Cảo thơm lần giở: Hồ Chí Minh (1890 - 1969)

22-10-2018 06:35 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Bài 2

(tiếp theo Bài 1, số CN 164)

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào lịch sử Việt Nam như một tài liệu chính trị, đánh dấu một thời điểm vô cùng quan trọng.

Ta hãy ôn lại tình hình đất nước từ khi Việt Nam tuyên ngôn Độc lập để rõ hoàn cảnh ra đời của lời kêu gọi ấy.

Ngay sau khi ta làm cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp được đồng minh giúp đỡ đã bắt đầu thực hiện âm mưu xâm chiếm lại thuộc địa Việt Nam bằng quân sự. Chúng ta cần hòa bình để xây dựng đất nước nên đã thực hiện chính sách hòa hoãn. Ta ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1945 và Tạm ước 14/9/1946. Do đó, ta giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, đuổi quân Tưởng về nước, chuẩn bị lực lượng để kháng chiến lâu dài. Bội ước Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước. Pháp đã tấn công các phòng tuyến của quân ta ở Nam Bộ và Trung Bộ. Quân Pháp đã chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị đánh vào những cơ quan đầu não của ta ở Hà Nội.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ngày 15, 16 tháng 12/1946, chúng đã nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17, chúng gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.

Ngày 18/12, Tướng Morlière gửi cho ta tối hậu thư và đưa ra những đòi hỏi vô lý. Chắc chắn Pháp sẽ châm ngòi chiến tranh trong toàn quốc và Pháp định châm ngòi vào ngày 20/12/1946.

Tình hình cấp bách đòi hỏi những quyết định chiến lược cấp bách và sáng suốt. Ngày 18-19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hồ Chí Minh đã chủ trì một cuộc họp với tinh thần đại diện toàn quốc để quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

Chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy. Quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước qua Đài Phát thanh. Người kêu gọi như sau:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước của dân tộc, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu, với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có thể nói, Ngày toàn quốc kháng chiến đã thể hiện một chiến lược quân sự - chính trị, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch 2 tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ và thực hiện thắng lợi cuối cùng Điện Biên Phủ.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn