Cảo thơm lần giở: Chữ “nghĩa”

20-07-2018 08:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có lần ở Paris, tôi nói chuyện về văn học dân gian Việt Nam. Hôm sau, một thính giả là ông P. Devillers, nhà sử học, gặp tôi ở nhà một bà bạn. Ông thích thú tâm sự với tôi:

“Nghe ông tối qua phân tích chữ “thương” và chữ “yêu” ở Việt Nam, tôi thấy rất hợp với tôi và vợ tôi. Vợ tôi ngủ có lúc ngáy, tôi không bực mình vì “yêu” đã chuyển thành “thương”.

Trong bài thuyết trình, nhân nói về khái niệm “nghĩa” ở Việt Nam, tôi trích dẫn từ “yêu thương” ta thường dùng trong quan hệ trai gái, vợ chồng. Yêu để nói: tình cảm mê say, nhiều khi vượt ra ngoài lý trí. Thương để nói: tình cảm yêu không bồng bột, nhưng bền bỉ, trìu mến, ít nhiều dựa vào thông cảm, lý trí (ấy là hiểu theo chữ thương ở miền Bắc. Miền Trung và miền Nam thì thương có nghĩa là yêu). Yêu thì hay mù quáng, thương thì tỉnh táo, chấp nhận hay chịu đựng điều mình không thích (như chấp nhận vợ ngáy) ở đối tượng yêu, vì nghĩa (ta còn nói: tình sâu nghĩa nặng). Vậy thương ở đây không có nghĩa là thương hại, xót xa cho một người dưới, kém, mà là chia sẻ tình yêu bình đẳng dưới một dạng khác, kết hợp tình cảm và lý trí. Nếu là tình nghĩa thì khi tuổi yêu bồng bột đã qua, vợ chồng già vẫn mến yêu nhau vì nghĩa.

Có lẽ định nghĩa chữ “nghĩa” của Việt Nam ta nằm trong 2 câu nói về mối tình Kim - Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Xót thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng” .

Có lẽ định nghĩa chữ “nghĩa” của Việt Nam ta nằm trong 2 câu nói về mối tình Kim - Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Xót thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng” .

Câu tục ngữ “Chuyến đò nên nghĩa” rất điển hình cho tính cách Việt Nam.

Thực ra thì “nghĩa” là một khái niệm khá phổ biến trong nhân loại. Riêng khái niệm “nghĩa” ở Việt Nam, cũng như ở các nước Đông Nam Á khác, chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, xuất phát từ Khổng học. Theo cuốn từ nguyên Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghi và Gim Walers, “nghĩa” có nghĩa là nghĩa vụ, gần với uy nghi, mẫu mực. Đạo đức Khổng học đề cao nhân và nghĩa, nhân chỉ lòng thương người, nghĩa chỉ việc làm chính đính, theo lẽ phải. Khổng Tử nhấn mạnh chữ nhân, ít nói nghĩa, tuy nhân nghĩa đi liền nhau. Mạnh Tử thường nói chung nhân và nghĩa. Hai mặt nhân (tình, thương yêu) và nghĩa (lý, bổn phận) cần bổ sung cho nhau.

Dường như khái niệm nghĩa của Khổng học đưa vào Việt Nam, tuy vẫn giữ cái cốt, nhưng được “dân gian hóa” và nặng cả về tình cảm. Nó không tách bạch tình và lý như nhân và nghĩa. Trong ứng xử Việt Nam, thường lý và tình quyện vào nhau. Có thể lấy ví dụ trong ngôn ngữ: ta nói “nghĩ bụng”, “nghĩ trong lòng”, như vậy là tư duy nằm trong tình cảm, vì “bụng” và “lòng” được coi là nơi chứa đựng tình cảm.

Có lẽ định nghĩa chữ “nghĩa” của ta nằm trong hai câu Kiều sau đây:

Xót thay chút nghĩa cũ càng (1)

Dẫu lìa ngó ý (2), còn vương tơ lòng (3)

Trong sự phân tích trên đây có 3 yếu tố:

(1) Thời gian (dài, ngắn). Chỉ cần đi đò một chuyến cũng đủ thành nghĩa rồi (Chuyến đò nên nghĩa). Huống chi chút nghĩa lại cũ càng. (2) Lý trí được tượng trưng bằng ngó sen (ngó ý). Ngó bị bẻ gãy. (3) Tình cảm được tượng trưng bởi những sợi tơ lòng. Những sợi vẫn nối liền hai khúc ngó sen bị bẻ gãy.

Tóm lại, nghĩa của Việt Nam có thể là một khái niệm không thuần túy lý trí (nhiệm vụ, bổn phận, “mệnh lệnh bất khả kháng” của lương tâm theo kiểu Kant, của lý trí), nó còn nhuốm tình cảm. Như vậy, nó vừa là một nhiệm vụ về đạo đức (lý trí) kết tinh một món nợ do quan hệ xã hội, nhưng đồng thời nó còn là một món nợ tình cảm giữa con người với nhau.

Khái niệm tình nghĩa mở rộng ra quan hệ nam nữ, gia đình, bạn bè, làng xóm, con người với nhau (do đó mà nói: Chuyến đò nên nghĩa).

Khái niệm “nghĩa” của Nhật cũng xuất phát từ Khổng học, nhưng mang sắc thái mệnh lệnh khắt khe hơn. Nó chỉ một nhiệm vụ nặng về lý trí hơn, một món nợ đạo lý và tình cảm cần trả bằng bất cứ giá nào, cả bằng cái chết. Dấu ấn quy tắc xã hội đi vào ứng xử nghiệt ngã hơn. Có thể lấy ví dụ vở kịch thế kỉ 17 của Chicamatsu Vụ tự tử vì tình ở Amifima: đôi tình nhân tự tử vì chữ nghĩa, xuống tuyền đài để lấy nhau.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn