không có cái gì làm mất tinh thần bằng cát: chẳng cây cối nào mọc được trong cát, tất cả mọi thứ vào cát đều bị xóa nhòa.
Ngày nào rồi cũng hết.
Những sự sai lầm mở cửa cho sự phát minh.
Không có tự do tư tưởng vì tư tưởng nào cũng bị chi phối bởi những quy luật riêng của nó.
Muốn học tập thì phải cực kỳ khiêm tốn.
Nhà trường và gia đình xa dần và ảnh hưởng của cả hai đối với chúng ta dường như giảm đi.
Tôi luôn ủng hộ sự thực. Sự thực giản dị cũng dành cho một người giản dị.
Mỗi cuộc đời có nhiều ngày. Ngày nọ tiếp nối ngày kia, chúng ta đi qua chính mình, bắt gặp những kẻ ăn cắp, những con ma, những người khổng lồ, những người già, những người trẻ, những bà vợ, những góa phụ, nhưng bao giờ chúng ta cũng gặp chính mình.
Không ai thèm gần hắn, hắn đã bị loại khỏi bữa tiệc cuộc đời.
Có gì trong tên một người? Chúng ta tự hỏi như thế khi chúng ta còn bé lúc viết cái tên mà người ta bảo là tên của ta.