“Không có gì là vĩnh viễn trừ sự thay đổi”, - “Cái không cũng tồn tại y như cái nhỏ nhất”.
Đọc hai câu này, ta có cảm giác như trích ở Kinh Phật ra. Câu trên dường như minh họa cho lẽ “vô thường”; câu dưới dường như minh họa cho khái niệm “sắc không” khiến ta nhớ đến câu kệ: “Có thì có tự mảy may, - không thì cả thế gian này cũng không”.
Sự thực hai câu trên không phải trích từ Kinh Phật mà từ tác phẩm của triết gia duy vật cổ Hy Lạp Herakleitos (phiên âm Pháp Heraclite), thế kỷ 6-5 trước CN. Ông được coi là ông tổ biện chứng luận phương Tây. Tác phẩm chính của ông là “Về tự nhiên”. Theo ông vũ trụ là một tổng thể do thần minh tạo ra, lửa là nguyên tố chuyển hóa thành các nguyên tố khác (nước, đất...) mà sinh ra vạn vật; ngược lại, vạn vật di chuyển hóa thành lửa; những mặt đối lập này luôn luôn chuyển hóa thành vật đối lập kia, xung đột là nguồn gốc sự phát triển. mọi vật biến đổi không ngừng theo những quy luật khách quan. Tất cả phải sinh ra trong đấu tranh và tất yếu phải sinh ra. Tính tất yếu nội tại ấy gọi là Logos.
Câu của ông được lưu truyền nhiều nhất cho đến nay là: “Người ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” (vô thường), ý nhấn mạnh là hiện thực luôn luôn chuyển động.
Sau đây là một số suy nghĩ của Herakleitos:
Đạo đức là con đường ngắn nhất dẫn đến vinh quang.
Trong giấc ngủ, con người hành động trong tình anh em, vì tương lai thế giới.
Tất cả mọi người đều có nhiệm vụ tự biết mình và có đầu óc sáng suốt.
Con đường khi đi lên khi đi xuống vẫn chỉ là một con đường.
Mắt là nhân chứng trung thành hơn tai.
Con người tìm cách quên nơi con đường dẫn mình đến nơi đó.
Bất tử-Hữu tử, Hữu tử-Bất tử. Cuộc sống của chúng ta là cái chết của Bất tử, và cuộc sống của Bất tử có nghĩa là cái chết của chúng ta.
Nếu hạnh phúc là khoái lạc của cơ thể thì có thể nói là con bò hạnh phúc khi thấy cỏ ngon để ăn.
Cái chờ đợi con người sau khi chết, không phải là điều họ ước mong hay điều họ tin tưởng.
Những người tỉnh chỉ có một thế giới, còn mỗi người ngủ lại có một thế giới riêng.
Con lừa thích rơm hơn vàng.
Đầu óc minh mẫn là đức lớn nhất. Nghệ thuật sống là nói đúng cái thật, hành động, làm theo tự nhiên trên tinh thần hiểu biết.
Nếu tất cả các ước mong của con người đều được toại nguyện, thì điều đó không phải là điều hay hơn cho họ.
Dập tắt một lời chửi rủa còn hơn là dập tắt một đám cháy.
Sự hài hòa vô hình của vũ trụ đẹp hơn sự hài hòa ta thấy. Thiên nhiên thích ẩn giấu.
Mỗi ngày lại có một mặt trời mới.
Nếu không có sự bất công thì không biết đến sự “công bằng”.
Thế giới là một và là của chung, nhưng khi ta chìm đắm trong giấc ngủ thì ai cũng hướng về thế giới riêng của mình.
Hữu Ngọc