Cảo thơm lần giở: Đạt-lai Lạt-ma nghĩ gì?

08-09-2018 14:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Theo Giáo sư Eric Sharp, Trường đại học Sydney (Úc) thì trong thế kỷ 20, có 3 vị ở châu Á được coi là thánh nhân: hai vị ở Ấn Độ là thi hào R.Tagore (1861-1941) và chính khách Mahatma Gandhi (1869-1948), một vị ở Tây Tạng (Tibet) sinh năm 1935 là Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 tên là Tenzin Guatsô.

Đạt-lai Lạt-ma không phải là tên riêng mà là một chức vị, chỉ vị lãnh đạo cao nhất về thế tục và về tôn giáo của xứ Tây Tạng (gần như Giáo hoàng-pape/pope-của đạo Kitô La Mã). Đạt-lai Lạt-ma có nghĩa là có trí tuệ rộng như biển cả. Đây là một vị Bồ Tát, một Phật sống, Phật tái sinh làm kiếp người để cứu vớt chúng sinh. Theo truyền thống, việc tìm ra một Phật sống bằng cách chọn một cậu bé để đào tạo thành một Đạt-lai Lạt-ma là một nghi thức tâm linh rất lâu dài và công phu.

Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 Tenzin Guatsô.

Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 Tenzin Guatsô.

Trong quá trình phát triển, đạo Phật chia thành 3 phái: Phật giáo nguyên thủy (Theravada) còn gọi là Tiểu Thừa (Hinayama), phái Đại Thừa (Mahayama) và phái Mật Tông (Tantrayama) đa phần ở Tây Tạng.

Mật Tông chủ yếu sử dụng những phép tu huyền bí như đọc chú, bắt quyết, dùng linh phù,... mong nhờ đó mà mau chóng đạt được định tâm.

Tây Tạng hiện nay là một khu tự trị thuộc Trung Quốc, Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 hiện nay được coi như vị thứ 13 tái sinh và là hiện thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Ông phải khổ công học tập từ năm lên 6 tuổi, đến năm 25 tuổi đỗ bằng tương đương tiến sĩ và thông hiểu đủ các môn trong văn hóa Tây Tạng.

Ông được tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1989. Ông còn là tác giả của 50 cuốn sách, do chính ông viết hoặc do các đồ đệ của ông ghi lại các bài giảng của ông. Nhà văn Pháp Jean Claude Carrière đã được gặp ông nhiều lần để đàm đạo về những vấn đề Phật giáo và sau đó viết nên tác phẩm Sức mạnh của đạo Phật (La force du Boudhisme). Tác phẩm ghi lại những cuộc nói chuyện của hai người, không mang tính chất hàn lâm mà giải thích một cách giản dị và cụ thể 4 khái niệm chính của đạo Phật: Vô thường, Vô ngã, Khổ, Không.

Sau đây là bài diễn từ của Đạt-lai Lạt-ma khi nhận Giải Nobel Hòa bình.

Trích diễn từ nhận giải Nobel Hòa bình

Kính thưa Đức Vua, các thành viên của Ủy ban Nobel, các anh các chị.

Tôi rất sung sướng được tại đây trong ngày hôm nay để nhận giải Nobel vì hòa bình. Tôi cảm nhận niềm vinh dự, tràn đầy sự biết ơn và cảm kích sâu sắc khi các ngài trao giải cao quý quan trọng này cho một kẻ tu hành bình thường của Tây Tạng. Tôi không có gì đặc biệt. Nhưng tôi tin rằng giải Nobel vì hòa bình này là một sự công nhận giá trị thật của lòng vị tha, tình yêu và tình thương cũng như sự bất bạo động mà tôi cố gắng thực hành theo lời dạy của Phật và các bậc hiền triết Ấn Độ và Tây Tạng.

Tôi xin nhận giải thưởng với lòng biết ơn sâu đậm, thay mặt cho những người bị đè nén áp bức ở mọi nơi, những người đang đấu tranh cho tự do và đang làm việc cho nền hòa bình thế giới. Tôi xin nhận giải thưởng như một cống vật dâng lên cho người đã sáng lập truyền thống hiện đại về hành động không bạo lực để thay đổi là Mahatma Gandhi mà cuộc đời đã thức tỉnh và ảnh hưởng đến tôi. Và dĩ nhiên, tôi xin nhận giải thưởng, thay mặt cho sáu triệu nam nữ người Tây Tạng dũng cảm của tôi, sống trong đất nước đã chịu đựng và tiếp tục đang chịu đựng bao đau khổ. Giải thưởng khẳng định một lần nữa niềm tin của chúng tôi là với sự thật, lòng can đảm và sự quyết tâm, Tây Tạng sẽ được giải phóng.

Cho dù chúng tôi đến từ một nơi nào của thế giới, chúng ta về cơ bản cùng là con người đang tồn tại.  Chúng ta cùng mưu cầu hạnh phúc và tránh những mối đau khổ.  Chúng ta có chung các nhu cầu và các mối quan tâm. Tất cả chúng ta, với tư cách cá nhân hay dân tộc, đều mong muốn có tự do và quyền định đoạt số phận của mình. Đó là lẽ tự nhiên của con người. Những thay đổi vĩ đại đang được tiến hành tại mọi nơi trên thế giới, từ Đông Âu đến châu Phi là những chỉ dấu rõ ràng cho xu hướng đó.

Tôi là một nhà tu hành Phật giáo, vì thế mối quan tâm của tôi được mở rộng đến toàn bộ thành viên của nhân loại và hơn thế nữa, đến với sinh linh đang chịu đau khổ. Tôi nghĩ rằng, mọi khổ đau là đều do sự thiếu hiểu biết gây nên. Những người gây đau khổ cho người khác do họ theo đuổi một cách ích kỷ, hạnh phúc hoặc sự thỏa mãn cho riêng họ.  Nhưng niềm hạnh phúc thực sự chỉ có được trong tình thân ái anh em, chị em. Chúng ta cần nuôi dưỡng trách nhiệm phổ quát toàn cầu đối với nhau và đối với hành tinh chúng ta đang chia sẻ. Mặc dù tôi đã tìm thấy trong Phật giáo của tôi sự nâng đỡ trong gây dựng tình thương yêu và lòng bao dung, ngay cả đối với những ai chúng tôi coi là kẻ thù, tôi cũng nhận thấy là ai cũng có thể phát triển trong mình lòng tốt và sự cảm nhận về trách nhiệm phổ quát toàn cầu, dù người đó theo một đạo nào đó hoặc không theo đạo nào.

Cùng với tác động ngày càng mạnh của khoa học vào cuộc sống chúng ta, tôn giáo và tâm linh có một vai trò trong việc nhắc nhở về tính nhân bản của chúng ta. Không có sự chống đối của hai lĩnh vực đó. Lĩnh vực này giúp ta thấu hiểu lĩnh vực kia. Cả hai, khoa học và giáo lý Đức Phật cho ta biết về sự thống nhất cơ bản của mọi sự vật. Sự thông hiểu đó rất quan trọng nếu chúng ta hành động một cách tích cực và kiên quyết trong những vấn đề thôi thúc toàn cầu về môi trường.

Tôi tin rằng các tôn giáo đều theo đuổi những mục tiêu giống nhau. Đó là gieo trồng cái thiện của con người và mang hạnh phúc đến cho nhân sinh. Các phương tiện có thể khác nhau nhưng mục tiêu chỉ là một.

Chúng ta bước vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này (thế kỷ 20), tôi lạc quan thấy rằng các giá trị cổ xưa đã giúp loài người chúng ta, ngày nay đang được tái khẳng định để mở đường cho một thế kỷ 21 hạnh phúc hơn, thân thiện hơn.

Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, dù là người bị áp bức hay bè bạn, chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn qua sự thông hiểu nhau và tình yêu, và từ đó chúng ta làm giảm sự thống khổ của mọi sinh linh.

Cảm ơn quý vị!

Đại học Aula, Thủ đô Oslo, Na Uy, ngày 10/12/1989.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn