Trung Quốc phản đối việc này vì coi ông là một chính khách phản kháng Bắc Kinh, nên không coi ông là đại diện của văn học Trung Quốc. Ban giám khảo Nobel phản biện, cho là việc lựa chọn giải dựa vào ý nghĩa nhân văn của tác phẩm chứ không dựa vào thể chế chính trị. Cao Hành Kiện là nhà văn viết cả tiếng Pháp, là nhà viết kịch, nhà phê bình và họa sĩ. Kịch của ông dựa vào chủ nghĩa vô lý, không được ưa thích ở Trung Quốc nhưng được đánh giá rất cao ở phương Tây. Ông dịch Samuel Backet và Eugène Ionesco, chịu ảnh hưởng của trào lưu cận đại (chủ nghĩa hiện sinh) là “tiểu thuyết mới” và đặc biệt của Gabriel Marquez, Sartre, Joyce, Kafka, Kundera.
Nhà văn Cao Hành Kiện.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Linh Sơn (1989, bản tiếng Anh là Soul Mountain và bản tiếng Pháp là La Montagne de l’Âme) đều có nghĩa là Ngọn núi của Linh hồn. Đây là một cuốn tiểu thuyết tượng trưng, kết hợp cách kể chuyện dân gian truyền thống Trung Quốc với những tư tưởng và văn phong mới. Tác giả kể về cuộc hành hương tưởng tượng của mình đi tìm núi thiêng Linh Sơn, một cuộc lãng du đi hết núi này đến núi khác mà vẫn không tìm ra Linh Sơn (có thể là hình tượng của chân, thiện, mỹ); một cuộc hành hương thể hiện cái vô lý nhưng mang lại ý nghĩa cho phận người.
Cao Hành Kiện đã rời khỏi đất nước, sống lưu vong ở Pháp và trở thành công dân Pháp năm 1998.
Sau đây là một số tư duy của Cao Hành Kiện:
Chân lý chỉ có trong thể nghiệm.
Cuộc đời là nguồn của văn học, do đó văn học phải trung thực với cuộc đời.
Khi người ta đã đi đến mức cuối cùng của cuộc đời, ai mà thoát khỏi tình trạng nhớ quê hương.
Các tác giả là những chiếc gương phản chiếu đúng hình ảnh của ta.
Con người ra đời trong nước mắt và tiếng kêu, và rời khỏi cuộc đời trong sự ồn ào.
Nếu con người xưa bẩm sinh đã thờ lửa, ấy là để dẹp cái sợ bóng tối lẩn khuất trong thâm tâm.
Nhà văn chẳng qua chỉ là một người bình thường; chỉ khác là họ nhạy cảm hơn.
Một tác phẩm mà không thuyết phục nổi bản thân tác giả thì làm thế nào có thể làm rung cảm được người đọc.
Văn học đã khiến cho con người bảo tồn được ý thức làm người.
Nếu người ta sử dụng tự do để đổi lấy những cái gì khác, thì tự do cũng như con chim sẽ bay đi mất.
Con rồng đầy uy thế cũng không thể trấn áp được tên ác bá địa phương.
Càng xa Hoàng đế bao nhiêu thì càng được nhiều tự do bấy nhiêu.
Con người cướp bóc tàn phá thiên nhiên, nhưng rút cục bao giờ thiên nhiên cũng trả thù lại.
Cuộc đời khi bắt đầu chẳng có giá trị gì hết: chỉ cần tiến bước đi, chỉ có thế mà thôi.
Nói chung thì những kỷ niệm không bao giờ là không có đau khổ.
Con người thuộc những loài động vật, nếu bị tổn thương, có thể vô cùng độc ác.
Số phận thì vô cùng độc địa, mà con người thì lại rất yếu đuối, cho nên khi gặp sự bất hạnh thì chẳng biết làm gì được.