Hà Nội

Cảo thơm lần giở - Gandhi nghĩ gì

29-11-2014 01:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thuở nhỏ, học Trường Bưởi vào những năm 1930, chúng tôi đã nghe danh Thánh Cam địa

Thuở nhỏ, học Trường Bưởi vào những năm 1930, chúng tôi đã nghe danh Thánh Cam địa (phiên âm Hán Việt của từ Gandhi - người kiên cường lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đấu tranh chống thực dân Anh vì độc lập dân tộc).

Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam chống Pháp, nhà báo Pháp Jean Roux nhận định là Hồ Chí Minh trở thành một Gandhi, hiện thân của minh triết châu Á. Quả là hai vị có nhiều điểm tương đồng về cuộc sống, cả hai đều sống giản dị, thanh cao, coi thường tiện nghi vật chất, dửng dưng với công danh phú quý; Gandhi se chỉ, dệt vải, kêu gọi dân chúng dùng hàng nội hóa. Cụ Hồ ở nhà sàn, quần áo vài bộ, làm Chủ tịch nước mà chỉ ước mơ xong việc được về nghỉ ở nông thôn, chơi với trẻ em và vui thú điền viên.

Đến năm 1936, do ảnh hưởng Mặt trận bình dân ở Pháp, sách báo Pháp tiến bộ lọt vào Việt Nam. Do đó, tôi mới được đọc cuốn sách viết về Gandhi của nhà văn Romain Roland (giải Nobel) và mới hiểu tại sao sách lược bất bạo động của Gandhi không cần một viên đạn, một con dao mà đã làm điên đảo bộ máy thống trị và quân đội Anh, gây ý thức và đoàn kết dân tộc đấu tranh dẫn đến độc lập của Ấn Độ vào năm 1947 với thủ tướng Nehru.

Gandhi (1869-1948) là nhà triết học, chính khách và nhà văn Ấn Độ, viết tiến Gujarati, được suy tôn là Mahatma (Tâm hồn vĩ đại). Xuất thân từ một gia đình khá giả, ông học luật ở trong nước trước khi du học ở Anh. Ông làm luật sư ở Ấn Độ và Nam Phi (bênh vực những người Ấn kiều là nạn nhân chính sách phân biệt chủng tộc). Sau khi trở về Ấn Độ, ông đề xướng ra một phong trào mạnh mẽ chống thực dân Anh: Kêu gọi nhân dân bất hợp tác, không đóng thuế, không đi lính cho Anh, tẩy chay hàng hóa Anh, tự dệt lấy vải mà mặc. Ông chủ trương thuyết Ahimsa (bất bạo động tích cực), đòi hỏi bình đẳng giữa con người, đòi quyền cho “tiện dân”, lớp người hèn kém nhất xã hội Ấn Độ. Ông có ảnh hưởng lớn đến Đảng Quốc đại. Ông bị giam nhiều lần, lần cuối trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai từ 1942 - 1944. Ông tham gia cuộc đàm phán dẫn tới độc lập của Ấn Độ (1947). Ông bị một nhà báo Ấn Độ giáo phái Bà-la-môn cuồng tín ám sát năm 1948. Ông viết rất giản dị, văn trong sáng, phù hợp với mục đích phổ biến chính kiến một cách rộng rãi. Tác phẩm: Xa-ti-a-na pray-ô-gô.

Theo tinh thần Gandhi, hiện ở Ấn Độ có cuộc cách mạng nông nghiệp hữu cơ (không dùng phân bón hóa học có hại mà giá quá cao), đem lại cho nông dân đời sống khá hơn.

Sau đây là một số câu nói và viết của Gandhi:

• Các tôn giáo là những con đường khác nhau cùng hướng về một điểm. Việc chúng ta chọn những hành trình khác nhau là điều không quan trọng, miễn là chúng ta cùng tới một đích.

• Một cuộc đời hy sinh là đỉnh tối cao của nghệ thuật.

• Quy tắc vàng của ứng xử là sự khoan dung lẫn nhau, vì chúng ta đều không nghĩ giống nhau, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ thấy một phần của sự thật dưới những góc độ khác nhau.

• Nếu chúng ta nuôi dưỡng trong lòng cái tai ác và hằn thù mà lại làm như không có ý muốn trả thù thì sự trả thù quật lại ta và sẽ hủy hoại bản thân ta.

• Gọi phụ nữ là “phái yếu” là một sự bôi nhọ, sự bất công của nam đối với nữ. Nếu hiểu sức mạnh là sức mạnh thân thể thì quả là nữ không tàn bạo bằng nam. Nếu nói đến sức mạnh tinh thần thì nữ vượt nam rất nhiều. Nếu bất bạo động là quy luật của nhân loại thì tương lai thuộc về phụ nữ. Ai có thể kêu gọi tấm lòng của con người có hiệu quả hơn là phụ nữ.

• Lấy hận thù chống hận thù thì chỉ khiến hận thù lan rộng ra và sâu hơn.

• Máy móc đã chinh phục con người, người thành cái máy, người hành động như máy chạy, không còn sống nữa.

• Bất bạo động là sức mạnh lớn nhất của nhân loại. Nó mạnh hơn vũ khí hủy diệt mạnh nhất do trí tuệ con người tạo ra.

• Người nào đạt tới tâm khảm tôn giáo của mình thì cũng đạt tới tâm khảm của mọi tôn giáo.

• Người lãnh đạo phải biết tự cống hiến trong mọi lĩnh vực, tuyệt đối trung thực, không biết giận dữ và sợ hãi.

• Rất có thể tôi là người theo đạo Kitô nếu những người Kitô giáo theo đúng tinh thần đạo Kitô mỗi ngày hai mươi bốn giờ.

• Người dân chủ chân chính là người nhờ những phương tiện hoàn toàn bất bạo động mà bảo vệ được sự tự do của bản thân, rồi đến tự do của đất nước mình và cuối cùng của cả nhân loại.

• Tôi không chắc cách bắt đầu dạy trẻ bằng lời nói là cách tốt nhất. Phải bắt đầu bằng cách phát triển hai bàn tay, đầu óc. Hai bàn tay chúng hình như bị cắt cụt. Còn tâm hồn thì hầu như hoàn toàn bị bỏ rơi. Những cha mẹ khôn ngoan cứ để cho con mình lầm lẫn. Lâu chúng hơi bị bỏng ở ngón tay, đó là điều hay.

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn