Cảo thơm lần giở: Hugo nghĩ gì?

02-12-2017 16:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đa số những thế hệ Việt Nam đã từng học bậc Thành chung trường Pháp - Việt ngày trước đều rung cảm với những hình ảnh và nhịp điệu bài thơ Oceano Nox (Đêm đại dương) của Victor Hugo (Uy-Gô, 1802-1885), nhà thơ lãng mạn Pháp bậc thầy thế kỷ 19.

Victor Hugo

Victor Hugo

Trong số đó có Phạm Hổ, nhà thơ của thiếu nhi.

Tôi kể trường hợp anh Phạm Hổ, vì nó điển hình cho sức mạnh của cảm thông huyền diệu của thi ca: chính qua lời thơ của một nhà thơ nước ngoài cách xa vạn dặm, viết trước đó một thế kỷ rưỡi mà chú bé Phạm Hổ 14 tuổi đã “phát hiện” ra đại dương để yêu mến biển và dân chài Quy Nhơn.

Bước vào tuổi lục tuần, Phạm Hổ tâm sự về cái buổi ban đầu xa xưa ấy:

“Hồi ấy, tôi đã sống hơn mười năm với biển Quy Nhơn. Nhà tôi ở cách biển khoảng chừng ba trăm thước. Từ nhà tôi có thể nhìn thấy biển, cái vệt sáng lớn, màu xanh luôn lấp lánh, lấp lánh. Tiếng sóng vào những đêm yên tĩnh nghe gần như sờ được. Mùa hè, chiều nào chúng tôi cũng ra biển tắm. Rồi đá banh trên bãi cát. Tối đến, lại xách chiếu ra biển ngủ, trước khi ngủ lại rủ nhau đi bắt còng đêm. Để sáng sớm ngủ dậy thì tò mò nhìn bà con đi kéo lưới, bắt tôm, bắt cá...

Đối với tôi, cho đến năm ấy, biển Quy Nhơn chỉ là như vậy, có thêm chăng là những lúc ngồi ngắm trăng hay ngắm mặt trời lên... Cho đến một hôm... Hôm ấy, thầy Mùi giảng cho chúng tôi nghe về bài thơ Đêm đại dương của Victor Hugo.

Ôi! Có biết bao nhiêu thủy thủ và thuyền trưởng

Đã vui vẻ ra đi, trong những chuyến đi xa...

Lúc đầu tôi nghe thầy giảng bài này như bao lần nghe giảng các bài khác. Giọng thầy ấm áp, nói chỉ vừa đủ cho cả lớp nghe. Nhưng chỉ một lúc sau, tôi như đã bị bài thơ cuốn hút vào một thế giới vừa lạ, vừa quen, vừa xa vời, vừa gần gũi...

Tôi đang nghe lời thầy giảng, nghe thơ Hugo hay nghe lời của đại dương, của biển, của những con người sống cùng với biển? Thực mà sao như hư! Ở đâu khác hay chính ở nơi này?

Càng nghe tôi càng ngẩn ngơ.

Và đêm hôm đó, khi ôm chiếc chiếu con ra biển ngủ, tôi đã không tài nào ngủ được.

Đêm đại dương, lời thầy giảng lại thì thầm trò chuyện với tôi. Tôi nghe tiếng sóng vỗ. Và thấy đúng là trong tiếng sóng như có tiếng người... Tiếng thở dài mong đợi, tiếng khóc than mất mát của những đứa con, những bà mẹ, những người vợ có cha, có con, có chồng đã ra đi trên mặt biển này và không bao giờ về nữa.

Và chân trời kia, lần đầu tiên tôi mới hiểu, đấy không phải chỉ là ranh giới giữa biển và trời, sự mênh mông của không gian và thời gian...  Chân trời ấy còn là ranh giới giữa sự sum họp và chia lìa, sự mênh mông của nỗi đau và lòng dũng cảm của con người...

Tôi cứ ngồi im như thế trước mặt biển Quy Nhơn của tôi, mà nghe tiếng sóng, mà nhìn về phía chân trời lúc ấy đang có những ánh đèn bà con đi câu mực.

Như thế đấy, đại dương của Hugo đã bước đầu giúp tôi hiểu được biển Quy Nhơn của quê tôi. Hiểu và yêu. Yêu biển cả, yêu con người. Những con người ăn sóng nói gió, suốt đời sống chết với biển cả, biển cả lúc phẳng lặng hiền lành, lúc điên cuồng gầm rít, nhưng luôn luôn dành cho con người những mùa cá, mùa tôm...

Hôm ấy đối với tôi là một ngày “không thể nào quên”, trong nhiều mối quan hệ tình cảm rất đẹp đẽ và rất nhân văn”.

Bài thơ (Oceano Nox) có nhiều bản dịch. Tôi xin giới thiệu một bản dịch vô danh vào những năm 30, không biết đã in chưa. Có thể có nhiều bản dịch sau năm 1945 hay hơn, nhưng tôi thích bản dịch này vì nó phản ánh cái hào hứng say sưa, đôi khi vụng về trong thời thanh niên lãng mạn của chúng tôi. Bản dịch này do một anh bạn cũ từ năm thứ nhất trường Bưởi, anh Nguyễn Tư Tùng (di cư và mất ở Mỹ), nhớ và đọc lại cho tôi chép. Có điều kỳ lạ là bạn Nguyễn Tư Tùng, một kỹ sư công chính chỉ thích khoa học, khi đi học rất ghét môn Pháp văn. Thế mà ngoài 79 tuổi, anh vẫn nhớ nhiều bản dịch thơ Pháp. Sau đây là bản dịch:

Đêm đại dương

Thương thay thủy thủ bao người

Giang hồ quen thú bể khơi vẫy vùng.

Những đêm giông tố hãi hùng,

Mịt mù mây phủ, lạnh lùng sương sa.

Liều thân lìa cửa lìa nhà,

Bỏ thân đáy bể xót xa một đời.

Biết bao thủy thủ những người

Phong ba một phút dập vùi như không!

Những đêm tăm tối mịt mùng,

Ba đào cuốn xác cuồng phong dìm thuyền.

Trầm luân trong cõi u huyền,

Trùng dương thăm thẳm cửu tuyền đâu đây.

Ai hay số kiếp đọa đày,

Nổi chìm theo nước vơi đầy nông sâu.

Sau đây là một số tư duy của Hugo:

Khi Bé xuất hiện, cả gia đình vỗ tay reo mừng.

Hỡi em bé, cháu là tảng sáng, hồn bác là cánh đồng

Ướp hơi thở của cháu bằng hương dịu của trăm hoa...

Ôi! Đừng đầy ải ai! Ôi! Đầy ải là phỉ báng đạo.

Mơn trớn đám đông, hỡi trí óc của ta, chớ có làm!

Vinh quang, ngôi sao muộn màng.

Từ sáu nghìn năm nay, chiến tranh

Làm hài lòng những dân tộc hiếu chiến,

Và Thượng đế mất thì giờ để tạo ra

hoa và sao

Ôi! Tình mẹ! Mối tình không ai quên được!

Bánh mì mà Thượng đế chia cho và nhân lên!

Phong cách tựa như pha lê, sự trong trẻo của nó khiến nó tỏa sáng.

Những vần thơ lướt đi êm ái nhẹ nhàng

Tới khu vườn đẹp của chúng ta

Nếu thơ của tôi có cánh như chim.

Thượng đế chỉ tạo ra nước lã, nhưng con người chế ra rượu vang.

Ta phải biết rằng, từ ngữ là một sinh vật.

Di sản tốt đẹp nhất người ta có thể để lại là một cái tên được kính nể.

Như vậy nếu lười biếng là bà mẹ thì bà ấy có một đứa con trai là ăn cắp và một đứa con gái là cái đói.

Khi thành phố Paris đau ốm thì mọi người đều nhức đầu.

Lời khen từ miệng một nhà bác học đối với một nhà bác học khác chỉ là một hũ mật đắng pha mật ong.

Hỡi những người có của, hãy cho đi! Của bố thí cũng ngang với cầu nguyện.

Sung sướng thay, trong thung lũng hiu quạnh.

Ai là người có thể ra đời, sinh sống và ra đi tại cánh đồng của ông cha.

Hỡi ôi! Đừng bao giờ sỉ vả một người đàn bà đã khuỵu xuống.

Nào ai biết gánh nặng nào đã khiến người ấy ngã xuống.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn