Descartes xuất thân từ một gia đình quý tộc tư pháp-hành chính. Có cuộc sống phong lưu, ông giữ độc lập tư tưởng, thường ở Hà Lan để tránh bị Giáo hội công giáo dòm ngó. Ông đi nhiều nơi để quan sát, giao thiệp rộng, có tham gia cuộc “Chiến tranh ba mươi năm”.
Ông có những đóng góp khoa học có giá trị: ông sáng tạo môn hình học giải tích (géométrie annalytique: áp dụng đại số vào hình học). Ông có quan điểm duy vật trong vật lý; theo ông, tự nhiên bao gồm những hạt vật chất nhỏ di chuyển trong không gian một cách vĩnh viễn, theo quy luật cơ học.
Triết học Descartes duy tâm, theo nhị nguyên luận. Ông cho là có hai bản nguyên: nhục thể tức vật chất mà thuộc tính là quảng tính, - linh hồn tức tinh thần mà thuộc tính tư duy. Như vậy, tinh thần và vật chất đối lập nhau, phải có Thượng đế quyết định; ý thức tách khỏi vật chất và lịch sử.
Descartes đại diện cho tư tưởng của giai cấp tư sản đang lên, tiến bộ: ông bác bỏ triết học kinh viện Trung cổ, phủ nhận uy quyền của Giáo hội trong tư duy. Ông muốn sáng tạo một phương pháp luận mới để nhận thức thế giới, đem lý tính và khoa học thay thế cho tín ngưỡng mù quáng. Ông đề ra chủ nghĩa duy lý: nhờ lý tính, con người có thể quan niệm được chân lý. Để tránh mọi thiên kiến, phải gạt bỏ “cái bóng uy tín” của những vị có thẩm quyền kể cả cổ nhân, phải xuất phát từ hoài nghi hết thảy: bắt đầu phải tuyệt đối coi là không có gì tồn tại cả; nhưng trong hoài nghi triệt để, mình không thể hoài nghi sự thực là mình nghĩ là mình nghi ngờ. Như vậy, điểm chắc chắn đầu tiên là: ta nhận thức được là “ta tư duy” (nghĩ), vậy thì ta tồn tại, ta là có thật (Je pense, donc, je suis). Từ xuất phát điểm ấy, tư duy suy luận ra là Thượng đế và thế giới vật chất cũng đều có thật (tồn tại thật). Giác quan chỉ đưa lại một quan niệm mơ hồ về sự vật; bản thân lý tính (qua trực giác) mới quan niệm được chân lý (chứ không phải là nhờ thực tiễn và kinh nghiệm).
Tác phẩm lớn của Descartes là Luận văn về phương pháp (Discours de la méthode, 1637) để tìm chân lý trong khoa học. Ông đề ra bốn quy tắc cơ bản: chỉ công nhận một chân lý khi nó là sự thật hiển nhiên, phân tích, tổng hợp, tính tất cả các yếu tố không để sót.
Ngày nay, bốn quy tắc này có vẻ quá thường. Thời Descartes, đó là cả một cuộc cách mạng tư duy chấm dứt thời đại giáo điều Trung cổ. Những quan điểm duy vật của Descartes thúc đẩy khoa học và triết học tiến bộ, có ảnh hưởng đến văn học cổ điển Pháp. Mặt khác, ông điều hòa tôn giáo và khoa học.
Sau đây là một số triết lý của Descartes:
- Việc đọc các sách tốt tựa như chuyện trò với những người tốt nhất của những thế kỷ đã qua.
- Lẽ phải thông thường là điều được phân chia tốt nhất trên thế giới.
- Có đầu óc tốt chưa đủ. Điều quan trọng là áp dụng nó tốt.
- Những tâm hồn lớn có thể phạm phải những tội lớn cũng như có thể biểu hiện những đức tính lớn.
- Suốt ngày tôi ở một mình trong phòng sưởi mà tôi tha hồ bình luận với tư duy của mình.
- Nguyên tắc đầu tiên là chỉ nhận bất cứ điều gì là thật mà tôi biết rõ ràng đúng là thật.
- Nguyên tắc thứ hai là chia mỗi điều khó khăn mà tôi xem xét từng mảng có thể được và cần thiết để giải quyết cho tốt hơn.
- Nguyên tắc thứ ba là dẫn dắt tư tưởng theo trật tự, bắt đầu bằng những gì đơn giản và dễ hiểu nhất để lên cao dần như từng bậc tiến đến những tri thức phức tạp nhất.
- Người ta khinh một kẻ ghen tuông vợ vì điều đó chứng tỏ là y không yêu vợ và y tự coi khinh mình và khinh vợ.
- Yêu thương tốt đẹp rất nhiều hơn hận thù.
- Tôi là một trung tâm giữa thượng đế và hư vô.
- Chỉ cần nhận xét đúng thì làm đúng và nhận xét tốt nhất có thể làm tốt nhất.