Cảo thơm lần giở: Franklin nghĩ gì?

27-08-2017 15:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi còn nhớ ngày xưa đi học Trường tiểu học Pháp -Việt, có học trong sách giáo khoa câu chuyện Cái còi về triết lý cuộc đời của Benjamin Franklin.

Có lẽ đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi tiếp xúc với văn hóa Mỹ mà không biết.

B. Franklin (Fran-klin, 1706-1790), chính khách, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà sáng chế, chuyên gia in, nhà khoa học, thường được coi là “người Mỹ sáng suốt nhất”. “Từ nghèo túng vươn lên giàu có, từ tối tăm vươn lên vinh quang, ông dễ dàng trải qua tất cả các tầng lớp xã hội. Ông sống thoải mái với người giàu cũng như với người nghèo, với người trí thức cũng như với người dốt nát. Ông nói một cách thoải mái ngôn ngữ của những người dân cũng như của vua chúa, của các phụ nữ thông thái cũng như của mấy bà nội trợ” (Becker).

Franklin có để lại một cuốn Tự truyện được dịch sang nhiều thứ tiếng. Cuốn sách đã trở thành cổ điển trong nhiều thể loại tự truyện; qua đó, người ta biết rõ nhiều chi tiết trong cuộc đời ông. Có thể tổ tiên bên nội của ông gốc Pháp vì chữ “Franklin” có nghĩa là “Người nông dân làm rẽ”. Bố ông thuộc lớp người Anh đầu tiên sang sống ở thuộc địa Anh trên đất Mỹ, sống bằng nghề làm nến và làm xà phòng. Bố ông có cả thảy 17 con, Benjamin là con thứ 15. Gia đình khó khăn, chú bé chỉ được đi học ở trường có 2 năm rồi phải đi học việc ở nhà in của anh. Chú rất thích đọc sách, tự học mà biết ngữ pháp và làm tính. Bữa ăn, chú nhịn thịt để có tiền mua sách đọc. Chú sớm thích viết, bắt chước kiểu viết bài báo ở bên Anh. Năm chú 15 tuổi, anh chú mở một tờ báo, chú cũng tham gia viết bài. Năm 17 tuổi, Franklin bị anh đối đãi không tốt. Chú trốn khỏi thành phố quê hương Boston. Chú lang thang mãi, sau tìm được việc ở Philadelphia; có người giới thiệu. Franklin sang London năm 19 tuổi và làm nghề in, đồng thời viết lách. Ông trở về Mỹ hoạt động và năm 24 tuổi có nhà in riêng, một tờ báo riêng, trở nên giàu có nhờ hàng năm xuất bản Lịch Almanac của chú Richard. Chẳng bao lâu, ông trở thành một nhân vật kiệt xuất cả ở châu Âu, một trong những người lập ra nước Hoa Kỳ. Ông tổ chức ra Hội Triết học Mỹ, một học viện sẽ trở thành Trường đại học Tổng hợp bang Pennsylvania. Ông giao việc quản lý nhà in cho người khác, say mê nghiên cứu khoa học. Năm 46 tuổi, ông dùng một chiếc diều để chứng minh sét là điện. Từ đó ông sáng chế ra cột thu lôi. Ông còn chế tạo ra một kiểu lò và một loại đồng hồ mới. Các trường đại học ở Mỹ và châu Âu thi nhau tặng những học vị cao nhất cho một người xuất thân chưa biết làm tính và dốt ngữ pháp.B. Franklin ( 1706-1790).

B. Franklin ( 1706-1790).

Năm 57 tuổi, Franklin được cử sang Anh làm đặc phái viên của các thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ. Ông có dịp giao thiệp rộng với giới văn nghệ và trí thức ở đó. Bảy năm sau, ông về Mỹ. Cuộc xung đột giữa các thuộc địa Anh ở Mỹ và chính quốc Anh đã vào thời điểm gay go. Quốc hội đầu tiên của các thuộc địa cũ của Anh đưa ra bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776; tài liệu lịch sử này do Franklin (sẽ là Tổng thống thứ ba) soạn thảo và do chính Franklin sửa và thêm bớt. Franklin sang Pháp thương thuyết với vua Louis XVI và được sự giúp đỡ của Pháp để chống lại Anh. Năm 79 tuổi, ông vẫn hoạt động chính trị và tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Trước khi rút lui, ông còn gửi cho Quốc hội một bản kiến nghị đòi bỏ ngay việc buôn bán nô lệ.

Franklin về nghỉ năm 83 tuổi (1790), vẫn to khỏe vì tập thể dục đều. Ông là người cương nghị, duy lý, thực dụng, không ủy mị như những người thuộc một trào lưu đương thời. Ông tỏ ra có tư tưởng đôi chút hoài nghi, nhưng có lý tưởng. Ông tin vào tiến bộ, nhưng phải là một thứ tiến bộ làm cho đa số được cải thiện cuộc sống. Ở Mỹ, rồi ở Anh 16 năm, Pháp 9 năm, Franklin là mầm mống một điển hình người quốc tế hiện đại, ông cũng đóng góp tạo ra kiểu người Mỹ đương hình thành.

Truyện ngụ ngôn, truyện kể, Lịch Almanac của chú Richard (Poor Richard’s Almanac) ra hàng năm trong 25 năm liên tục, chứng tỏ tính quần chúng của Franklin. Sách niên lịch bán chạy ở Mỹ và cả ở các phố Paris (4 xu một cuốn). Tác giả giới thiệu “chú Richard” tiêu biểu cho người lao động nghèo ở New York. Niên lịch được hàng nghìn người Mỹ thuộc đủ các tầng lớp xã hội ưa thích vì ông đưa ra rất nhiều phương ngôn, tục ngữ và cả châm ngôn của mình. Ông chủ trương một đạo lý bình thường, không thiên về tôn giáo khắt khe, những đức tính bình thường: tiết kiệm, sống giản dị. Ông không dùng đao to búa lớn dạy đạo đức mà kể chuyện nhỏ nhẻ.

Thí dụ, bàn về Cách làm giàu (The Way to Wealth), ông kể chuyện xảy ra ở một nơi bán đấu giá. Có nhiều người than phiền Chính phủ đánh thuế cao quá. Cần thuyết phục dân là thuế có ích cho tất cả công dân, là mức thuế cũng chưa cao và không tai hại bằng lãng phí; ông già Abraham nói về tiết kiệm làm giàu: “Chúng ta còn phải đóng thuế cao gấp đôi do sự lười biếng của chúng ta, cao gấp ba do tính kiêu căng của chúng ta, cao gấp bốn do sự ngông cuồng của chúng ta... Bạn có yêu cuộc sống không? Nếu không thì chớ có lãng phí thời gian. Vì như chú Richard đã bảo, thời giờ là cốt lõi cuộc đời bạn ạ. Chúng ta ngủ mất nhiều thời gian hơn là cần thiết, chúng ta quên mất là con cáo mà ngủ quên đi thì không bắt được gà; như chú Richard nói, khi nào nằm trong mộ thì tha hồ mà ngủ. Nếu thời giờ, như chú Richard nói, là của cải quý nhất, mất thời giờ cũng là lãng phí lớn nhất, vì cũng như chú ấy bảo, thời giờ mất đi làm sao mà tìm lại được; khi ta nói: “Có đủ thời giờ”, bao giờ cũng là thiếu đấy... Kẻ nào dậy muộn, loăng quăng suốt ngày, vừa bắt tay vào việc thì trời đã tối... Đi ngủ sớm khiến người ta mạnh khỏe, giàu có, khôn ngoan, chú Richard bảo vậy”.

Sau đây là một số suy nghĩ của Franklin:

Chưa từng bao giờ có một cuộc chiến tranh tốt đẹp hay một kết thúc hòa bình xấu.

Những con tàu lớn có thể ra biển khơi, còn những con thuyền nhỏ tốt hơn là chỉ đi gần bờ.

Những nguyên nhân nhỏ đôi khi gây ra họa lớn: chỉ cần mất một cái đinh thì làm mất hẳn cái móng ngựa, do đó hại đến con ngựa rồi đến kỵ sĩ.

Thượng đế phù hộ cho những ai tự giúp mình.

Hãy luôn luôn kính nể vợ mình trong ứng xử, có như thế thì mình mới được đối xử tương tự, không những bởi vợ mình mà còn bởi tất cả mọi người.

Nhàn rỗi cũng như gỉ sắt phá hoại hơn là lao động làm cho hao mòn. Chìa khóa dùng luôn thì lúc nào cũng bóng nhẵn.

Chớ ném đá sang nhà hàng xóm nếu nhà mình có cửa sổ kính.

Người giàu không phải là người có nhiều tiền mà là người biết sử dụng tiền.

Trái tim của kẻ rồ dại là ở trong mồm, còn mồm của người khôn ngoan lại ở trong trái tim.

Không ai thuyết giảng hay bằng con kiến, nhưng nó lại không nói.

Đàn bà, rượu, cờ bạc và lừa đảo khiến cho của cải ít đi và nhu cầu nhiều lên.

Khi chó sói ăn thịt chó sói thì đói to.

Hỏi ý kiến khi uống rượu, nhưng quyết định khi uống nước.

Thử vàng phải dùng lửa; thử đàn bà phải dùng vàng; thử đàn ông phải dùng đàn bà.

Người nghèo thì có ít, kẻ ăn mày thì không có gì, người giàu có quá nhiều mà không ai cho là có đủ.

Quan hệ mà thiếu tình bạn, tình bạn mà thiếu quyền hành, quyền hành mà thiếu quyết đoán, quyết đoán mà thiếu hành động, hành động mà thiếu lợi, có lợi mà thiếu đạo đức, tất cả như vậy không đáng nửa xu.

Càng yêu càng quất cho đau.

Nhà không có đàn bà và bếp lửa tựa như thân thể không có linh hồn và trí tuệ.

Ba người có thể giữ một bí mật nếu hai người trong số họ chết đi.

Những người muốn bỏ đôi chút tự do của mình để dành được đôi chút an toàn không xứng đáng được hưởng cả hai thứ đó, và sẽ mất cả hai.

Người độc thân không có giá trị đạt được trong hôn nhân. Anh ta giống như một lưỡi kéo lìa đôi.

Những luật quá nhẹ thì không ai theo, luật quá nặng thì không thi hành được.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn