Cuốn Các bài phát biểu thay đổi thế giới của nhà xuất bản Murdoch đã tập hợp dăm chục bài loại ấy, qua hai nghìn năm từ chúa Giê Su. Trong số bài đó, bài của bà Indira Gandhi phát biểu tại New Delhi ngày 23/11/1974 có những điểm mà người Việt chúng ta nên suy nghĩ.
Cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi.
Bà Indira Gandhi (In-di-ra Gan-di, 1917-1984), con Thủ tướng Nehru, là một chính khách Ấn Độ ưu tú, người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ trong 2 nhiệm kỳ từ 1966 đến 1977 và từ 1980 đến 1984. Bà đã thực hiện nhiều cải cách mạnh dạn, chủ trương khuyến khích phụ nữ tham gia hoạt động xã hội. Bà bị ám sát năm 67 tuổi.
Xin trích dịch bài nói chuyện của bà với sinh viên Trường đại học Indra Pradesh như sau:
“Một câu châm ngôn Ấn Độ đã nói: Phụ nữ là tổ ấm và tổ ấm là cơ sở của xã hội. Nói như vậy có nghĩa chúng ta xây tổ ấm của chúng ta, tức là có thể xây cả đất nước chúng ta. Nếu tổ ấm chưa thích hợp, do vấn đề của cải vật chất và những đồ tiêu dùng, hoặc thiếu bầu không khí thân thương mà bất kỳ trẻ em nào cũng cần để lớn lên và phát triển thì đất nước không thể có sự hài hòa. Bất cứ đất nước nào thiếu sự hài hòa thì không thể phát triển theo định hướng nào cả. Cũng vì lý do đó, giáo dục phụ nữ hầu như quan trọng hơn giáo dục nam giới.
Tôi thuộc loại người luôn luôn cho giáo dục cần phải có một cuộc chỉnh lý toàn bộ, đồng thời, tôi cũng nghĩ không phải cái gì trong nền giáo dục của chúng ta cũng xấu, ngay nền giáo dục của chúng ta hiện nay cũng đã đào tạo được những công dân tuyệt vời, nhất là các nhà khoa học và chuyên gia trong mọi lĩnh vực.
Một trong những trách nhiệm của giáo dục phụ nữ ngày nay là làm sao có thể tổng hợp được những giá trị cao và trường cửu của truyền thống cũ với những gì tốt và có giá trị cao của tư duy hiện đại. Tất cả những gì hiện đại không phải đều là tốt cũng như những điều cổ xưa cũng đều là xấu hay tốt cả. Chúng ta phải quyết định không phải một lần là xong mà hàng tuần, hàng tháng, xem điều gì đang xảy ra sẽ tốt lành cho đất nước, cái gì cổ xưa có thể giữ lại và bảo tồn trong xã hội chúng ta.
Để thành hiện đại, nhiều người nghĩ là chỉ cần thay đổi cách ăn mặc, nói năng hay vài phong tục tập quán. Đó chưa phải là hiện đại đâu. Đó chỉ là sự hiện đại hời hợt mà thôi! Giờ muốn đất nước Ấn Độ của chúng ta trở thành một quốc gia và một xã hội hiện đại, xây dựng vững vàng trên cơ sở cái gì tốt của truyền thống cũ. Đất nước chúng ta cần có một công chúng biết suy nghĩ, không chịu chấp nhận bất cứ cái gì đến từ một nơi nào đó trên thế giới. Họ sẵn sàng nghe ngóng, phân tích rồi quyết định nên tiếp thu và chấp nhận hay vứt bỏ. Đó là nền giáo dục mà chúng ta cần, khiến cho thanh niên ta có thể tự điều chỉnh cho phù hợp với cái thế giới đang đổi thay này và có khả năng đóng góp thêm vào đó cái tốt của chúng ta có.
Có người chỉ nghĩ khi trong tay ta nắm được quyền làm những việc lớn, việc quan trọng thì mới phục vụ được quốc gia. Nhưng chúng ta đều biết là bộ máy tinh tế nhất cũng vô dụng khi một chiếc đinh ốc không ổn. Chiếc đinh ốc ấy cũng quan trọng như bất cứ bộ phận nào của bộ máy. Cuộc sống của một quốc gia cũng như vậy. Không có công việc nào quá nhỏ, không có con người nào quá nhỏ. Ai cũng có việc phải làm. Nếu mà làm tốt thì đất nước tốt. Thí dụ như quét đường, có một số người có thể làm được, những người khác thì không. Giờ thì chúng ta thấy phân bò là thứ có giá trị nhất với thế giới, nhiều nền kinh tế thế giới bị rung chuyển, bị sụt giảm vì thiếu phân bón.
Tôi hy vọng các em được thuận lợi về giáo dục không những tiếp thu làm bất cứ công việc mà các em đang làm, luôn nghĩ đến lợi ích của đất nước mà còn tự mình đóng góp cho hòa bình và hài hòa để mang đến cái tốt đẹp cho cuộc sống của nhân dân và Tổ quốc. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm đặc biệt của phụ nữ Ấn Độ. Chúng ta muốn làm rất nhiều cho đất nước chúng ta nhưng không bao giờ tự tách Ấn Độ ra khỏi thế giới. Điều chúng ta muốn là xây dựng một thế giới tốt hơn. Vì vậy, chúng ta phải xét những vấn đề của Ấn Độ trong khung cảnh những vấn đề lớn hơn của toàn cầu”.
Bài nói này của bà Indira Gandhi đã rất có ảnh hưởng trong xã hội Ấn Độ. Ngắn gọn và dễ hiểu, thiết thực khi đề cập đến những vấn đề lớn, khác hẳn với những bài nói và viết của một số chuyên gia giáo dục ta thường gặp, dài mà rỗng. Một vấn đề bà nêu lên cho giáo dục chung, rất cần chúng ta chú ý cải cách giáo dục. Không phải bất cứ cái gì hiện đại đều là tốt cũng như bất cứ cái gì truyền thống đều là cũ, xấu. Giáo dục của đất nước ta từ khi lập quốc qua nhiều thời kỳ: Nho học, Pháp thuộc, Cách mạng và Kháng chiến, Đổi mới. Giáo dục mỗi thời kỳ đều đào tạo được những người có tài và có đức. Ta đã tổng kết xem mỗi giai đoạn có gì tốt cần giữ lại và phát huy chưa? Hay lại chạy theo cái mới một cách hời hợt và thiếu cân nhắc...