Thầy dạy triết của tôi là ông Foulon, bị coi là người “lập dị”. Ông có tư duy độc đáo, rất yêu thích văn hóa “Người bản xứ” (indigene Annamite). Khi ông lên lớp, thỉnh thoảng ông lại trích dẫn một câu trong Những món ăn trần thế (Les nourritures terrestres, 1897) của Andre Gide mà ông coi là sư phụ của ông.
Nửa sau thập kỷ 30 và mấy năm đầu thập kỷ 40, khá nhiều trí thức tiểu tư sản Hà Nội chịu ảnh hưởng Andre Gide. Diễn biến tâm lý - trí thức của họ khá phức tạp. Cơ bản không thích chế độ thực dân, có người hiểu biết đôi chút về chủ nghĩa Mác. Vào lúc này, Mặt trận bình dân thắng thế ở Pháp, tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự truyền bá tư tưởng cách mạng ở ta.
Andre Gide (1869-1951).
Nhưng nói chung, họ còn bị cuốn hút bởi văn chương lãng mạn Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới từ những năm 30. Thời Tố Tâm (1925), cá nhân trỗi dậy chủ yếu chống gia đình phong kiến, chỉ vì muốn được tự do hôn nhân. Đòi hỏi giải phóng cá nhân dần dần mở rộng và đi sâu, dẫn đến đòi hỏi tự do cá nhân về mọi mặt, mỗi người phải được tự do khẳng định mình. Có những thanh niên cảm thấy bức bối trong khung cảnh gia đình phong kiến - tiểu tư sản chật hẹp và hưởng ứng tiếng gọi của Gide: “Gia đình hỡi, ta căm ghét ngươi!”. Phải ra đi để tự tìm mình, “tự thể hiện mình” (se réaliser). Nguyễn Tuân đòi hỏi “xê dịch”, đi để mà đi, không phải đi để mà đến. “Tôi chỉ là khách bộ hành phiêu lãng...”, câu thơ Thế Lữ không phải là không có sức quyến rũ mạnh. “Tôi cho đời là một cuộc du lịch dài, thấy cảnh đẹp chỉ ngắm qua thôi chứ không thể dừng chân lại được; phải đi, đi tìm cảnh mới lạ mãi mãi” (trích lời một nhân vật trong Đoạn tuyệt, tác phẩm của Nhất Linh, 1935).
Thanh niên và cả người đứng tuổi say sưa với những lời thơ văn xuôi thiết tha và đầy nhạc tính của Gide, kêu gọi hãy “sống cho hết mình” - “Nathanael (Na-ta-na-en) con hỡi, thầy sẽ nói cho con về những sự đợi chờ. Thầy đã thấy cánh đồng mùa hạ đợi chờ, đợi chờ một chút mưa. Bụi đường khô quá nhẹ như bấc, mỗi làn gió lại tung bay. Đợi chờ, không phải chỉ là sự thèm muốn, đó là sự háo hức lo âu. Đất nứt nẻ khô cằn như để thấm nước được nhiều hơn. Hương thơm của hoa miền truông ngát đến khó thở. Vạn vật đều say nắng. Mỗi buổi chiều, bọn ta ngồi nghỉ ở sân thượng, được che bớt cái nắng gay gắt. Đó là thời điểm mà những cây thông, nặng trĩu phấn hoa, rung cành để vãi ra xa mầm mống thụ thai. Giông kéo đầy trời, tất cả thiên nhiên đợi chờ. Phút giây này uy nghi đến ngột ngạt, vì chim chóc đều im tiếng. Từ mặt đất dâng lên một hơi thở hừng hực đến ngất ngây, phấn thông tỏa ra từ cành như khói vàng. Và rồi trời mưa”. “(...) Nathanael con hỡi, chớ để cho mọi sự đợi chờ trong con là thèm muốn, mà chỉ là một tâm trạng sẵn sàng tiếp nhận. Hãy đợi chờ tất cả những gì sẽ đến với con. Chỉ thèm muốn cái con có” - “Nathanael, thầy dạy con sự nhiệt tình... một cuộc sống thống thiết, Nathanael ạ, chứ không phải sự thanh bình... Nathanael hỡi, con phải đốt trong con tất cả sách vở...”.
Trên đây là một số câu trích trong tập Những món ăn trần thế.
Tác phẩm thơ trữ tình văn xuôi này được coi là cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ thanh niên trí thức tư sản Pháp trong gần nửa thế kỷ, mãi cho đến trước Chiến tranh Thế giới II. Xuất phát từ ý muốn tự giải phóng khỏi xiềng xích xã hội, luân lý và cấm đoán nghiệt ngã về tình dục của tôn giáo, gia đình, Gide đòi hỏi tự do cá nhân tuyệt đối để phát triển toàn vẹn tính cách, tận hưởng thú vui trần thế, trong khi tự lột tất cả những cái đã có. Gide bị chớm ho lao; đi Bắc Phi về tuy khỏi bệnh, nhưng ngán sách vở, ông ca ngợi thể xác, bản năng. Ông trình bày ý kiến của mình qua lời của tôn sư Menalque (Mê-nan-cơ) nói với đồ đệ là Nathanael. Thầy phát hiện cho trò biết thế nào là cuộc sống thực qua những thể nghiệm với trần thế và những thú vui của nó. Ông ca ngợi sự đam mê thèm muốn, sự đợi chờ ngây ngất, cái hấp dẫn của xê dịch, cái đẹp của hoa, vị ngon của quả. Ông ghi lại những phát hiện của mình ở châu Phi. Tôn sư khuyên đồ đệ nên lên đường mà khám phá thế giới và bản thân mình, tự lấy mình làm chuẩn, cuối cùng hãy quên cả lời thầy dạy: “Nathanael hỡi, giờ thì con hãy vứt sách của thầy đi!” Câu này ứng với câu mở đầu sách: “Cuốn sách này dạy cho con chú ý đến con hơn là đến nó, rồi chú ý đến tất cả những cái khác hơn là bản thân con”.
Andre Gide, Giải thưởng Nobel năm 1947, đến nay không còn được sùng bái như trước. Ông đã từng là một văn hào “bậc thầy” ở Pháp giữa những năm 1920 và 1935, có ảnh hưởng lớn đến thanh niên trí thức và văn học Pháp. Ông đả phá các giá trị công thức, luân lý gia đình, chủ nghĩa thực dân, Tổ quốc, tư pháp, sách vở; ông đòi quyền tình dục đồng giới (homosexualité), đề cao bản năng. Mặt khác, vẫn bị ám ảnh bởi đức xả kỷ tôn giáo, ông xuất thân từ một gia đình rất mộ đạo, ông có những thái độ và băn khoăn khắc khoải thể hiện trong tính cách và sáng tác đầy mâu thuẫn. Ông đề cao hành động vô cớ (acte gratuit), sống một cách hiểm nghèo (vivre dangereusement) chỉ cốt khẳng định tự do tuyệt đối, nhưng cũng lại đề cao hy sinh cá nhân và bản thân, sự trung thực này có thể phút sau ngược với phút trước (sincerites successives). Những tác phẩm của ông đều là tự truyện dưới nhiều hình thức: Những món ăn trần thế (1897); Kẻ vô luân (L’Immoraliste, 1902), tiểu thuyết; Phải qua cửa hẹp (La porte etroite, 1909); Những chiếc hầm ở Va-ti-căng (Les Caves du Vatican, 1914), tiểu thuyết; Bản giao hưởng đồng quê (La Symphonie pastorale, 1919), tiểu thuyết; Những người làm bạc giả (Les faux-monnayeurs, 1925), tiểu thuyết; Từ Liên Xô về (Retour de l’URSS, 1936), luận văn; Nhật ký (Journal, 1939-1949); Tê-dê (Thesee, 1946), luận văn đánh giá cuộc đời và sự nghiệp, bản thân trở lại thanh thản.
Sau đây là một số tư duy của Gide:
- Nghệ thuật bắt đầu bằng sự cưỡng lại; bằng sự cưỡng lại bị khuất phục. Không có một tác phẩm của con người nào hoàn thành được mà không qua kiên nhẫn lao động.
- Ánh sáng tràn trề, huy hoàng. Mùa hè ngự trị và buộc mọi tâm hồn phải có hạnh phúc.
- Thế giới chỉ cứu vớt được - nếu có thể - bởi những người không chịu khuất phục. Không có họ, thì sẽ mất hẳn nền văn minh của chúng ta, văn hóa của chúng ta, cái mà chúng ta đã yêu thích, cái đã khiến cho sự hiện diện của chúng ta trên trái đất có một ý nghĩa thầm kín. Những người không chịu khuất phục ấy là “muối của mặt đất” và những người chịu trách nhiệm với Thượng đế.
- Tôi tin vào tính hiệu quả của thiểu số; thế giới sẽ được cứu vớt bởi một số người không nhiều.
- Theo sườn dốc của mình là tốt, miễn là theo hướng đi lên.
- Hỡi đồ đệ, cái quan trọng là cái nhìn của con chứ không phải là cái con nhìn.
- Những người đã sống mà không dứt bỏ hoài bão quả là những tâm hồn mạnh mẽ hoặc mù quáng… hoặc thực ra không mong ước cao xa.