Thế kỷ XX đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong lịch sử nhân loại vì như Tổng thống Mỹ Kennedy đã nhận định trong bài diễn văn nhậm chức: “Thế giới ngày nay đã khác hẳn trước đây: Với những phát hiện khoa học, con người có thể làm bớt đau khổ về thể xác và tinh thần nhưng cũng có thể hủy diệt loài người.” Những thành quả của tư duy, khoa học - kỹ thuật đã đảo ngược nhiều vấn đề cơ bản trong mọi lĩnh vực. Trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong quá trình này phải kể đến hai vị: Einstein với Thuyết tương đối, đã khiến người ta phải xét lại thế giới quan cũ của Newton (không kể bom nguyên tử là con đẻ của Thuyết tương đối, điều mà Einstein đã cảnh báo, ngăn chặn mà không được); - Freud, cha đẻ của Phân tâm học, - những phát minh của ông về vô thức đã lật ngược nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực: triết học, tâm lý học, y học, văn học, kể cả luân lý. Einstein (Ain-stain, ghi âm Pháp là Anh-stain), 1879-1955, là nhà vật lý học Đức (gốc Do Thái), nhập quốc tịch Mỹ (1940), sau khi sang Mỹ (1933) để tránh sự đàn áp của quốc xã Đức. Ông được giải thưởng Nobel về Vật lý học (1921). Ông phát minh ra Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử về ánh sáng, do đó ông có ảnh hưởng lớn đến khoa học nói chung, triết học, và cả văn học hiện đại. Trong các vấn đề chính trị xã hội, lập trường của ông tiến bộ. Khi thấy nguy cơ phát minh của mình bị sử dụng vào mục đích chiến tranh (làm quả bom nguyên tử đầu tiên), ông đã lên tiếng đòi sử dụng nguyên tử vào mục đích hòa bình. Ông chống chủ nghĩa sô-vanh và chủ nghĩa quân phiệt.
Dĩ nhiên, Thuyết tương đối (Pháp: theorie de la relativite, Anh: theory of relativity) thuộc phạm trù khoa học, không phải là chủ nghĩa tương đối (Pháp: relativisme, Anh: relativism) thuộc phạm trù triết học.
Sau đây là một số tư duy của Einstein:
Tôi tin vào Thượng đế (theo quan niệm của SPINOZA) vì Thượng đế đã bộc lộ trong trật tự hài hòa của cái gì tồn tại. Tôi không tin vào một vị thần minh bận tâm đến số phận và hành động của con người.
Ngẫu nhiên, đó là Thượng đế vi hành.
Trước hết, hãy định nghĩa cho tôi anh hiểu Thượng đế là thế nào, rồi tôi sẽ bảo cho anh biết là tôi có tin hay không.
Óc tưởng tượng quan trọng hơn là tri thức. Tri thức thì bị hạn chế, trong khi óc tưởng tượng bao trùm cả thế giới, thúc đẩy sự tiến bộ.
Con người và sự an ninh của con người phải là mối quan tâm ưu tiên của bất cứ công nghệ nào.
Chỉ có hai thứ vô tận: đó là vũ trụ và sự ngu xuẩn của loài người. Nhưng đối với vũ trụ thì tôi không tin tuyệt đối.
Phá một định kiến còn khó hơn là phá một nguyên tử.
Tôi vô cùng căm ghét kiểu anh hùng dựa vào mệnh lệnh, bạo lực vô cớ và chủ nghĩa dân tộc bệnh hoạn. Chiến tranh là điều đáng khinh nhất. Tôi thà rằng để mình bị ám sát còn hơn là tham gia vào việc nhục nhã ấy. Mặc dù vậy tôi vẫn tin tưởng nhân loại. Tôi biết là khối ung thư ấy rất có thể đã chữa được từ lâu. Nhưng sự nhận thức thông thường của con người đã bị thối rữa một cách có hệ thống.
Thế giới sẽ không bị phá hủy bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi những kẻ dửng dưng nhìn chúng làm.
Tôi cảm thấy là việc phân chia giai cấp xã hội là không chính xác và rút cục chỉ dựa vào bạo lực mà thôi.
Tôi không biết chiến tranh thế giới lần thứ ba sẽ ra sao, nhưng tôi biết là sẽ không còn nhiều người sống sót để chứng kiến cuộc chiến tranh lần thứ tư.
Mắc vào yêu đương không phải là cái ngu xuẩn nhất mà người ta mắc phải - nhưng, không thể đổ tội ấy cho quy luật vạn vật hấp dẫn.
Một người không còn cảm thấy ngạc nhiên, sửng sốt, hầu như là người chết, họ đã mất thị giác.
Tôi không bao giờ nghĩ đến tương lai vì nó bao giờ cũng đến khá sớm.
Đến một tuổi nào đó, đọc quá nhiều khiến đầu óc ta xa rời những hoạt động sáng tạo. Một người đọc quá nhiều mà cứ cố gắng suy nghĩ sẽ nhanh chóng có thói quen lười suy nghĩ.
Theo nghĩa triết học, tôi không tin vào từ ngữ này, vào sự tự do của con người. Ai cũng hoạt động không những do sức ép bên ngoài, mà còn cho một tất yếu bên trong.
Hữu Ngọc