Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Giấc mộng đầu xuân

10-02-2016 14:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bên ngoài tối như mực, mưa phùn gió bấc. Đối với người già như tôi, còn gì thú vị hơn là nằm trong chăn ấm, dưới ánh sáng êm dịu của ngọn đèn giường, “nhấm nháp” một quyển sách hay. Ấy thế rồi mắt lim dim, đi vào cõi mơ lúc nào không biết.

Cuối đêm Ba mươi Tết

Bên ngoài tối như mực, mưa phùn gió bấc. Đối với người già như tôi, còn gì thú vị hơn là nằm trong chăn ấm, dưới ánh sáng êm dịu của ngọn đèn giường, “nhấm nháp” một quyển sách hay. Ấy thế rồi mắt lim dim, đi vào cõi mơ lúc nào không biết.

Mơ thấy có tiếng gõ cửa. Mở cửa ra thì thấy khách là một trưởng lão cao lớn, một người nước ngoài da trắng, áo thụng. Tôi trông mặt ngờ ngợ đã nhìn thấy ở đâu, chưa kịp chào hỏi thì cụ mỉm cười lên tiếng: “Ngươi chưa gặp ta bao giờ đâu. Ta ở miền Địa Trung Hải, ta đã rời bỏ trần thế nhà ngươi cách đây mấy nghìn năm. Đêm nay ta đi du hành châu Á vào dịp cuối năm, thấy nhà ngươi có ánh đèn, nên ta tạt vào và xông đất theo tục lệ đất Việt”.

Aristote

Tôi cảm ơn cụ, mời cụ vào nhà và pha trà ướp sen Hồ Tây mời cụ rồi tiếp chuyện cụ. Không ngờ cụ thông thái tuyệt vời, chuyện trên trời dưới đất cái gì cũng biết. Câu chuyện trao đổi kéo dài, tôi đang say mê nghe cụ nói thì bỗng có tiếng gà gáy sáng. Vị trưởng lão vụt biến mất, tôi cũng tỉnh giấc, cứ tiếc mãi sao không hỏi tên cụ, chỉ biết cụ là người Hy Lạp. Tiếc nhất là không nhớ lại được hết những nhận xét sâu sắc của cụ về thế giới quan, nhân sinh quan, nhân tình thế thái. Cách nói lại ngắn gọn, chính xác, hiện đại, cứ như ở thế kỷ 21, nói về châu Âu mà cứ như nói về người Việt ta.

Mấy hôm liền, tôi cứ băn khoăn mãi không biết mình đã nhìn thấy gương mặt trưởng lão ở đâu. Sau chợt nhớ ra là mấy tháng trước, nhân tìm tài liệu về nền văn minh cổ đại, mình đã nhìn thấy nhiều gương mặt danh nhân cổ Hy Lạp, có thể trong số đó có cụ ấy. Tôi liền đạp xe đến thư viện mượn lại sách về cổ Hy Lạp thì quả là có cụ: tên cụ là Aristoteles (phiên âm tiếng Pháp là Aristote), sống vào thế kỷ 4 trước Công nguyên. Tôi lục tìm thêm tài liệu về Aristoteles và tìm ra được một số câu như sau:

Kẻ hà tiện vơ vét lia lịa tưởng như sống được mãi, còn kẻ hoang phí thì vung vãi tiền tưởng như chết đến nơi rồi.

Không có thiên tài nào mà không có chút điên rồ.

Kẻ ngu dốt chuyên khẳng định, người thông thái thì luôn nghi ngờ, nhà minh triết thì suy nghĩ.

Tất cả các khoa học đều bắt đầu bằng sự ngạc nhiên khi nhận thấy tại sao mỗi sự vật lại là chính nó.

Chất lượng khi thể hiện bằng lời nói là trong sáng mà không nhàm chán.

Bàn tay là công cụ của các công cụ.

Một người làm bạn với tất cả mọi người thì không thể là một người bạn.

Thiên nhiên không tạo ra thứ gì mà không có mục đích.

Sự giàu có thể hiện ở chỗ người ta biết sử dụng của cải hơn là người ta được sở hữu nó.

Không có gì trong trí tuệ mà không phải thông qua giác quan.

Muốn chứng minh những sự việc bản thân nó đã rõ ràng thì có nghĩa là cầm đèn chiếu sáng ban ngày.

Thi ca có ý nghĩa triết học hơn và quan trọng hơn lịch sử.

Triết gia là người có được tất cả tri thức có thể có được.

Một con én không thể làm nên mùa xuân, chỉ có một hành động mang tính luân lý thì chưa có thể kết luận là đạo đức hoàn hảo.

Người nào không thể sống cùng xã hội hoặc không cần thứ gì cả, vì người ấy tự thỏa mãn với bản thân thì không thể là công dân của Nhà nước; người ấy là một kẻ thô bạo hoặc là một vị thần linh.

Cái thiện không đủ đảm bảo cho hạnh phúc, nhưng cái ác thì đủ gây ra bất hạnh.

Hiểu biết có nghĩa là biết nhớ lại.

Hy vọng là giấc mộng của một người đang thức tỉnh.

Can đảm là đức tính cao nhất của con người vì nó đảm bảo cho tất cả các đức tính khác.

Người ta có thể lấy nam tính làm tính cách của một nhân vật, nhưng đàn bà không nên có nam tính hoặc quá thông minh.

Khoa học là biết đi từ sự ngạc nhiên này sang sự ngạc nhiên khác.

Để nghiên cứu sự vật không chỉ có một phương pháp.

Lòng biết ơn lão hóa nhanh lắm!

Con người sinh ra là một con vật chính trị.

Ai yêu quá nhiều thì cũng căm ghét quá nhiều (giống như tục ngữ Việt Nam: Yêu nhau lắm, cắn nhau đau).

Do bản chất tự nhiên mà đa số người này chỉ thích chỉ huy, đa số người khác lại chỉ biết vâng lệnh.

Tình bạn là một tâm hồn trong hai thân thể.

Không có một tai ương nào ghê gớm hơn là khi sự bất công có vũ khí trong tay.

Người nào dứt tình bạn với mình thì thật ra người ấy chưa hề thật là bạn mình.

Đọc những câu trên mà giật mình, viết về người Hy Lạp cách đây 24 thế kỷ mà cứ như viết về người Việt Nam hôm nay.

Aristoteles là nhà triết học cổ Hy Lạp bậc thầy, là một khối óc bách khoa, hệ thống hóa tất cả triết học và các môn học của thời đại mình. Ông rất gần triết học duy vật hiện đại, còn thầy ông là Platon thì đại diện cho triết học duy tâm. Ông sáng tạo ra môn logic học (đẻ ra chủ nghĩa kinh viện của thời Trung cổ, lại có ảnh hưởng đến triết học phương Tây cho đến nay).

Tác phẩm Thi pháp của ông vạch rõ thể loại bi kịch Hy Lạp - Ông sáng lập ra phương pháp giáo dục Tiêu Dao: sư phụ và đồ đệ vừa dạo chơi vừa giảng bài vừa đàm đạo.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn