Không lạ gì khi chủ nghĩa ấy sinh ra trên đất Mỹ là đất của thực dụng, nơi mà tiêu chuẩn của mọi giá trị là sự thành công.
Đã có một thời chủ nghĩa thực dụng Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới. Một số nhà trí thức Việt Nam đọc được chữ Trung Quốc biết được chủ nghĩa thực dụng Mỹ qua Hồ Thích, vào thời gian trước đại chiến II. Hồ Thích (Hu Shi hay Hou Che 1891-1962) là nhà hoạt động văn hóa tư tưởng về sau theo Tưởng Giới Thạch sang Đài Loan, người tích cực tham gia phong trào Ngũ Tứ và đề xướng sử dụng bạch thoại (văn nói), là đồ đệ của triết gia thực dụng Mỹ Dewey. Ông chống lại chủ nghĩa Marx, cho là không phù hợp với xã hội Trung Quốc. Ông chủ trương điều hòa giai cấp, coi đó là động lực phát triển xã hội.
Dewey (1859 - 1952).
Dù sao thì thời oanh liệt của triết học thực dụng Mỹ đã qua từ lâu. Dần dần, học thuyết ấy mất chỗ đứng ở châu Âu, cũng chẳng còn thế mạnh ở Mỹ nữa. Trong số độc giả thông thường, còn mấy ai tìm đọc các vị tổ sư CH.S.Peirce, William James và Dewey (Điu-uây) (1859-1952).
Nhưng từ mấy năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, triết học Mỹ lại hướng vào con đường phục hồi những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa thực dụng.
Chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism) thể hiện tư tưởng duy tâm chủ quan phi lý tính. Nó vứt bỏ tư duy logic, cho là con người không biết được sự thật (chân lý) khách quan. Nó quan niệm sự thật là tương đối, tiêu chuẩn của sự thật là thành công, hiện thực chẳng qua chỉ là những kinh nghiệm chủ quan, những cảm giác, chân lý là cái gì có ích, có lợi. Trong khoa học, một quy luật hay học thuyết chỉ được coi là “thật” khi ứng dụng được. Một tôn giáo được coi là “thật” khi nó mang lại những điều lành. Đạo đức chẳng qua chỉ là một tổng hợp định kiến, không có quy luật hay tiêu chuẩn đạo đức cho mọi người.
Nói chung, chủ nghĩa thực dụng ngược lại với chủ nghĩa duy lý (rationalism). Theo chủ nghĩa duy lý, sự thật không do nó có ích, có lợi mà nó thật.
Người đề ra chủ nghĩa thực dụng là triết gia Mỹ Ch.S.Peirce (1839-1914), người tạo ra từ “pragmatism”. Trong bài viết năm 1878 Làm thế nào cho ý tưởng sáng sủa, ông đề ra điều được mệnh danh là quy luật Peirce: giá trị một ý tưởng được quyết định bởi những kết quả thực tiễn của nó. Trào lưu thực dụng của Peirce được William James và đồ đệ J.Dewey của ông phát triển.
J.Dewey là một nhà triết học và nhà sư phạm Mỹ. Ông mở trường thực nghiệm ý kiến của mình về sư phạm và có ảnh hưởng đến nền giáo dục phương Tây. Ông hoạt động chính trị và xã hội rất đa dạng, đi nhiều nơi (Nhật, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mêxicô, Liên Xô). Mới đầu chịu ảnh hưởng của Hegel, sau ông chuyển sang chủ nghĩa thực dụng, phát triển nó thành chủ nghĩa chủ nghĩa công cụ (instrumentalism): trí tuệ con người và các học thuyết chỉ là những công cụ để hành động. Ông chủ trương không sử dụng trí tuệ để tư duy tìm chân lý nữa mà để thay đổi điều kiện sống. Sư phạm của ông dựa trên quan điểm ấy: học tính bằng cách bán hàng, học văn bằng cách diễn kịch và sử dụng truyện,... Ông khuyến khích sáng kiến cá nhân và tự do lập nghiệp.
Sau đại chiến II, ở Mỹ, chủ nghĩa thực dụng (đã từng phồn thịnh trong thời gian giữa hai cuộc đại chiến) đã phải nhường bước cho triết học phân tích (analytical philosophy). Trào lưu triết học này cho nhiệm vụ của triết học là phân tích ngôn ngữ, đặt trọng tâm phân tích vào cả ngôn ngữ giao tiếp thông thường, giao tiếp bình thường lẫn thuật ngữ khoa học và triết học. Khuynh hướng cơ bản của nó gắn với chủ nghĩa thực chứng mới và cũng không xa hẳn chủ nghĩa thực dụng. Nó phủ nhận triết học có một đối tượng độc lập, quan niệm là thế giới quan không nằm trong nội dung triết học, nó không quá bận tâm về phân biệt khoa học và triết học. Trong khi đó, các nhà triết học châu Âu vẫn theo gót Husserl (Hutxơc) và Heidegger (Haiđêgơ) cho là “khoa học không suy nghĩ”. “Triết học phân tích” xuất hiện ở Anh, Tây Đức, Bắc Âu, chủ yếu ở Mỹ với Carnap (Cacnap), Goodman (Gutman).
Biến tướng “triết học phân tích” ở Mỹ là chủ nghĩa kinh nghiệm logic (logical empiricism), có thể coi là một loại thực chứng luận logic (logical positivism) hay thực chứng luận mới (neopositivism). Cái nôi của chủ nghĩa kinh nghiệm logic là Câu lạc bộ thành phố Viên (Vienne Circle, tiếng Đức là Wiener Kreis) ở Áo vào những năm 20, xuất phát từ logic học Đức. Vào những năm đầu thập kỷ 30, Carnap cùng một số hội viên câu lạc bộ di cư sang Mỹ; chủ nghĩa kinh nghiệm logic tìm được đất mới để phát triển.
Carnap (1891-1970), người Đức nhập quốc tịch vào Mỹ, cho là triết học chỉ có nhiệm vụ phân tích logic ngôn ngữ của tri thức khoa học, một sự phân tích dựa vào logic toán học. Ông đề ra những quy tắc để có thể hệ thống “hình thức hóa” ngôn ngữ và xây dựng một phương pháp luận chặt chẽ cho các khoa học.
Trong mấy chục năm, chủ nghĩa kinh nghiệm logic thuộc dòng triết học phân tích Carnap đã át chủ nghĩa thực dụng ở Mỹ và đem lại cho triết học Mỹ một bộ mặt có tính kỹ thuật, khoa học, xa với quan niệm triết học châu Á. Do đó triết học đã rút lui vào các trường đại học, trở thành một môn hàn lâm, ít có tiếng vang ra đời sống xung quanh.
Trong số những nhà triết học Mỹ ngày nay, R.Rorty (Rooc-ty) và H.Putnam (Putnơm) là hai người quyết tâm nhất để phục hồi chủ nghĩa thực dụng, “nói đúng hơn là chứng minh rằng rất có thể chủ nghĩa thực dụng là triết học đáp ứng tốt nhất những nhu cầu và tình hình thế giới hiện đại”. Trong Chủ nghĩa hiện thực với một bộ mặt nhân bản, Havard University Press, 1990), Putman viết: “Triết học phân tích đã thực hiện được nhiều điều lớn, nhưng đều tiêu cực cả”. Theo Putman và Rorty, “triết học phân tích” cuối cùng đã phải đương đầu với những khó khăn khiến cho nó có lúc lại phải nhớ lại chủ nghĩa thực dụng. Hai ông cho là không thể đi vòng sự cản trở của ngôn ngữ được, do đó triết học không thể có vai trò phán xét những khoa học và đạo đức trên danh nghĩa những nhận thức đặc biệt của triết học đối với cơ sở của những khoa học và đạo đức học. Đó cũng là một lập trường cơ bản của chủ nghĩa thực dụng.
Khuynh hướng trở về với chủ nghĩa thực dụng không có gì lạ vì chủ nghĩa ấy tiêu biểu cho văn hóa Mỹ. Trong tác phẩm Văn minh Mỹ, Jean Pierre Fichou (Phisu) đã cho chủ nghĩa thực dụng là một trong tám “tư tưởng chủ đạo” (idée-force) của nền văn minh Mỹ rất phù hợp với nó.
Chủ nghĩa thực dụng vứt bỏ tất cả những ý kiến có sẵn, những hệ thống tư tưởng và lý luận đã có từ trước và chỉ dựa vào kinh nghiệm và thể nghiệm. Thái độ này minh họa cho “thanh niên tính” của dân tộc Mỹ trong hành động. Tư duy lý luận chỉ cần thiết khi nó đưa đến một hành động có kết quả chiêm nghiệm được hoặc có một mục tiêu cụ thể và vật chất. Laski (Laxki), nhà khoa học chính trị Anh chuyên về Mỹ đã nhận xét: “Cái gắn bó người Mỹ với nhau, đó là quyền lợi, chứ không phải là tư tưởng”. Trong lĩnh vực sư phạm, Dewey chủ trương là muốn hiểu biết được thì phải tự mình làm lấy, chỉ chấp nhận điều gì thầy dạy sau khi đã thảo luận và phân tích. Dĩ nhiên, chủ trương này được áp dụng triệt để vào thí nghiệm công nghiệp và nghiên cứu, thúc đẩy đầu óc độc lập, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân.
W.James và trường phái của ông quan niệm thế giới là một đấu trường giữa thiện và ác, đúng như quan niệm Thanh giáo, nhiều khi trở thành chủ nghĩa “manicheism” phân biệt thiện ác một cách độc đoán, quá ư rạch ròi. Trong thế giới ấy, con người phải luôn luôn đấu tranh và có quyết định riêng của mình. Những kinh nghiệm bản thân nhân lên sẽ tạo ra của cải cho cộng đồng.
Những tư tưởng này, theo J.P.Fichon, nằm trong quỹ đạo không những của Thanh giáo và của Jefferson (Giephơxơn), chính khách Mỹ có uy tín bậc nhất. Con người có xu hướng tốt, chỉ cần tạo ra thể chế tốt, để tự do cho cá nhân hành động. Nghị lực cá nhân được đề cao, về mặt này, chủ nghĩa thực dụng không xa chủ nghĩa ý chí mấy. Chủ nghĩa thực dụng đã lấy những kinh nghiệm và cố gắng cá nhân làm gốc thì dĩ nhiên chủ trương đa nguyên trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Sau đây là một số suy nghĩ của Dewey:
Học ư? Dĩ nhiên rồi, nhưng trước tiên là phải sống đã, học hỏi cuộc sống trong cuộc sống.
Sự đòi hỏi tự do là một sự đòi hỏi quyền hành.
Giáo dục là một sự học tập mang tính xã hội giúp ta lớn lên và sống.
Giáo dục là một quá trình sống chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống.
Mọi sự tiến bộ khoa học lớn đều xuất phát từ một sự táo bạo mới của óc tưởng tượng.
Sự thực là khi một người bị tràn ngập bởi một cảm xúc thì người ấy không có khả năng diễn tả nó ra được.