Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Hawthorne

10-03-2018 16:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà xã hội học Mỹ Ruth Benedict đối lập tâm lý Nhật Bản dựa vào sự xấu hổ, với tâm lý phương Tây dựa vào mặc cảm tội lỗi (The chrysanthemum and the sword - Hoa cúc và lưỡi gươm, 1946).

Sáng tác của nhà văn Mỹ Nathaniel Hawthorne chứng minh nhận định trên, ông bị ám ảnh bởi những băn khoăn tội lỗi do ảnh hưởng bi quan của Thanh giáo về tội tổ tông khá điển hình về mặt này.

Nhà văn Mỹ Nathaniel Hawthorne (1804-1864).

Nhà văn Mỹ Nathaniel Hawthorne (1804-1864).

Hawthorne (Ho-tho-nơ, 1804-1864) sinh trưởng trong một gia đình Thanh giáo (puritan) ở Đông Bắc nước Mỹ. Năm 21 tuổi, ông tốt nghiệp đại học. Ông sống với bà mẹ góa nghiêm khắc trong một căn nhà hiu quạnh, bao trùm không khí của những câu chuyện hoang đường. Hawthorne đã sớm trở thành một tâm hồn thần bí. Những sáng tác của ông, mới đầu là truyện ngắn, sau là tiểu thuyết, đều mang nặng dấu vết một quá khứ khắc khổ của thời Thanh giáo cổ xưa. Được một bạn học giúp đỡ, ông cho ra đời tập 1 vào năm 33 tuổi, cuốn Chuyện cũ kể lại (Twice Told Tales, 1837). Từ năm 1839 đến 1841, ông làm ở Sở Thuế quan Boston. Năm 1841, ông tham gia thể nghiệm “Trại Cộng đồng Brook” (Brook Farm Community) của một phong trào trí thức không tưởng; trở thành thủ quỹ và chủ nhiệm trại đó một thời gian; ông xuất bản tập 2 của Chuyện cũ kể lại. Ông dọn đến ở ngôi nhà cổ của mục sư ở Concord, rồi viết Lớp rêu ngôi nhà cổ của mục sư (Mosses from an Old Manse, 1846). Ông lại làm nhân viên sở thuế ở Salem, năm 44 tuổi (1848), ông buộc phải thôi việc vì tình hình chính trị đổi thay. Chữ cái màu đỏ tươi (The Scarlet Letter, 1850) và Nhà có bảy đầu hồi (The House of the Seven Gables, 1851) là hai cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông. Ông còn viết sách cho thiếu nhi: Một cuốn sách kỳ diệu cho các em trai, em gái (A Wonder Book for Boys and Girls, 1851). Thời gian sống ở trại Brook đã gợi ý đề tài cho Khúc ca Blai-đơ-đây-lơ (The Blithedale Romance, 1852). Ông làm lãnh sự ở Anh 4 năm, đi Ý và Pháp, lấy hai nước này làm khung cảnh cho cuốn Tượng thần đồng áng bằng cẩm thạch (The Marble Faun, 1860).

Hawthorne là một người quan sát giàu trí tưởng tượng, hay sử dụng hình tượng. Ông là cây bút tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của Mỹ, ông đã có ý thức đi vào vô thức. Ông có ảnh hưởng đến nguyên tắc xây dựng truyện ngắn của Edgar Poe.

Nếu toàn bộ sáng tác của Hawthorne phản ánh băn khoăn tội lỗi mang dấu ấn Thanh giáo, thì cuốn tiểu thuyết Chữ cái màu đỏ tươi là tác phẩm tiêu biểu nhất cho khuynh hướng này. Câu chuyện được đặt trong khung cảnh miền New England, miền đất nhập cư đầu tiên của những người Anh thấm nhuần giáo lý và luật lệ khắt khe của Thanh giáo.

Sự việc xảy ra khoảng nửa đầu thế kỷ 17. Trong không khí cuồng tín và đề cao đạo lý một cách cực đoan, mục sư trẻ tuổi Arthur Dimmesdale nêu một tấm gương trong sạch, thuyết giáo hùng biện và sống khắc khổ. Ông được các con chiên thành phố Boston tôn làm thánh sống. Vậy mà trong con người phức tạp của ông, ngọn lửa thần bí vẫn nhiều lúc bị ngọn sóng đam mê xác thịt dập tắt. Nhà tu hành đã yêu say đắm cô thợ thêu trẻ và đẹp là Hester Prynne, vợ một lão thầy thuốc xấu xí và độc ác vẫn biền biệt ở châu Âu, hình như đã chết đuối trong một vụ đắm tàu. Mối tình của nàng và nhà tu hành giấu được Chúa nhưng không giấu được người nữa: nàng đẻ ra một đứa con gái trong khi người tình đi xa. Có con hoang, nàng bị đưa lên bục kẻ có tội, đứng trước công chúng 3 tiếng đồng hồ để chịu sỉ nhục; suốt đời, nàng phải đeo trên ngực chữ A đỏ tươi tố cáo nàng là đàn bà chửa hoang (A là chữ đầu của Adultery - tội ngoại tình). Tra khảo thế nào, nàng cũng không chịu khai tên cha đứa trẻ.

Giữa lúc nàng ở trên bục chịu tội thì chồng nàng xuất hiện với một cái tên là Roger Chillingworthe. Roger bắt vợ thề không được hé răng nói cho ai biết sự có mặt của y. Y trả thù một cách ma quái. Y lân la đến xin chữa bệnh cho mục sư Arthur. Linh tính mách cho y biết đó là tình địch. Arthur sống trong đau khổ, hối hận, con người héo hon yếu đuối. Roger ở chung với ông, nên qua những thất thường của người bệnh, đã đoán chắc Arthur là người tình của vợ mình. Y bèn dùng mọi cách để hành hạ tinh thần của Arthur, khiến ông đau đớn ê chề. Trong khi đó, nàng Hester nghiến răng chịu đựng, làm điều thiện, do đó cũng được nhân dân phần nào thương hại. Bảy năm trời đằng đẵng. Nàng lại còn bị giày vò vì đứa con gái Pearl, đứa con “tội lỗi”, tính tình tai ác.

Cuộc chịu đựng của hai người tội lỗi không thể kéo dài mãi được. Nàng thương Arthur quá, nên bỏ qua lời thề với Roger, nói rõ với Arthur y là ai và sự báo thù độc ác của y. Nàng rủ mục sư trốn đi xa, làm lại cuộc đời. Nhưng lão Roger biết được ý đồ ấy. Vả lại, mục sư cũng bị lương tâm cắn rứt và cho là ý định đi trốn như vậy là lời cám dỗ của quỷ. Chỉ còn một cách thoát khỏi nanh vuốt của Roger, đó là tự thú.

Trong một ngày lễ hội, trước đám đông, Arthur gọi Hester và con gái lên bục tội đồ. Một mình ông nhận hết tội trước mọi người, ai cũng sửng sốt. Chiến thắng được mình, ông ngã xuống và tắt thở trong đôi tay của người yêu. Cảnh ấy đã thức tỉnh lương tâm của cô bé Pearl: lần đầu tiên cô khóc, và hôn bố.

Tác phẩm Chữ cái màu đỏ tươi đề cập đến những ý chủ đạo của tác giả Hawthorne: Tất cả mọi người trong cõi lòng đều có một tội lỗi thầm kín - tội lỗi của Roger còn lớn hơn của Arthur vì y đã vi phạm nơi thiêng liêng của một tâm hồn đau khổ. Công lý của con người không hiệu nghiệm. Chính bản thân kẻ có tội phải chịu sự sám hối trừng phạt nội tâm để vươn lên cái hoàn thiện mà kẻ không hề bị tội lỗi không đạt tới. Quan niệm của Hawthorne đã vượt ra ngoài tôn giáo và đạo đức khắt khe của Thanh giáo buổi đầu ở Mỹ: tình yêu không còn là tội lỗi do tội tổ tông, mà là một sức mạnh của thiên nhiên.

Sau đây là một số tư duy của Hawthorne:

Người mẹ bao giờ cũng nghe bằng trái tim hơn là bằng tai của mình.

Nhà tù là bông hoa đen của xã hội văn minh.

Sự vuốt ve cần thiết cho sinh hoạt tình cảm y như lá đối với cây. Nếu không có sự vuốt ve thì tình yêu chết từ gốc.

Nếu thời gian chỉ muốn chờ đợi sự kết thúc của những sự điên rồ mà ta thích, thì ta vĩnh viễn là thanh niên cho đến sự phán xét cuối cùng.

Mở một vực sâu trong tình cảm trìu mến là rất nguy hiểm: không phải vì những tình cảm này mở rộng trong thời gian, mà trái lại vì chúng đóng lại rất nhanh.

Khi một đề tài nào đó chiếm lĩnh vững chắc tư tưởng thì thời gian để suy nghĩ về nó đã được sử dụng tốt.

Cuộc đời được tạo ra bằng cẩm thạch và bùn lầy.

Tình yêu, vừa mới nhú ra hoặc mới bừng dậy từ một giấc ngủ im lìm bao giờ cũng sẽ phát ra ánh sáng, tỏa ra từ con tim một ánh sáng lan ra khắp thế giới.

Không ai có thể trong một thời gian rất dài đưa ra một bộ mặt cho chính mình và một bộ mặt khác cho người ngoài mà cuối cùng lại không bối rối, rồi tự hỏi xem bộ mặt nào mới là bộ mặt thật của mình.

Vấn đề là tìm hiểu xem cuối cùng thì căm ghét và yêu đương phải chăng chỉ là một mà thôi. Mỗi tình cảm ấy tới cao độ ắt là phải có một mức độ thân mật rất cao giữa hai con người, sự hiểu biết sâu sắc của một trái tim khác.

Tình yêu giống như con bướm: khi định bắt nó thì quá tầm nhưng khi để nó yên, rất có thể tự nó đến đậu trên vai ta.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn