Còn nhớ năm 11, 12 tuổi, nằm trong chăn, tôi say mê đọc cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoé và tưởng tượng mình sống ở một đảo hoang với nhiều truyện ly kỳ. Nhớ mang máng là bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Vĩnh trong bộ sách rẻ tiền “Âu Tây tư tưởng”.
Đúng như các nhà phê bình nhận định, tác phẩm này của nhà văn Anh Defoe (Đơ-phâu, 1660-1731) - là “một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất thế giới”.
Về sau, lớn tuổi hơn, tôi cũng thích thú đọc truyện Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (1925). Không biết tác giả có chịu ít nhiều ảnh hưởng gì của Defoe không. Dĩ nhiên, tác phẩm của ông về nghệ thuật tiểu thuyết không thể so được với Robison Crusoé, nhưng khá hấp dẫn khi tả cuộc sống của An Tiêm trên đảo hoang với phong cách lãng mạn, khác với phong cách hiện thực của Defoe.
Defoe Daniel là nhà văn Anh, con một người hàng thịt. Ông học để trở thành mục sư, nhưng sau lại quay sang buôn bán, làm chính trị, viết văn. Thời trẻ, ông sống một thời gian ở Tây Ban Nha; ông có qua Pháp, Ý, Đức. Năm 1684, ông mở xưởng dệt ở London nhưng buôn bán thua lỗ, nợ nần trong nhiều năm. Ông ủng hộ mạnh mẽ vua William III (Uy-li-ơm Đệ Tam): bài thơ trào phúng Người Anh chính cống (The True Born Englisman, 1701) đả kích bọn quý tộc kênh kiệu, nhạo báng, thành kiến với một ông vua Anh gốc ngoại quốc. Khi vua William III mất năm 1702, ông mất chỗ dựa, bị những kẻ thù chính trị và tôn giáo bỏ tù. Tiểu thuyết phong tục Những may rủi của cô gái nổi tiếng Mol’ Ph’lan-đơd’ (The Fortunes and Misfortunes of the Famous Moll Flanders, 1722), kể chuyện một cô gái do hoàn cảnh éo le phải ăn cắp, ở tù, nhưng sau biết hối hận và lập gia đình tử tế. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ lạ của Ro-bin-xơn’ C’ru-xâu, người thủy thủ xứ Yok’: chuyện một thủy thủ bị đắm tàu, dạt vào một đảo lạ, sống một mình ở đảo đó với các dụng cụ còn lại ở tàu, anh đã giải phóng cho một nô lệ da đen sắp bị bọn ăn thịt người hành hình. Anh sống ở đảo cho đến khi được một chiếc tàu đến cứu. Truyện Robinson Crusoé nổi tiếng ở Anh và khắp thế giới. Truyện y như có thật, hấp dẫn, tuy đối thoại còn có chỗ vụng về và có những đoạn bàn về tôn giáo và đạo lý rườm rà. Truyện đề cao con người thắng thiên nhiên nhờ trí thông minh, nghị lực và tính lạc quan. Có thể nói, ông là người tạo ra thể loại tiểu thuyết ở Anh, đưa tiểu thuyết hiện thực vào thời kỳ Ánh sáng của văn học Anh (thế kỷ 18). Trái với Swift, Defoe ca ngợi sự phát triển của xã hội tư bản một cách tuyệt đối.
Sau đây là một số suy nghĩ của Defoe:
Sự lo sợ cái nguy hiểm đáng sợ hơn gấp nghìn lần bản thân cái nguy hiểm. Vì nỗi lo sợ do tính đến điều xấu có thể xảy ra, dày vò ta hơn cả điều xấu ấy.
Con quỷ không ngừng quyến rũ con người. Vì vậy, nó không bao giờ bỏ lỡ dịp xui con người phạm tội.
Cái khôn ngoan nhất của con người là biết tùy thời ứng biến, tạo cho mình một tâm hồn bình thản trước sóng gió bên ngoài.
Ai cũng có thể thành bạo chúa, nếu người ấy muốn.
Theo tôi, tất cả những nỗi băn khoăn của ta về những gì ta chưa có, dường như xuất phát từ chỗ chúng ta không biết ơn trời về những gì ta đã có.
Hôm nay, ta đi tìm kiếm cái mà ngày trước ta tránh xa. Hôm nay, ta mơ ước cái ngày mai sẽ làm ta ghê sợ.
Khi gặp những cái dở thì bao giờ cũng cần nghĩ đến cái hay trong đó. Nó có thể đền bù cho những cái còn tồi tệ hơn có thể xảy ra.
Những tai họa của cuộc đời là số phận của những tầng lớp cao nhất và thấp nhất của nhân loại.
Sự tham lam là gốc rễ của mọi cái xấu, cho nên, nghèo khổ là thứ cạm bẫy tồi tệ nhất.
Kẻ độc ác hiếm khi ngủ được giấc ngon.
Do sợ hãi mà chúng ta có những quyết định thật nực cười! Cái sợ khiến ta bỏ mất những phương tiện mà lý trí mang lại để thoát khỏi gian nan.
Kẻ hèn nhát trở nên bạo dạn khi hắn nghĩ là hắn sẽ chẳng gặp nguy hiểm gì.
Những người có nhiều nhân tình thường thay đổi nhân tình luôn vì chán chường. Vậy mà họ lại vẫn ghen với những cô nhân tình của họ.