Cảo thơm lần giở: Dostojevski nghĩ gì?

01-04-2017 09:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dostojevski (Đô-xtôi-eph’-xki, 1821-1881) được coi là một trong những nhà văn hiện thực phê phán bậc thầy của văn học thế giới, là nhà văn Nga vào loại nổi tiếng nhất ở phương Tây.

Dostojevski (Đô-xtôi-eph’-xki, 1821-1881) được coi là một trong những nhà văn hiện thực phê phán bậc thầy của văn học thế giới, là nhà văn Nga vào loại nổi tiếng nhất ở phương Tây. Thời Pháp thuộc, khi học trường trung học, tôi đã được biết ông qua phim Tội ác và trừng phạt dựa theo tác phẩm của ông, với vai chính rất đạt, hình như là Jean-Louis-Barrault đóng. Trong tác phẩm này, qua vấn đề lương tâm của kẻ sát nhân, Dostojevski thể hiện sự thất bại của chủ nghĩa cá nhân và tham vọng quyền lực của Napoléon trong bối cảnh xã hội Nga thời đó. Câu chuyện kể về sinh viên nghèo Raskolnikov (Ra-xkôl-nhi-kôph’) day dứt về ba luồng tư tưởng: chủ nghĩa xã hội không tưởng, hình ảnh làm siêu nhân kiểu Nietzche và đức tin đạo Ki-tô về thiện - ác và đức hy sinh để cứu vớt linh hồn. Muốn làm siêu nhân thì hành động không cần nghĩ đến thiện - ác. Muốn cải thiện xã hội anh ta giết hai mạng người để lấy tiền. Nhưng rồi anh tự thú, bị đi khổ sai ở Sibir (Xi-bir’) nhưng vẫn chưa hẳn cho là mình sai. Mãi sau, nhờ một cô gái điếm yêu anh và theo anh đi đày, anh mới thật giác ngộ trong tinh thần đạo của Chúa. Cuốn tiểu thuyết còn đưa ra một loạt chuyện bi đát về sự suy đồi của con người xuống đến đáy vực thẳm tội ác, rồi bỗng có một tia sáng thánh thiện khiến họ trở lại với lương tâm.Nhà văn Dostojevski (1821-1881).

Nhà văn Dostojevski (1821-1881).

Dostojevski Fjodor Mikhailovitch học kỹ sư. Từ năm 24 tuổi, ông sáng tác văn học chuyên nghiệp. Những năm 40 của thế kỷ XIX, nhân sinh quan của ông chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa không tưởng của Belinski. Năm 1849, ông bị bắt, bị kết án tử hình, sau chuyển thành án khổ sai ở Sibir. Chín năm sau, ông ở tù về, dần dần từ bỏ tư tưởng xã hội, ông bút chiến kịch liệt chống lại những người cách mạng dân chủ. Thông cảm với những giai cấp bị áp bức, ông vẫn tiếp tục phê phán chế độ Sa hoàng, sự phát triển tư bản chủ nghĩa và tình trạng bất công xã hội, nhưng đồng thời ngày càng gắn bó với Chính giáo Nga, do đó, đòi hỏi dân tộc phải “sám hối” dưới sự bảo trợ của Sa hoàng và Giáo hội. Ông miêu tả trong truyện và tiểu thuyết số phận bi thảm của những người bị chà đạp trong một xã hội đầy mâu thuẫn; ông phê phán kịch liệt trật tự tư bản, nhưng đồng thời lại gạt bỏ mọi khả năng hiện thực để chấm dứt việc con người áp bức con người. Chính các mâu thuẫn sâu sắc trong tư tưởng ấy là chìa khóa giải thích tính chất mâu thuẫn trong những tác phẩm hiện thực, phản ánh cuộc đời một cách chua cay, thấm nhuần một triết lý bi quan. Sáng tác của ông bắt đầu bằng cuốn tiểu thuyết ngắn Những kẻ bất hạnh, miêu tả tâm lý những người “hạ lưu” ở thành thị thời Sa hoàng. Đó cũng là đề tài tiểu thuyết Những kẻ bị áp bức và sỉ nhục. Cuốn Nhật ký trong nhà mồ gợi lại hình ảnh lao động khổ sai khủng khiếp ở Sibir. Tội ác và trừng phạt mở đầu một loạt tiểu thuyết xã hội lớn, có tiếng vang thế giới. Gã thiếu niên lên án máu tham tiền và cả xã hội tư bản tàn bạo. Chàng ngốc chứng minh tất cả cái gì đẹp không thể tồn tại trong xã hội quý tộc, tư bản. Anh em Karamazov là tiểu thuyết chưa hoàn thành, miêu tả sự suy sụp của một gia đình quý tộc, con giết bố; thể hiện rõ rệt mâu thuẫn ngay trong nhân sinh quan của ông và những vấn đề đạo lý, triết học đương thời. Ông là một nhà tâm lý học sâu sắc, một nghệ sĩ lớn, một người đấu tranh sôi nổi về tư tưởng. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn đến văn học thế giới.

Sau đây là một số suy nghĩ của Dostojevski:

Không gì có thể bù lại một giọt nước mắt của trẻ em.

Khi xóa bỏ tất cả những điều xấu xa, một kẻ xấu cho rằng hắn được phép làm bất cứ cái gì.

Cẩn thận, bãi nước bọt ngươi nhổ có thể lại rơi trúng mặt ngươi.

Nếu con người không hèn nhát, thì y phải giẫm lên tất cả những nỗi sợ hãi, những định kiến ngăn cản y.

Những sự việc nhỏ cũng có tầm quan trọng của chúng, chính do chúng mà bao giờ người ta cũng bị lạc lối.

Ở trần gian, không thể thu xếp ổn thỏa mọi việc mà không nói dối.

Người ta không khinh kẻ mà người ta sợ.

Cái đẹp là một sự bí ẩn.

Người ta thường so sánh sự tàn ác của con người với thú dữ. Như vậy là sỉ nhục thú dữ.

Mỗi người chỉ phán xét theo ý riêng của mình.

Tình yêu là một kho báu vô giá đủ để chuộc tất cả những tội lỗi trên thế giới.

Ngươi hãy tha thứ cho tất cả những tai hại mà người ta đã gây cho ngươi, thì sự bình thản tâm hồn thực sự sẽ đến với ngươi.

Trên trời có nhiều sự hân hoan hơn cho một kẻ tội lỗi biết hối lỗi hơn là cho mười người đúng đắn kiên trì làm điều tốt.

Trên đời này không có tội lỗi nào mà Thượng đế từ chối không tha thứ khi người ta thành tâm hối lỗi.

Con người thích gặm nhấm những nỗi bất hạnh của mình nhưng lại quên những gì là hạnh phúc.

Kẻ phạm tội bao giờ cũng ở tình trạng ốm đau khi phạm tội.

Sự tự phụ và tự hài lòng với bản thân là đặc điểm của loài lừa.

Dù người ta có làm tốt bao nhiêu cho con người ngu si thì y cũng không biết ơn.

Khi sự quyết chí trả thù ngự trị thì con người không còn tình cảm nào khác.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn