Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Cô hồn Mỹ ở đất Việt và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du

15-07-2019 10:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày Rằm tháng Bảy, trong lịch ta xưa là Tết Trung Nguyên của Đạo gia, mà cũng là ngày lễ Vu Lan của Phật tử. Ảnh hưởng giao kết của hai tôn giáo ấy đã đưa đến tục lệ cúng các cô hồn vào ngày ấy.

Ngày Rằm tháng Bảy, trong lịch ta xưa là Tết Trung Nguyên của Đạo gia, mà cũng là ngày lễ Vu Lan của Phật tử.

Ngày Rằm tháng Bảy, trong lịch ta xưa là Tết Trung Nguyên của Đạo gia, mà cũng là ngày lễ Vu Lan của Phật tử.

Bài Văn chiêu hồn hay văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du là một tuyệt tác. Bài văn tế ấy gây cảm xúc mạnh mẽ do âm điệu của thể biến ngầu và song thất lục bát (âm điệu 7-7-6-8 như tiếng nức nở) và sự lựa chọn từ một cách độc đáo; do triết lý sâu sắc về kiếp phù du của phận người, nói lên sự thương cảm đối với nỗi khổ của chúng sinh (trong ngoặc là bản dịch khác):

Tiết tháng Bảy mưa dầm xúi xụt (sùi sụt),

Lọt hơi sương lạnh buốt xương khô (Toát hơi may lạnh buốt xương khô),

Não người thay bấy chiều thu (Não người thay, buổi chiều thu),

Ngàn lau khảm bạc, giếng khô rụng vàng (Ngàn lau nhuốm bạc, lá khô rụng vàng).

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác mưa sa (Ngọn đường lê lác đác sương sa),

Lòng nào lòng chẳng thiết tha (Lòng nào là chẳng thiết tha),

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Xót khôn thiêng phảng phất u minh (Có khôn thiêng phảng phất u minh),

Thương thay thập loại chúng sinh,

Phách đưa hồn chiếc lênh đênh quê người (Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người).

Hương khói đã không nơi nương tựa,

Phận bồ côi lần nữa đêm đen (Hồn mồ côi lần nữa đêm đen),

Còn chi ai khá ai hèn (Còn chi ai quí ai hèn),

Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?

Tiết đầu thu, dựng đàn giải thoát (Tiết đầu thu lập đàn giải thoát),

Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi,

Muôn nhờ Phật lực từ bi (Muôn nhờ đức Phật từ bi),

Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương.

...

Tư duy của Nguyễn Du về phận người, cái sống, cái chết, khiến ta nhớ đến bài thơ Viết trong một nghĩa địa nông thôn của nhà thơ Thomas Gray (Anh) và một đoạn trong vở kịch Hamlet của Shakespeare (Anh), Hoàng tử Đan Mạch Hamlet bàn về cái chết với Horatio trong nghĩa địa.

Sau khi phát hiện bài Văn chiêu hồn của Nguyễn Du trong cuốn Văn học Việt Nam bằng tiếng Anh của Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc, nữ giáo sư Mỹ Christine White ở Đại học Tổng hợp Hawai rất xúc động. Bà viết: “Tôi mong là thi phẩm viết cách đây hai trăm năm ấy có thể giúp người Mỹ hiểu chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh”.

Dưới đây xin trích đăng bài viết của bà (viết trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt, 11/7/1995).

“Sau Chiến tranh Thế giới II, cuốn tiểu thuyết Nhật nổi tiếng Đàn hắc Miến Điện được quay thành phim. Chuyện kể về một người lính Mỹ trá hình làm một nhà sư Miến Điện, ở lại bên đó sau khi chiến tranh kết thúc để chôn lính Nhật chết trận và khói hương cho họ. Có lẽ cũng nên làm một điều như vậy với lính Mỹ tử trận ở Việt Nam.

Đối với những cựu binh Mỹ, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chưa kết thúc, về mặt bệnh lý tâm thần cũng như về mặt tâm lý. Những ký ức chiến tranh ám ảnh đến mức họ không tài nào sống bình an trong hiện tại.

Việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ hiện nay là cố gắng giải quyết vấn đề tâm linh bằng những phương tiện vật chất. Tôi không tin là còn tù binh Mỹ và lính Mỹ mất tích sống ở Việt Nam, nhưng tôi tin chắc là có rất nhiều linh hồn Mỹ đau khổ. Tôi chưa hề tin có ma mãi cho đến khi tôi quen một số cựu binh Mỹ. Họ bị ám ảnh bởi chiến tranh. Có người từ 20 năm nay không có một đêm yên ngủ vì những giấc mơ khủng khiếp về chiến tranh.

Trong một phim tài liệu Anh về Mỹ Lai, người ta phỏng vấn một cựu binh Mỹ từng bắn phụ nữ và trẻ em. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong phòng anh ta, có ảnh con trai nhỏ của anh. Một hôm, kính khung ảnh tự nhiên nứt ra. Sau đó đứa trẻ chết vì một tai nạn. Anh ta định tự sát nhưng không chết. Anh ta rút ra kết luận là buộc phải sống trong khổ đau để nhớ đến Mỹ Lai.

Nhiều cựu chiến binh không thể tự tha thứ về những điều đã làm ở Việt Nam. Một người, có tên trên bức tường “kỷ niệm chiến tranh Việt Nam” là người tự sát đầu tiên, anh ta bị ám ảnh vì giết một em bé Việt Nam vì nghi đứa nhỏ ấy có cái gì ở trong giỏ; người lính Mỹ kia bắn chú bé vì sợ đó là quả lựu đạn. Té ra, đó chỉ là con búp bê.

Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện với một người bạn cựu binh Mỹ. Khi biết tôi ở Việt Nam mới về, điều đầu tiên anh hỏi tôi là: “Họ có căm thù người Mỹ không?”. Anh ta ngạc nhiên khi nghe tôi đáp là không. Anh ta, cũng như nhiều cựu chiến binh Mỹ, tin là vẫn còn tù binh Mỹ sống ở Việt Nam. Anh ta oán giận Chính phủ Mỹ vì bỏ mặc số phận tù binh Mỹ ở Việt Nam. Oán giận như con rắn tự cắn đuôi của mình. Đã đến lúc những nhà lãnh đạo chính trị, đạo lý và tinh thần ở Mỹ chấm dứt cái vòng luẩn quẩn căm thù khiến cho mỗi ngày là một địa ngục trên đời đối với anh ta và các bạn cựu binh của anh. Quốc hội, tiếng nói hiến pháp của nhân dân Mỹ, chưa bao giờ tuyên chiến với Việt Nam, nhưng “Văn bản giao tiếp với địch” vẫn còn hiệu lực và trừng phạt nhân dân Việt Nam bằng cấm vận thì thật ngược đời.

Là một dân tộc, chúng ta không thể tha thứ cho chúng ta về những điều đã làm đối với người Việt Nam cho đến khi nào chúng ta tha thứ cho người Việt Nam về những điều họ làm đối với chúng ta.

Nhiều người Mỹ sống một thời gian ở Việt Nam tin vào ma quỷ vì chịu ảnh hưởng tín ngưỡng Việt Nam. Trong cuốn tiểu thuyết Lính tráng, người kể chuyện phàn nàn là tất cả các “ma Mỹ” phải ở xa quê hương. Tôi nghĩ, nếu còn nhiều ma Mỹ ở Việt Nam thì từ hai chục năm nay, họ chỉ được ăn toàn cháo hoa đặt trong chùa vào Rằm tháng Bảy, ngày xá tội vong nhân. Nếu bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, thì những cửa hàng ăn Mc. Donald có thể được mở ở Việt Nam và ma Mỹ có cơ hội được ăn xúc xích Ham-buôc.

Cái gì có thể làm dịu những cô hồn đói khát và đau khổ đó? Có thể biện pháp của phong trào Mahikari, nhằm chữa tâm hồn và giải oan là phù hợp. Những người theo phong trào này thắp ánh sáng thiêng liêng ở Trân Châu cảng để làm dịu nỗi khổ đau của binh sĩ Mỹ chết khi Nhật tấn công năm 1941. Họ tin là khi oan hồn nhận được ánh sáng thì oan hồn dần dần thoát được những khổ đau của ký ức cõi trần, rũ bỏ được nỗi đau khổ trần gian gần như siêu thoát của nhà Phật. Tôi hỏi một chị người Việt (từ Hà Nội đến học ở Trường đại học Tổng hợp Ha-oai) để biết ở Việt Nam đêm Rằm tháng Bảy người ta cúng gì. Chị trả lời rất hào hứng:

“Người ta làm đồ mã, tất cả mọi thứ cần cho con người đều làm bằng giấy, sau đó đem đốt, lấy tro tung xuống nước cho trôi theo dòng xuống cõi âm. Cúng ban đêm, vì đối với ma, đêm là ngày”. Tôi lại hỏi chị, đêm Rằm tháng Bảy người Việt Nam có nghĩ đến binh sĩ Mỹ chết trận ở Việt Nam không. Chị bảo:

- Có chứ! Chúng tôi còn nghĩ đến cả binh sĩ Pháp, Nhật...

Chị nói ở chùa có để cháo và nước cho ma đói. Tôi thầm nghĩ đây là cử chỉ ưu ái nhưng không phải là điều ma Mỹ mong ước. Nếu có bình thường hóa quan hệ, thì ít nhất những gói đồ ăn “Măc” lớn có thể sẽ được đem đốt cùng với đồ mã khác.

Tôi mơ tưởng tổ chức một thứ lễ giải oan ở Việt Nam như kiểu nhóm Mahikari làm đối với Trân Châu cảng. Có thể có nhiều người dự lễ giải oan này, những cựu binh sĩ Mỹ hướng về tâm linh, những người Thiên Chúa giáo Mỹ chữa bệnh tinh thần, những nhà sư Việt Nam... Tôi cho là điều này cần phải làm, một người nào đó nên đứng ra làm!


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn