Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Gogol nghĩ gì?

03-02-2018 15:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời Pháp thuộc, tôi có dịp làm quen với nhà văn hiện thực và trào phúng Nga Gogol (Gô-gôn, 1809-1852) qua bản dịch tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết Những linh hồn chết, đỉnh cao sáng tác của Gogol.

Truyện đưa ra một hình tượng khái quát nước Nga thời nông nô; miêu tả những giai cấp tư sản, khuynh hướng châm biếm của Gogol kết hợp chặt chẽ với tư tưởng chủ đạo, nhưng tập 2 bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc trong thế giới quan của Gogol. Tác giả đốt bản thảo tập 2 trước khi chết.

Nicolai Vasilevich Gogol là nhà văn cổ điển Nga. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ. Từ năm 26 tuổi, ông chuyên sáng tác văn học và trở thành nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc vào những năm 1830. Những năm 1840, do chịu ảnh hưởng giới bảo thủ, khuynh hướng tôn giáo thần bí, Gogol bị khủng hoảng trong sáng tác và mất trong tình trạng nghèo khó, cô quạnh, tâm thần điên loạn.

Nicolai Vasilevich Gogol (1809-1852)

Nicolai Vasilevich Gogol (1809-1852)

Gogol có công lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa hiện thực phê phán. Tập truyện lãng mạn Những buổi tối trong thôn gần Đi-kan-ka miêu tả thôn xóm Ukraina vui đẹp, phảng phất không khí huyền thoại và mê tín, đậm nét tính cách dân tộc, hài hước nhẹ nhàng. Trong những tác phẩm sau mở đầu giai đoạn hiện thực: Mir-gô-rôt Những tiểu phẩm, hài hước trở thành biệt tài châm biếm của Gogol. Ta-rax Bul’-ba là một truyện lịch sử về cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Ukraina chống ách chiếm đóng Ba Lan. Gogol phê phán xã hội trong những truyện về Peterburg, chế giễu sâu cay lối sống nhỏ nhen của những con người chỉ hòng “tồn tại” trong xã hội. Những truyện Đại lộ Nhép-xkiNhật ký người điên lấy đề tài “con người bé nhỏ”, một đề tài thể hiện nghệ thuật cao nhất trong truyện ngắn Chiếc áo khoác. Truyện Bức chân dung miêu tả ảnh hưởng độc hại của đồng tiền đối với nghệ thuật. Chủ nghĩa hiện thực hình thành trong sáng tác của Gogol song song với sự phát triển những quan điểm mỹ học của ông. Trong những bài phê bình sau, Gogol đề cập tới tính chất hợp pháp của văn trào phúng, về vai trò xã hội và vai trò thẩm mỹ của tiếng cười. Gogol đòi hỏi phải đưa lên sân khấu Nga “những tính cách Nga”. Vở hài kịch Quan thanh tra phê phán xã hội quý tộc Nga, tố cáo bộ máy quan liêu thối nát của Nga hoàng.

Tính chất trào phúng của Gogol dựa vào những nhân tố hài và bi gắn với nhau, nhân vật được miêu tả sắc nét, văn phong đậm màu sắc. Tshernyshevski khẳng định Gogol là người đặt nền móng cho khuynh hướng phê phán trong văn học Nga. Kịch của Gogol có ảnh hưởng lớn đến sân khấu Xô Viết. Tác phẩm của Gogol được dịch ra nhiều thứ tiếng ngay từ khi Gogol còn sống, đồng thời được dùng làm tài liệu cho nhiều tác phẩm trứ danh.

Sau đây là một số suy nghĩ của Gogol:

Kho báu mà làm chi! Chất đống bạc tiền không bằng có nhiều bạn.

Dễ lan hơn bệnh dịch hạch, sợ hãi lan truyền chỉ trong nháy mắt.

Con người khôn ngoan, thông minh, biết điều về những gì thuộc về người khác, nhưng đối với bản thân lại không thế.

Không có gì bằng sự cô đơn khi mình có thể hưởng cái thú thiên nhiên và đọc những sách hay.

Khi một người bắt đầu yêu thì người ấy y như chiếc đế giày ngâm vào nước để rồi có thể uốn nắn theo ý mình.

Phải nói là ở nước Nga, nếu so với nước ngoài, ta lạc hậu về một số mặt, thì ta hơn họ xét về nghệ thuật làm công thức.

Cái cười là một đại sự, nó không lấy mất sinh mạng và của cải của ai, nhưng kẻ bị cười y như con thỏ bị buộc chân.

Không biết tương lai ra sao. Trước mặt ta, tương lai mịt mù như đám sương mù dày đặc dâng lên từ đầm lầy.

Người cao cả, không thích giễu cợt, độ lượng với bọn ngu si, không cáu kỉnh, không bao giờ trả thù, giữ bình tĩnh tự hào với một tâm hồn bình thản.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn
Tags: