Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Hồ Chí Minh (1890 - 1969)

03-11-2018 08:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hồ Chí Minh với những giá trị văn hóa phương Tây

(Tiếp theo và hết)

Dĩ nhiên Hồ Chí Minh thích làm thơ Đường, một thể thơ rất cô đọng. Tính trong sáng của văn hóa Latinh và sự phân tích lý tính kiểu triết gia Pháp Descartes không hề bóp nghẹt trong Ông tư duy phương Đông hướng về tổng hợp và trực giác là một tiền đề của sự nhạy bén chính trị.

Trong những hoàn cảnh hiểm nguy, Hồ Chí Minh đã từng tóm gọn đường lối ứng xử trong một vài từ, theo truyền thống Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1946, trước khi đi Pháp theo dõi Hội nghị Fontainebleau, trong khi vận mệnh quốc gia treo trên sợi tóc, Ông chỉ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quyền Chủ tịch nước, sáu chữ “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Có lẽ Hồ Chí Minh là chính khách duy nhất trong lịch sử Việt Nam biết hài hước và có tâm hồn nghệ sĩ.

Có lẽ Hồ Chí Minh là chính khách duy nhất trong lịch sử Việt Nam biết hài hước và có tâm hồn nghệ sĩ.

Do phương thức sản xuất châu Á, ở Việt Nam không hình thành được một giai cấp tư sản đủ mạnh để đập tan cơ cấu phong kiến và làm nảy mầm hạt giống Tự do, Dân chủ và Tiến bộ. Dưới góc độ triết học và lịch sử, khái niệm “Tiến bộ” không có trong văn hóa phương Đông quá ư tồn cổ, hoài cổ. Khái niệm ấy cũng không có trong văn hóa phương Tây trước thời kỳ hiện đại vì văn minh cổ Hy Lạp luyến tiếc thời Hoàng kim và đức tin Ki Tô giáo thì bị ám ảnh bởi vườn Eden, Thiên Đàng đã mất.

Khái niệm “Tiến bộ” gắn với triết học Ánh sáng Pháp, triết học này kế thừa chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp - La Mã và thời kỳ Phục hưng, nó dẫn đến thắng lợi của lý tính và khoa học, đến chủ nghĩa tiến hóa của Darwin.

Xuất phát từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Nguyễn Ái Quốc đã tôi luyện những lý tưởng cách mạng - Tiến bộ, Tự do, Dân chủ ở phương Tây. Ở Việt Nam những tư tưởng này đã được truyền bá trong giới trí thức Nho học tiến bộ vào đầu thế kỷ 20 qua những bản dịch Trung Quốc: trước tác của Montesquieu, Voltaire, Rousseau.

Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận những khái niệm ấy qua lăng kính giải phóng dân tộc. Anh đã bỏ phiếu cho Đệ Tam Quốc tế và Đảng Cộng sản Pháp chỉ vì hai tổ chức này bênh vực chính nghĩa của những dân tộc thuộc địa.

Edmond Michelet, Bộ trưởng Các quân chủng Pháp, người được ủy nhiệm tiếp Hồ Chủ tịch ở Paris năm 1946, nhận định như sau về sắc thái chính kiến của Ông: “Đó là một người Cộng sản theo lý tưởng... Tôi thấy ông dường như luôn luôn chịu ảnh hưởng của tác giả lớn của ông là Mác, chắc chắn là cả Lê-nin nữa... Nhưng trong ông có Jaurès... Ông là người đã chọn Chủ nghĩa Cộng sản, đúng thế, nhưng có một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc... Tôi cho là trong thế giới Cộng sản, chắc chắn ông là một trong những người chấp nhận Cách mạng Cộng sản chủ nghĩa, phải!... nhưng trong tự do”.

Sự đánh giá này của một chính khách đối phương không phải là không sáng suốt. Quả thật là Hồ Chí Minh tìm một Chủ nghĩa Cộng sản có tình người, kế thừa những truyền thống cách mạng xã hội chủ nghĩa 1917, nhưng tiếp thu cả tinh hoa của những cuộc cách mạng tư sản, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc - một chủ nghĩa cộng sản tôn trọng cá nhân, biết khóc, biết cười, biết ngâm vịnh.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Hồ Chủ tịch trích dẫn những văn bản của hai cuộc Cách mạng Tư sản Pháp và Mỹ. Ông tâm sự với Lacouture: “Một dân tộc như dân tộc (Pháp) của ông, một dân tộc đã đem lại cho thế giới nền văn học của tự do, sẽ luôn luôn thấy ở chúng tôi những người bạn, dù dân tộc ấy có làm gì chăng nữa. Chao ôi! Nếu ông biết được là hàng năm, tôi say sưa đọc Hugo và Michelet đến thế nào! Những tiếng nói ấy không ai có thể làm được, đó là tiếng nói của dân chúng các ông giống dân chúng tôi, y hệt như anh em!”.

Theo Thượng nghị sĩ Anh William Warbey, “sự ngưỡng mộ của Hồ Chí Minh đối với những thành tích lịch sử và những hoài bão của nhân dân Mỹ bắt nguồn từ những chuyến thăm New York, Boston và những thành phố khác ở bờ biển phía Đông... Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, ông đã có cơ hội biết và yêu nhân dân Mỹ, và qua sách báo, ông đã ngưỡng mộ chính khách của họ là Abraham Lincoln. Cuộc chiến đấu của Lincoln chống chế độ nô lệ và sự bóc lột lao động đối với ông Hồ như là một tiếng vọng của chính sứ mạng của mình là giải phóng nhân dân Việt Nam”.

Trong khi đề cao nhân dân, Hồ Chí Minh - tuy xuất thân từ một nền văn hóa nặng về cộng đồng, tập thể - không hy sinh cá nhân con người. Phần nào đó cũng do ảnh hưởng văn hóa Pháp nặng về cá nhân và theo đúng tinh thần của bản Tuyên ngôn Cộng sản của Mác và Engels về quan hệ giữa tự do cá nhân và tự do tập thể. Lập trường giai cấp của Ông vững chắc mà lại rất nhân đạo. Chính Ông đã dũng cảm tuyên bố “sửa sai cải cách ruộng đất”.

Trong Di chúc, Ông gửi lại muôn vàn thương mến cho trẻ em, người già, phụ nữ, chiến sĩ, thương binh, thanh niên xung phong... Là một “cùng dân” (paria), Ông là Tổng biên tập báo Paria cảm thông với số phận các cùng dân trên thế giới. Tình cảm của Ông thể hiện ngay từ sự lựa chọn những sách đọc đầu tiên ở phương Tây: Shakespeare, Dickens, Hugo, Zola, Anatole France, Tolstoi, Nguyễn Ái Quốc còn đọc Proudhon và Michelet cho những thanh niên Việt Nam tha hương, trong một căn hầm ở phố Marché des Patriarches. Ông quen nữ sĩ Colette và thán phục Jaurès. Mẫu số chung của các tác giả mà Ông thích đọc là tình thương người cơ cực, bị áp bức... Thơ của Hồ Chí Minh nói lên nỗi đau xót vì thiên hạ, hoài bão tự do của dân tộc, cái đẹp của thiên nhiên.

Thơ của Hồ Chí Minh “hội tụ xúc cảm Á Đông và chủ nghĩa lãng mạn Pháp” (Lacouture). Ở đó, tình thương tồn tại cùng mỉa mai, như trong sáng tác của Dickens và Anatole France. Làm thế nào giải thích được sự tương hợp giữa Hồ Chí Minh và Anatole France, giữa một nhà cách mạng có niềm tin bất di bất dịch, hướng về hành động, lạc quan, và một trí thức tài tử chủ nghĩa, hoài nghi và bi quan? Phải chăng Hồ Chí Minh tìm thấy trong văn hào Pháp một văn phong giản dị và trong sáng, và những rung cảm của một trái tim đã khiến A. France trở thành một người cộng sản “tình cảm”.

Hài hước Hồ Chí Minh cũng pha lẫn Đông và Tây, kết hợp nhiều thành tố: láu lỉnh và hồn nhiên nông dân và giọng châm biếm của nhà Nho Việt Nam, cái dí dỏm của dân Paris. Rất ghét tôn sùng cá nhân, Hồ Chí Minh biết tự nhạo mình và nhạo người khác, không ngần ngại đùa, nói vui với mọi người, tránh thói trịnh trọng câu nệ. Trong kháng chiến chống Pháp, có lần Ông đi bộ khá lâu trong rừng đến thăm một đơn vị bộ đội. Các chiến sĩ ta mừng rỡ đón Ông, hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Ông cười đáp lại: “Hồ Chủ tịch muốn nằm!”.

Năm 1946, sau khi đặt vòng hoa ở mộ người lính vô danh (Paris), Ông về qua đại lộ Champs - Élysées. Một quan chức Pháp nói với Ông: “Thưa Chủ tịch, có rất nhiều người đã đứng xem Ngài qua!”. Hồ Chí Minh bật cười đáp: “Chắc chắn là thế, ông ạ! Người ta muốn xem hề Charlot Việt Nam!”. Phải chăng Ông đã nhớ đến ca sĩ Maurice Chevalier và có thể cả vũ nữ Mistinguett? Trước khi Ông qua đời ít lâu, Ông đã nhờ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud gửi cho ít đĩa hát của Maurice Chevalier.

Phương Đông và phương Tây, quốc gia và quốc tế, hành động và thi ca, truyền thống và cách mạng, lý tưởng và tình cảm, Hồ Chí Minh đã giải quyết những mâu thuẫn ấy một cách biện chứng tuyệt vời. Đúng như triết gia Pháp Pascal đã viết, người ta không vĩ đại khi chỉ đứng ở một cực, mà phải nối liền hai cực và đắp đầy khoảng giữa. Có lẽ Hồ Chí Minh là chính khách duy nhất trong lịch sử Việt Nam biết hài hước và có tâm hồn nghệ sĩ.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn