Cảo thơm lần giở: Hồ Chí Minh (1890 - 1969)

27-10-2018 08:12 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Bài 3 (tiếp theo số 168)

Hồ Chí Minh với những giá trị văn hóa phương Tây

Phần 1:

Năm 1890, Nguyễn Sinh Cung, cậu bé sẽ mang tên Hồ Chí Minh, cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Việt Nam đau thương vào thời điểm nhà thơ Anh Rudyard Kipling phán đoán: “Ôi! Đông là Đông mà Tây là Tây, hai bên sẽ không bao giờ gặp nhau!”.

Lịch sử sẽ phủ nhận lời tiên tri ấy, một lời tiên tri thấm nhuần huyền thoại về “gánh nặng trách nhiệm của người da trắng” đối với người da màu trên trái đất. Trong thế kỷ 20, sự thách thức vũ khí nguyên tử nhen lên từ Hiroshima, những đảo lộn về kinh tế, chính trị và xã hội do cách mạng công nghiệp lần thứ ba gây ra, quá trình phi thực dân hóa và “chủ nghĩa thế giới thứ ba” (tiersmondisme), sự đối đầu với những vấn đề sống còn của nhân loại đã tăng cường sự giao tiếp giữa các quốc gia, xích các dân tộc lại gần nhau và làm nảy nở những mối tương tác văn hóa (acculturation) đầy hứa hẹn.

Bác Hồ thăm một trại thiếu nhi tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957.

Bác Hồ thăm một trại thiếu nhi tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957.

Những nhân vật đại diện cho tinh hoa thế giới, những con người mà bà Indira Gandhi gọi là những “hỗn hợp Đông Tây” đã xuất hiện. Hồ Chí Minh có thể được xếp vào dòng tinh thần ấy, dòng họ gồm Tagore, Gandhi, Aurobiondo, Romain Rolland, Lafcadio Hearn, Pearl Buck, Hermann Hesse, Kazantzakis.

Trái với nhiều lãnh tụ cách mạng châu Á khác, Hồ Chí Minh đã đi vào cuộc đời chính trị, tự đào tạo và trưởng thành ở châu Âu, nhất là qua những năm ở Pháp.

Vậy mà Người vẫn hết sức Việt Nam và Á Đông, điều khiến cho những người phương Tây tiếp xúc với Người hết sức ngạc nhiên. Theo Jean Roux, biên tập viên báo Franc Tireur (Pháp), Hồ Chí Minh “kết hợp chất anh hùng và đạo lý (...), ông luôn luôn là một thứ Gandhi mác-xít... đại diện cho triết lý Á Đông”.

Muốn đánh giá ảnh hưởng văn hóa Pháp và phương Tây nói chung đối với nhân cách Hồ Chí Minh, nên xuất phát từ bài toán cuộc đời của Người, một bài toán khá đơn giản vì đời tư và đời công của Người là một.

Khi Người sinh ra thì nước đã mất từ mấy chục năm trước. Làm thế nào giải phóng dân tộc và cải thiện dân sinh? Đó là vấn đề luôn luôn ngự trị tâm trí Người cho đến hơi thở cuối cùng.  Nguyễn Tất Thành ra đi năm 21 tuổi, đã được đào tạo khá vững vàng để tiếp thu cái mới mà không mất gốc, để luôn luôn sẽ vẫn là “con người hiện đại tiêu biểu nhất cho nước Việt Nam”.

Trong khi bôn ba hải ngoại, Người sẽ không quên những kỷ niệm thời thơ ấu và thiếu niên: người và cảnh ở làng Kim Liên, cuộc sống đạm bạc của một gia đình nhà Nho và nông dân yêu nước, phong trào đấu tranh của toàn dân chống xâm lược Pháp. Người sẽ luôn luôn giữ gìn “những giá trị vĩnh cửu của Việt Nam: kính già mến trẻ, trọng nghĩa khinh tài”. Tâm hồn người Việt Nam sẽ tồn tại trong Người: ý thức cộng đồng, tình cảm gia tộc quê hương cần cù, hài hước của người nông dân, gần gũi thiên nhiên, năng khiếu thi ca.

Người đã thấm nhuần văn học Hán - Nôm và ít nhiều đã biết văn học Pháp khi học ở Trường Quốc học Huế. Khổng học đã đưa lại cho Người một số yếu tố sau này phù hợp với sự lựa chọn mác-xít của Người: chủ nghĩa duy lý, niềm tin vào giáo dục cải tạo con người, sự đề cao đạo đức xã hội và thực tiễn (praxis).

Trong tư duy và tình cảm của các nhà Nho Việt Nam, Khổng học thường được bổ sung bằng Lão học, do đó có quan niệm xuất chính và xuất thế. Ở Hồ Chí Minh, Lão học được thể hiện qua một số nét: coi thường hình thức phiền toái, trọng nữ (Khổng học chỉ đề cao nam), ưa hài hước. Ước mơ của Người là gì? “Làm một cái nhà nho nhỏ, nơi ở có non xanh nước biếc, để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với danh lợi...”.

Viết kịch bản cho một phim tài liệu về Hồ Chí Minh, Bành Bảo đã nhấn mạnh vào nghịch lý cuộc đời Người, mâu thuẫn giữa hoài bão phục vụ dân tộc, nhân loại và nguyện vọng cá nhân muốn sống thanh thản. Người đã giải quyết mâu thuẫn ấy trong thái độ tâm hồn “Tố sự thung dung nhật nguyệt trường”.

Trong tam giáo, dĩ nhiên Người trọng cả Phật giáo: Người nói là “Đức Phật tổ đại từ bi, tốt biết bao!”.

Nhà xã hội học Pháp Paul Mus đã đưa ra những lập luận bác học để nắm bắt qua Hồ Chí Minh “tâm linh” (psyché) của Việt Nam và châu Á. Những nghiên cứu nghiêm túc ở phương Tây nhận định là không hiểu được quá trình diễn biến - văn hóa - tư tưởng của Hồ Chí Minh nếu không tìm hiểu tính chất độc đáo của tư duy phương Đông, một tư duy được đánh dấu bởi hoài bão tìm kiếm tính thống nhất của vũ trụ, sự hài hòa giữa những mâu thuẫn, trực giác và tính tổng hợp.

Nguyễn Tất Thành “Tây du” với đầu óc rộng mở. Hồ Chí Minh luôn luôn sẽ giữ tinh thần ấy. Người đã trả lời một nhà báo: “Khổng Tử, Giê Su, Mác, Tôn Dật Tiên... các vị ấy đều muốn làm lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống và ở gần nhau, tôi tin rằng các vị ấy sẽ chung sống với nhau thoải mái như những người bạn tốt”.

Không những đầu óc Nguyễn Ái Quốc rộng mở, mà cả tấm lòng Người cũng rộng mở, khiến cho Người có bè bạn khắp nơi.

Nguyễn Ái Quốc thâm nhập phương Tây dễ dàng, tự nhiên. Qua các chuyến đi khắp các lục địa, qua tiếp xúc quảng giao, hoạt động xã hội và cách mạng, Người nhanh chóng tăng vốn hiểu biết trí thức và kinh nghiệm cuộc đời.

Tư tưởng phương Tây lấy lý tính và khoa học làm tiêu chuẩn chân lý. Nguyễn Ái Quốc học ở đó phương pháp phân tích, nhất là phân tích duy vật biện chứng mác-xít. Nhà ngoại giao Pháp Sainteny, người được coi là một trong những nhân vật phương Tây biết rõ Hồ Chí Minh nhất, nhận định là, bổ sung vào những tri thức truyền thống, “vốn hiểu biết chung (mà Nguyễn Ái Quốc) tiếp thu được qua các chuyến đi, nhất là ở Paris, cũng đủ để phát triển khả năng phân tích, sự mềm dẻo và đầu óc tò mò tìm hiểu mà trong cuộc đời ông sẽ sử dụng rất tốt”.

Về đầu óc phân tích của Hồ Chí Minh, Theo Roncho, phóng viên báo L’Humanité có đưa ra một dẫn chứng: năm 1968, ông được Hồ Chủ tịch mời đến trình bày về cuộc khủng hoảng tiền tệ Pháp. Ông viết: “Tôi thu lượm được một ít tài liệu... Những câu hỏi của Hồ Chủ tịch đan một hệ thống chằng chịt quanh vấn đề rộng lớn và hắc búa ấy. Sự điều tra kiên trì này không để sót một khía cạnh nào. Chủ tịch muốn biết những nguyên nhân thực của cuộc khủng hoảng, quá trình, những tác động trước mắt và sau này của tình hình ấy, tại Pháp và ở nước ngoài. Liệu có phá giá đồng tiền hay không?...”. Phong cách điều tra này thật khác xa lối “chi hồ giả dã” của các cụ Nho ta.

Sau một thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tóm tắt cảm tưởng của mình: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo”...

Nguyễn Ái Quốc đã học được nhiều ở những đảng viên xã hội và cộng sản Pháp. Người kết bạn với Jacques Duclos, Marcel Cachin, dự những buổi nói chuyện của nhà văn và nhà hoạt động chính trị Séverine. Ở Câu lạc bộ Ngoại ô, Người thường phát biểu, tham gia thảo luận đủ các vấn đề, từ thiên văn học, chính trị, văn học đến cách trồng rau cải xoong và nuôi ốc sên.

Năng khiếu phân tích của Nguyễn Ái Quốc càng được mài giũa từ khi Người bước vào lĩnh vực báo chí. Tổng biên tập báo Sinh Hoạt Công Nhân dẫn dắt Người đi những bước đầu. Ông yêu cầu viết thật ngắn, độ năm sáu dòng, rồi viết dài ra, rồi lại rút ngắn lại.

Mời xem tiếp Phần 2 trên số báo Chủ nhật 176, ra ngày 4/11/2018


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn