Có những cuốn sách đọc thời thanh thiếu niên gây ấn tượng rất sâu sắc và lưu lại trong trí nhớ suốt đời. Đối với tôi, đó là trường hợp cuốn tiểu thuyết tự truyện David Cooperfield của nhà văn Anh Dickens (Dic-kin-dờ, 1812-1870). Thời Pháp thuộc, vào năm 1936, tôi vào học ban Tú tài Trường Bưởi. Đúng năm đó, bỏ Tú tài bản xứ mà theo chương trình Tú tài Tây như ở bên Pháp. Do đó, chúng tôi được học hai năm tiếng Anh. Vì vậy, với thầy Lohéné, tôi có dịp được đọc kỹ David Cooperfield, các nhân vật chính và diễn biến chính không thể quên được. Trong tác phẩm này, Dickens kể lại một cách chân thật, cảm động và hài hước cuộc đời của mình. Tác phẩm kể về thời thanh niên vất vả của ông và một mối tình bất hạnh. David mồ côi, bị người đỡ đầu và thầy giáo hành hạ, làm những việc nhục nhã, anh bỏ trốn, sau làm việc cho một luật sư và lấy con gái ông là Dora, “tuyệt vời và ngớ ngẩn”, rồi tự làm nên sự nghiệp. Tác phẩm này rất thơ mộng, điển hình cho văn phong của Dickens: tâm lý sâu sắc, lời văn sáng sủa, có sức truyền cảm mạnh, rất được hoan nghênh. Trong truyện Thời buổi khó khăn, ông vạch trần sự bóc lột tư bản. Cùng Thackeray, ông đại diện cho chủ nghĩa hiện thực phê phán Anh thế kỷ 19. Ông kêu gọi mọi người thông cảm nhau và chủ trương cải cách xã hội bằng đạo đức. Lòng thương người, lập trường về phía người nghèo khổ và nhất là bút pháp hiện thực, sâu sắc, trí tưởng tượng phong phú, giọng hài hước chua cay, đã đưa Dickens lên vị trí hàng đầu trong văn học tiến bộ Anh.
Dickens là nhà viết tiểu thuyết Anh nổi tiếng thế giới. Ông là con một viên chức hàng hải. Năm 12 tuổi, khi cha bị tù vì nợ, ông phải làm việc trong một xưởng xi đánh giày. Năm 1827, ông làm tốc ký viên cho Nghị viện và thông tin cho tờ báo Morning chronicle (thời sự Buổi sáng), viết Ký họa của Bod (1836). Di thư của câu lạc bộ Pickwick (1837) có tính chất hóm hỉnh, được độc giả hoan nghênh. Oliver Trist (1837-1838), tiểu thuyết xã hội, mô tả cuộc đời khốn khổ của các em mồ côi và các người cùng khổ. Tiểu thuyết của ông tố cáo những cái xấu xa của xã hội Anh. Những truyện phiêu lưu của Nicolas Nickeby (1939) là một tiểu thuyết trào phúng về trường học; Hàng đồ cổ (1840) kể về nỗi khổ của em bé Nel’ (Nell). Năm 1840, ông sang Mỹ, bị tiếp đón lạnh nhạt vì ông đã tố cáo các nhà xuất bản Mỹ đánh cắp văn của sách Anh. Chán ngán về chế độ nô lệ tại Mỹ, ông cho in cuốn Ký họa về nước Mỹ (1842). Đạo đức giả của người Anh và tính tham lam của người Mỹ được đề cập trong cuốn Martin Chuzzlewit (1843). Triết lý nhân đạo về xã hội của ông toát lên trong các truyện: Bài hát mừng Nô-en (1843); Tiếng chuông (1844); Dế mèn bên lò sưởi (1845); Dombey và con (1848) nói về tính kiêu hãnh bị trừng phạt. Ông đã cho ra tạp chí hàng tuần (lời nói thông thường -1850). Nhiều truyện của ông sau này xuất bản từng số trong tạp chí này. Không có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, ông đã thỏa thuận ly dị với vợ năm 1856. Ông cùng sống với nữ diễn viên Ellen Ternow.
Sau đây là một số tư duy của Dickens:
Những cái đẹp nhất ở đời chỉ là những cái bóng.
Khi tôi có một tình cảm tự nhiên, tôi cho là mọi người cũng như vậy.
Nếu tôi có khả năng quên thì tôi sẽ quên. Trí nhớ con người chứa đầy nỗi buồn và nỗi vấn vương.
Nếu không có kẻ xấu thì làm gì có trạng sư giỏi.
Đừng than phiền về thời tiết xấu. Nếu thời tiết không thay đổi thì chín trong mười người chẳng biết bắt đầu nói chuyện bằng cái gì.
Trong thế giới nhỏ bé của trẻ em, không có gì nhạy cảm hơn là sự bất công.
Ở tòa án kiện cáo, chẳng bên nào được, trừ các trạng sư.
Con đường của tình yêu thực không bằng phẳng như đường xe lửa.
Đừng phán xét gì dựa vào bề ngoài, đừng bao giờ phán xét chỉ dựa vào các chứng cớ, mà không có quy tắc nào hơn thế.
Chúng ta không có gì phải xấu hổ vì những giọt nước mắt; đó là giọt nước làm trôi bụi phủ lên những con tim xơ cứng.
Trên đời này, không gì hiểu mình và lừa mình hơn là chính mình.