Cảo thơm lần giở: Gorki nghĩ gì?

16-07-2017 11:00 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Thời Pháp thuộc, bộ máy kiểm duyệt của thực dân cấm lưu hành và đọc Người Mẹ. Mãi từ 1936, nhờ ảnh hưởng Mặt trận bình dân thắng ở “mẫu quốc”...

Thời Pháp thuộc, bộ máy kiểm duyệt của thực dân cấm lưu hành và đọc Người Mẹ. Mãi từ 1936, nhờ ảnh hưởng Mặt trận bình dân thắng ở “mẫu quốc”, bản dịch tiếng Pháp mới có cơ hội vào ta một cách công khai. Thanh niên, tổ chức có dịp đọc Người Mẹ - sách hiếm, đều xúc động bởi câu chuyện một phụ nữ bình dân, chỉ vì yêu con nên đứng bên con, trở thành một chiến sĩ cách mạng anh hùng. Tác phẩm hẳn có ảnh hưởng lâu dài đến một số độc giả trẻ thời đó.

Gorki Maxime (Gor’-ki, 1868-1936) là nhà văn Nga Xô-viết. Ông là con một người thợ mộc, mồ côi sớm. Thời thơ ấu trôi qua trong bầu không khí tiểu tư sản ngột ngạt ở nhà ông ngoại, một chủ hiệu nhuộm. Năm 11 tuổi, ông đã phải tự kiếm sống. Năm (1884) ông đi Kazan (Ka-dan) tìm cách học đại học nhưng không có tiền, lại phải đi làm nuôi thân. Suốt đời Gorki phải vật lộn với cuộc sống, thay đổi rất nhiều nghề. Ở Kazan, ông quan hệ với những lực lượng có ý thức cách mạng. Năm 23 tuổi, ông đi khắp nước Nga. Ông xuất bản truyện ngắn đầu tiên Ma-kar’ Tru-đ’ra (Makar Tshudra, 1892), ký tên là Gorki (nghĩa là cay đắng).

Nhà văn Nga Maxime Gorki  (1868-1936).

Nhà văn Nga Maxime Gorki  (1868-1936).

Những truyện ngắn đầu tiên của ông viết theo phong cách lãng mạn cách mạng và hiện thực, vạch rõ tính chất dã man của một trật tự xã hội, đồng thời đưa ra hình ảnh lý tưởng con người tự do, phản ánh cao trào chuẩn bị Cách mạng Nga lần thứ nhất trong Bài ca chim báo bão (Pesnja o burevestnike, 1901). Cuốn tiểu thuyết đầu tiên Phô-ma Gor’đê-eph’ (Foma Gordejev, 1899) phản ánh tình trạng bế tắc của chủ nghĩa tư bản ở Nga qua cuộc đời của con một thương gia, một nhân vật chống đối giai cấp mình. Vở kịch đầu tiên Những người tiểu tư sản (Meshan, 1902) đưa hình ảnh người chiến sĩ công nhân, tạo cuộc sống, nhân vật mới của lịch sử lên sân khấu. Vở Dưới đáy (Na dne, 1902) nổi tiếng thế giới, miêu tả những con người bị đẩy xuống “đáy” cuộc sống, lên án xã hội tư bản, sự dối trá của thuyết nhân đạo Thiên Chúa giáo, khẳng định niềm tin vào trí tuệ và sức mạnh sáng tạo của con người. Thời gian này, ông quan hệ chặt chẽ với những người bôn-sê-vích, tham gia tích cực vào việc chuẩn bị Cách mạng 1905. Năm 1905, ông gặp và kết bạn với Lê-nin. Sau cách mạng 1905 thất bại, ông phải ra nước ngoài (đầu năm 1906-1913), lúc đầu ông ở châu Âu và Mỹ (đến mùa thu 1906). Ông viết kịch Những kẻ thù (Vragi, 1906) và tiểu thuyết Người Mẹ (Mat, 1906-1907); trong tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa này ông nêu bước tiến lên tất yếu của phong trào công nhân, sự phát triển cách mạng của nó dưới sự lãnh đạo của Đảng. Pavel (Pa-vel’), điển hình cho người chiến sĩ cách mạng vô sản và người công nhân của Đảng, nhân vật bà mẹ là hiện thân của quá trình giác ngộ cách mạng trong nhân dân. Lê-nin khen cuốn sách kịp thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của đề tài tác phẩm: sự chuyển biến của phong trào công nhân tự phát thành cuộc đấu tranh có tổ chức. Mùa thu 1906, ông đến nước Ý, ở đảo Capri (Ca-p’ri) cho đến 1913 để chữa bệnh lao. Với sự giúp đỡ của Lê-nin, ông vượt qua được ảnh hưởng một số lý thuyết duy tâm, như truyện Lời thú tội (Ispoved, 1908), kết hợp những tư tưởng và sắc thái tôn giáo với sự nghiệp cách mạng. Tiểu thuyết Cuộc đời của Mát-vây Kô-gie-mi-a-kin (Zhizn Matveja Kozhemjakina, 1910-1911) miêu tả tâm lý xã hội và thế giới quan của tầng lớp tiểu tư sản phản động ở tỉnh nhỏ sau nửa thế kỷ 19. Năm 1913, ông xuất bản phần đầu của tác phẩm tự thuật bộ ba: Thời thơ ấu (Detstvo, 1913); Kiếm sống (V ljudjakh, 1915-1916); Các trường đại học của tôi (Moi Universitty, 1923). Trong thời gian Cách mạng tháng Mười, Lê-nin đã có ảnh hưởng cơ bản đến biến diễn tư tưởng của Gorki. Ông bắt đầu hoạt động bao quát về đường lối văn hóa. Năm 1921, theo lời khuyên của Lê-nin, ông đi dưỡng bệnh ở nước ngoài (Đức, Ý). Thời gian này, ông viết một số bút ký: Leph’ Tôn-xtôi (Lev Tolstoi, 1910); Lê-nin (Lenin, 1924). Cuốn tiểu thuyết  Sự nghiệp gia đình Ar’-ta-mô-nôph’ (Delo Artamonovykh, 1925) viết về ba thế hệ một gia đình thương nhân từ cải cách 1861 đến Cách mạng tháng Mười, đối lập với ba thế hệ của gia đình thợ dệt, qua đó vẽ ra quá trình lịch sử của chủ nghĩa tư bản Nga và quá trình trưởng thành của giai cấp công nhân. Những năm 30, ông viết một loạt kịch, trong đó có I-ê-gor’ Bu-lư-trôph‘ và những kẻ khác (Iegor Bulytchov i drugije, 1932) phản ánh đạo lý tư sản suy đồi. Cuốn tiểu thuyết sử thi Cuộc đời Klim-xam-ghin (Zhizn Klima Samgina, 1925-1936) viết từ năm 1925 đến cuối đời, phản ánh 40 năm của cuộc sống xã hội Nga trước Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trung tâm tác phẩm là cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt của thời đại, phê phán chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa suy đồi, tố cáo hệ tư tưởng tham tàn của bọn đế quốc, chủ nghĩa cá nhân tư sản - hệ tư tưởng của bọn Sam-ghin (trí thức tư sản khi thì khoác áo phi chính trị, khi thì bám lấy cách mạng khi phong trào lên cao, nhưng thực chất là phản bội cách mạng, miêu tả những cố gắng vô ích của bọn tư bản hòng vùng vẫy để cứu vãn trật tự tư sản, những nhân vật bôn-sê-vich lập thành phe cách mạng, đã chiến thắng Sam-ghin. Sau khi về nước (1928), Gorki viết bút ký Đi khắp Liên Xô (Po Sojuzu Sovjetov, 1929-1930); Truyện kể về các anh hùng (Rasskasy o gerojakh, 1930-1933), về đề tài lao động anh dũng. Gorki tổ chức và khuyến khích nền văn học Xô-viết trẻ tuổi; xuất bản nhiều loại sách và tạp chí, xây dựng các thư viện nhân dân, tuyên truyền văn hóa rộng rãi trong quần chúng: Các người đi với ai, các bậc thầy văn hóa? (S kem vy mastera kultury?) là một luận văn kêu gọi các nhà văn hóa thế giới chống phát-xít và chiến tranh. Những công trình nghiên cứu của Gorki về văn học, đặc biệt văn học thiếu nhi đến nay vẫn là mẫu mực. Rất nhiều nhà văn Âu - Mỹ cũng chịu ảnh hưởng của Gorki. Với việc sáng tạo ra phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, Gorki có một vị trí đặc biệt trên văn đàn quốc tế.

Sau đây là một số suy nghĩ của Gorki:

Mình là ai? Một con người. Thế còn kẻ kia? Cũng là một con người. Thượng đế có đánh thuế mình và y khác nhau không? Không đâu, tất cả chúng ta đều bình đẳng đối với Thượng đế. Vậy thì chúng ta phải bình đẳng trong cuộc sống.

Có thể hỏi một người nghĩ gì không? Không thể trả lời câu hỏi ấy được. Người ta cùng một lúc nghĩ đến nhiều điều, nghĩ đến tất cả những gì ở trước mắt mình, nghĩ đến cái đã nhìn thấy ngày hôm qua và năm ngoái, và tất cả đều mơ hồ, không nắm được, chuyển động và thay đổi.

Muốn học hỏi, người ta cần đọc những sách được lựa chọn, sách quỷ thuật và sách khác. Cần đọc tất cả mọi loại sách thì mới phát hiện ra những sách nào có ích.

Sự vận động của trí óc thời thơ ấu đã để lại trong tâm hồn những vết thương sâu nặng đôi khi đến mức không thể lành lại được.

Đàn bà có một sức mạnh, đến Thượng đế cũng bị đàn bà lừa, đúng thế! Chính vì những nàng Eva mà tất cả đều bị tống xuống địa ngục.

Có Thượng đế hay không? Nếu ta tin là ông ấy có thì ông ấy có. Nếu ta tin là không có thì ông ấy không có.

Có nghề nghiệp gì đẹp hơn là làm người trên trái đất.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH