Là triết gia, nhà thơ và nhà văn, ông đứng vào hàng những người xây dựng nền văn học thực sự Mỹ. Thơ của ông không xuất sắc bằng văn xuôi. Trước tác của ông nhấn mạnh một điểm: nền văn minh Mỹ mà thiếu cuộc sống lý tưởng thì sẽ thất bại. Theo ông, “nền dân chủ ngày nay hoàn toàn xa lạ với nguyên lý dân chủ. Tiêm nhiễm tinh thần con buôn đến tận xương tủy, nó tất yếu phải chết”.
Ralph Waldo Emerson (1803-1882).
Emerson là con một mục sư ở Boston. Bố chết năm ông lên 8 tuổi, để lại 5 con trai cho mẹ và dì nuôi rất chật vật. Ông học thần học, trở thành mục sư; sau khi người vợ đầu tiên mất, ông xin thôi vì ông không tin vào nghi lễ thánh thể bữa ăn tối của Chúa. Ông hoang mang, sang Anh nhiều lần và tìm được tình bạn vững chắc ở Carlyle, triết gia và sử gia Anh đề cao nghị lực, thiên tài và anh hùng trong lịch sử, chống chủ nghĩa vị lợi. Ông cũng làm quen với các nhà thơ lãng mạn Anh Coleridge và Wordsworth. Về Mỹ, ông lập ra nhóm câu lạc bộ Siêu việt luận ở Boston, nhóm này chịu ảnh hưởng của triết gia cổ Hy Lạp Platon, triết gia Anh Carlyle, triết gia Pháp Rousseau, triết gia Thụy Điển Swedenborg và tiếp thụ tinh thần Thanh giáo của miền New England Mỹ. Emerson gần với thuyết trực giác (chủ trương chiêm ngưỡng qua trực giác và xuất thần để thâm nhập vào bản chất sự vật): “Thiên nhiên là biểu tượng của tinh thần. Thế giới là tinh thần ngưng kết lại”; Thượng đế, siêu linh hồn, là nguyên tắc tổng hợp tối cao của tồn tại. Phiếm thần luận của ông rất gần Wordsworth. Nhiều người theo siêu việt luận chống chế độ nô lệ. Lý tưởng xã hội của ông là tạo ra một cộng đồng đảm bảo phúc lợi và bình đẳng cho mọi người trên cơ sở lao động và phân phối công bằng sở hữu tư nhân. George Ripley và một số nam nữ đồ đệ của Emerson lập ra một cộng đồng lao động chân tay, đồng thời hoạt động trí óc, lấy tên là Brook Farm Institute (1841-1847).
Hoa Kỳ thoát thai từ một thuộc địa Anh, ra Tuyên ngôn độc lập năm 1776. 61 năm sau, năm 1837, tại Trường đại học Harvard, Emerson đã phát biểu một bài nổi tiếng là “Học giả Mỹ” (The American Scholar), kêu gọi người trí thức Mỹ phải có đầu óc độc lập với văn học châu Âu và Anh. Trong bản Tuyên ngôn độc lập về trí thức ấy, ông nêu lên: “Sự học hỏi kéo dài các nước khác đã chấm dứt. Hàng triệu người quanh ta đang ào ào bước vào cuộc sống, không thể mãi mãi cung cấp cho họ những đề tài cũ của những mùa gặt nước ngoài”. Ông cho là người trí thức Mỹ phải suy nghĩ độc lập, tự trang bị cho mình kiến thức, không những bằng nghiên cứu sách vở mà còn bằng nghiên cứu cuộc sống: “Cuộc sống là cuốn từ điển của chúng ta. Biết bao năm tháng đã được sử dụng tốt trong công việc đồng áng, ở thành thị, trong việc đi sâu công nghiệp, trong quan hệ thẳng thắn giữa nam nữ, trong khoa học, trong nghệ thuật, với mục đích là tìm ra trong tất cả những sự việc ấy một ngôn ngữ để minh họa và thể hiện cảm xúc của chúng ta”.
Trong tập Luận văn thứ hai (Essays, 1844). Ông kêu gọi nhà thơ Mỹ hãy sử dụng “chất liệu vô cùng quý giá” ở ngay trên đất Mỹ: “chính sách của chúng ta, những nơi đánh cá của chúng ta, những người da đen, da đỏ của chúng ta... Dưới con mắt chúng ta, nước Mỹ là một bài thơ, địa lý bao la của nó làm choáng trí tưởng tượng của chúng ta, không cần đợi lâu mới ra thơ”.
Nhà thơ Whitman, một đồ đệ trung thành của Emerson, sẽ đáp lời kêu gọi của sư phụ.
Sau đây là một số suy nghĩ của Emerson:
- Hạnh phúc là một thứ nước hoa mà khi vẩy lên người khác thì không thể không có một vài giọt rơi vào mình.
- Có những đầu óc không thể chấp nhận sự hoài nghi.
- Nếu không có hứng khởi thì không thể thực hiện được cái gì vĩ đại.
- Tôi xin đề ra 3 quy tắc thực tế:
1. Không bao giờ đọc một cuốn sách xuất bản chưa được một năm.
2. Chỉ đọc những cuốn sách nổi tiếng.
3. Chỉ đọc những sách mình thích.
- Giữa London và Paris có sự khác nhau này: Paris được làm cho người nước ngoài, còn London thì để riêng cho người Anh. Nước Anh đã xây dựng London để cho mình sử dụng, còn nước Pháp xây dựng Paris cho cả thế giới.
- Lịch sử cho đến ngày nay đầy rẫy sự ngu si của các vua chúa và những người cai trị. Họ là một tầng lớp người đáng thương và họ không biết họ phải làm gì.
- Shakespeare là người duy nhất viết tiểu sử của chính Shakespeare.