Cảo thơm lần giở: Cormeille nghĩ gì?

10-11-2016 11:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Corneille (Cooc-nây-ơ) (1606-1684) là người mở đầu cho bi kịch cổ điển Pháp. Ông nguyên là luật sư trước khi đi vào sân khấu.

Corneille (Cooc-nây-ơ) (1606-1684) là người mở đầu cho bi kịch cổ điển Pháp. Ông nguyên là luật sư trước khi đi vào sân khấu. Mãi đến năm 30 tuổi, ông mới khẳng định được tài năng với vở Le Cid (1636). Kịch của ông được công chúng hoan nghênh trong gần 20 năm. Khi tuổi đã quá 50, công chúng hoan nghênh Racine, tác giả kịch trẻ hơn ông 33 tuổi, đem lại nhiều cái mới cho bi kịch Pháp.

Pierre Corneille

Pierre Corneille (1606-1684)

Trái với bi kịch thời Phục hưng, lấy sự việc bên ngoài làm động cơ, Corneille lấy xung đột nội tâm làm động cơ, cấu trúc kịch chặt chẽ, theo quy tắc kịch cổ điển, luật tam nhất (một sự việc xảy ra trong một ngày và ở một nơi), lời thơ hùng biện thôi thúc. Các tác phẩm chính của ông là: Le Cid, Horace, Cinna, Người nói dối (hài kịch).

Sau đây là một số tư duy của Corneille:

Có kẻ vung tiền ra cho mà chẳng được lòng ai.

Cách mình cho quan trọng hơn cái mình cho.

Thật khổ tâm khi phải ghét bỏ cái mà ta đã từng yêu. Ngọn lửa dập chưa tắt chẳng bao lâu đã lại bùng lên.

Cố gắng công bằng lắm khi lại là có tội.

Thời gian là một bậc thầy vĩ đại, thời gian giải quyết không biết bao nhiêu việc.

Sân khấu chỉ là một chân dung của những hành động và lời nói của chúng ta và sự hoàn hảo của chân dung ấy phải là sự tương đồng.

Lý tính và tình yêu là những kẻ thù không đội trời chung.

Cao vọng của tôi là không còn niềm hy vọng nhiều.

Giá trị con người không phải đợi số tuổi.

Đấu không gian nguy thì thắng cũng chẳng vẻ vang.

Tình yêu chỉ là một niềm vui, danh dự là một nhiệm vụ.

Người nào quyết định một là chết, hai là thắng thì ít khi bị thua.

Kẻ nào ôm ấp cái sai lầm của mình thì không bao giờ chịu nhận cái sai.

Kẻ nói dối thường hay thề thốt.

Kẻ nói dối thì phải có trí nhớ tốt.

Nhiều khi người ta rụt tay chỉ để đánh đau hơn.

Ai thắng chính mình một lần thì sẽ luôn luôn tự thắng.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn